(CMO) Cách đây hơn 10 năm, lần đầu tiên chúng tôi về Khánh Thuận, khi xã vừa tách ra từ xã Khánh Hoà (năm 2009). Khánh Thuận lúc ấy mặc định là xã khó khăn nhất huyện U Minh, với tỷ lệ hộ nghèo, hộ khó khăn xấp xỉ 50%. Mới năm 2020 rồi, chúng tôi trở lại, tỷ lệ hộ nghèo ở đây chỉ còn trên 7%. Không khí của làng quê đang trên đà phấn chấn.Ông Trần Công Mười, Chủ tịch UBND xã Khánh Thuận, tâm đắc: “Phải phấn đấu chớ, Khánh Thuận rồi cũng sẽ là xã nông thôn mới, đời sống bà con sẽ khá lên, không còn là xứ nghèo nhất U Minh nữa đâu”. Qua rồi gian khó Sau một năm, đại dịch bùng lên, khó khăn nhiều lẽ. Vẫn thuỷ chung với đất Khánh Thuận là những nông dân can trường. Ông Trần Rô Y, Chủ tịch Hội Nông dân xã, khoe: “Khó khăn nhiều, nhưng phong trào lao động sản xuất, những mô hình mới, hiệu quả vẫn được bà con kiên trì thực hiện. Vượt khó là đức tính quý báu mà bà con ở đây gìn giữ, phát huy, cho dù là trước thử thách của cái nghèo hay dịch bệnh”. Với 15 ấp len lỏi trong lâm phần rừng tràm, phải nói là cuộc khởi nghiệp của người dân Khánh Thuận muôn vàn trắc trở. Lão nông Hà Văn Thức, Ấp 13, kể về những ngày đầu về Khánh Thuận mà không khỏi rùng mình: “Nói là cầm vài héc-ta đất, nhưng là đất hoang tạp thôi. Có lúc nản lòng, tôi định bỏ chỗ này mà tìm phương kế khác sinh nhai”. Thuộc lớp người đầu tiên về xứ này khai đất, lập xóm, ông Thức kể: “Thì ai cũng tính trồng rừng tràm hết. Mà cây tràm cũng cần thời gian, tầm 5-7 năm mới có thu nhập. Nhưng còn cái ăn, cái mặc trong từng ấy năm, không biết tính sao cho đặng. Vợ con nheo nhóc, phải nói là nghèo hết cỡ...”. Thi gan cùng gian khó, lấy ngắn nuôi dài, vợ chồng ông Thức tận dụng từng mét bờ thửa rừng tràm để làm rẫy. Cây chuối, con cá đồng, cọng bông súng, đám rau muống... đều là ân nhân giúp người dân xứ này vượt qua gian khó. Rồi những mùa tràm cũng đến. Với nhiều cải tiến, vụ tràm sau lại ngắn hơn, lại sinh lời nhiều hơn. Từng bước, từng bước, cuộc sống của ông Thức và những bà con quyết chí bám đất, bám rừng cũng đến hồi dễ thở, mở mang. Còn ông Nguyễn Văn Lốc, lang bạt kỳ hồ từ Kiên Giang về Ấp 11, xã Khánh Thuận, vẫn nhớ như in: “Tôi không cục đất chọi chim. Về đây mướn đất làm rẫy thôi. Ðất người ta cho mướn như cho không”. Thời mới về Ấp 11, ông Lốc trồng bắp lưu niên, bà con gọi chết danh là “Chín Bắp”. Gắn bó đất Khánh Thuận hơn 20 năm, ông Lốc đã thành chủ của mảnh đất 5 ha, với cơ ngơi vững chắc. Ngẫm lại, ông Lốc cảm thán: “Ở đâu cũng vậy, làm nông dân phải chí thú, siêng năng. Giờ đất Khánh Thuận có giá rồi, không như trước nữa. Ðất này nói vậy chớ trồng gì cũng tốt. Có rừng, có rẫy, đời con cháu tôi hết khổ rồi”. Chờ sắc xanh bừng lên Trong câu chuyện, ông Trần Rô Y tiết lộ: “Bà con Khánh Thuận giờ chỉ mong chờ dịch bệnh lắng dịu, địa bàn “xanh” trở lại để bước vào dịp làm ăn mùa Tết”. Hỏi thêm mới biết, tràm Khánh Thuận trúng vụ khai thác, nhưng giá thấp, lợi nhuận không như kỳ vọng. Thêm các mô hình của bà con đều gặp khó ở khâu đầu ra, trong khi giá cả vật tư nông nghiệp tăng nhiều. Trăn trở của bà con Khánh Thuận giờ không còn là cái khó, cái nghèo, mà là vấn đề chung của người nông dân mùa dịch. Chỉ mới vài tháng bén duyên với giống ốc bươu đen, ông Hà Văn Thức quả quyết: “Tranh thủ thời gian còn dịch, tôi dưỡng lại mấy ao ốc bươu đen, chủ yếu là gầy giống. Loại ốc này hạp ở đây lắm, có giá trị nữa. Mình làm rồi mới thấy mê, thấy có triển vọng lắm”. Từ 1.000 con ốc giống, mua về với giá 1 triệu đồng, ông Thức đã nhân lên 5 ao ốc đủ lứa. Với giá thương phẩm từ 60.000-80.000 đồng/kg, ốc giống bán theo con hoặc bán ổ trứng, ông Thức đã tích luỹ được một số vốn kha khá trong mấy tháng chống dịch. Hơn hết, đó còn là mô hình mới, hướng đi mới đầy hứa hẹn.
Ông Hoàng Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Khánh Thuận, cho biết: “Vợ chồng anh Thức đều là cựu chiến binh, siêng năng, chịu khó. Trong thời gian dịch giã, khó khăn đủ bề mà làm được mô hình mới như vầy thì còn gì quý cho bằng. Cái này mà hết dịch thì ngon lành, tụi tôi tính toán sẽ nhân rộng ra cho anh em hội viên toàn xã”. Thật, không có khó khăn gì có thể làm nản chí, chùn bước người nông dân Khánh Thuận. Khi nông dân đã quyết tâm thì chuyện gì cũng là điều có thể. Trên đất Khánh Thuận bây giờ, người nông dân đã dám nghĩ lớn, làm lớn với khao khát làm giàu. Gặp một người trẻ như anh Nguyễn Vũ Linh, Ấp 11, mới thấy khát vọng ấy cháy bỏng đến dường nào: “Bây giờ làm ăn phải mạnh dạn thôi. Năm nay, tôi tập trung trồng đu đủ với 400 gốc, gừng sắp tới mùa thu hoạch. Giờ mong mỏi lớn nhất là dịch bệnh lắng dịu, đón thị trường mùa Tết”. Nhẩm tính, mỗi gốc đu đủ sản lượng bình quân từ 50-70 kg, gừng củ khoảng 25 tấn, nếu mọi chuyện thuận lợi, anh Linh sẽ có một cái Tết tròn đầy.
Khánh Thuận bây giờ, ngoài sắc xanh của cây tràm, còn là sắc xanh của những vườn cây trái, những rẫy hoa màu, những mô hình ngời lên sức sống. Ở đó còn có sức vóc, sự can trường, sáng tạo và tình yêu máu thịt với đất đai của những nông dân chân chất. Có đi qua gian lao, khó khăn, con người mới thêm tin yêu mảnh đất cưu mang mình. Tất cả đọng lại thành lời hẹn của đất, của người Khánh Thuận với đong đầy thuỷ chung, son sắt./.
Phạm Quốc Rin
|