Nhiều điểm mới Riêng thị trường xuất khẩu, ngoài các thị trường xuất khẩu truyền thống, TPHCM sẽ tập trung xúc tiến các thị trường xuất khẩu tiềm năng mới từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực mà Việt Nam tham gia ký kết như CPTPP, EVFTA,... Theo ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC), trong năm 2022, ITPC sẽ nghiên cứu đa dạng hóa các hình thức tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, đặc biệt là hoạt động xúc tiến qua nền tảng số, trên môi trường trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử để truyền thông, quảng bá sản phẩm, tăng cơ hội tiếp cận khách hàng xuyên biên giới. Hoạt động xúc tiến thương mại xác định trọng tâm vào các mặt hàng, sản phẩm xuất khẩu chủ lực, những mặt hàng mà thành phố có tiềm năng, thế mạnh sản xuất và lợi thế so sánh trong cạnh tranh như ngành lương thực thực phẩm - đồ uống, thiết bị điện - điện tử - công nghệ thông tin, sản phẩm từ cao su - plastic, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn... gắn liền với chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực của TPHCM. Với tình hình thực tế hiện nay, theo ông Trần Phú Lữ, công tác xúc tiến xuất khẩu TPHCM cũng sẽ có nhiều điểm mới, thay đổi. Thứ nhất, phương thức tổ chức các hoạt động xúc tiến sẽ linh hoạt giữa trực tiếp kết hợp với trực tuyến, chú trọng hoạt động trực tuyến để kết nối với các khách hàng, đối tác nước ngoài do hạn chế đi lại, không thể tham gia vào các hoạt động xúc tiến trực tiếp. Thứ hai, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế trực tuyến trên môi trường mạng. Năm 2022, lần đầu tiên ITPC phối hợp các đơn vị có kinh nghiệm truyền thông để tổ chức triển lãm trực tuyến các sản phẩm công nghiệp xuất khẩu chủ lực của thành phố, dự kiến tổ chức vào quý III với quy mô từ 200 - 300 doanh nghiệp tham gia triển lãm, giới thiệu sản phẩm. Thứ ba, tập trung vào các hoạt động kết nối B2B với các đối tác, người mua tiềm năng theo từng ngành hàng và từng thị trường cụ thể, nhất là các thị trường mới tiềm năng; kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI; ITPC tiếp tục chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với hệ thống phân phối đa quốc gia (như hệ thống siêu thị Aeon, Lotte, Go!..) xem đây là hình thức mở rộng kênh phân phối hiện đại và xuất khẩu hàng hóa tại chỗ thông qua hệ thống phân phối toàn cầu của các đơn vị phân phối lớn này. Cuối cùng, ITPC tập trung cho công tác nghiên cứu thị trường về ngành hàng sản phẩm, hỗ trợ cung cấp miễn phí cho các doanh nghiệp có nhu cầu; ITPC sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp thông qua chương trình Đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền Thành phố để kịp thời phối hợp với các sở ngành giải quyết các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp có đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố về thuế, hải quan, y tế, đầu tư - xây dựng,... ITPC sẽ tổ chức Diễn đàn xuất khẩu nhằm giúp doanh nghiệp thêm thông tin hữu ích để xây dựng định hướng, chiến lược xuất khẩu phù hợp với niềm tin sẽ có sự tăng trưởng đột phá trong kim ngạch xuất khẩu của thành phố trong năm 2022, nếu chúng ta tận dụng tốt cơ hội từ việc phục hồi phát triển kinh tế của các nước sau khi đại dịch được kiểm soát. Kết nối xuất khẩu gián tiếp Ông Trần Phú Lữ nhận định, hiện nay, xuất khẩu hàng Việt Nam qua hệ thống mạng lưới phân phối của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài là một kênh hiệu quả, bền vững bởi các tập đoàn bán lẻ nước ngoài không chỉ có hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại liên tục được đầu tư mở rộng ở các thành phố lớn ở cả trong và ngoài nước mà còn dẫn đầu về chuyển đổi sang hình thức mua sắm trực tuyến. Vì vậy ITPC đã chủ động phối hợp với các tập đoàn bán lẻ trong và ngoài nước tổ chức các hội nghị, hội thảo tạo cầu nối cho doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi và tìm kiếm thị trường mới từ các tập đoàn bán lẻ trong nước và quốc tế. Mới đây, ITPC đã phối hợp Công ty CP Trung tâm Thương mại Lotte Việt Nam tổ chức Hội thảo “Chương trình kết nối đưa hàng hóa Việt Nam vào hệ thống siêu thị Lotte Mart tại Việt Nam năm 2022” nhằm giới thiệu về hoạt động của chuỗi hệ thống siêu thị Lotte Mart, những tiêu chuẩn kỹ thuật để đưa hàng vào siêu thị Lotte Mart Việt Nam cũng như hướng dẫn các sản phẩm OCOP của doanh nghiệp Việt vào chuỗi siêu thị này, cung cấp thông tin về xu hướng ứng dụng công nghệ mới trong đóng gói từ đại diện Công ty CP trung tâm Thương mại Lotte Việt Nam. Từ đó, doanh nghiệp nắm bắt tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng, cũng như cách quản lý chất lượng tiên tiến nhằm bảo đảm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, đồng thời có thông tin để nghiên cứu xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm Việt. Trong năm 2022, ITPC dự kiến sẽ tiếp tục phối hợp cùng các siêu thị nước ngoài tiếp tục tổ chức các chương trình kết nối để hỗ trợ doanh nghiệp, để giúp doanh nghiệp hiểu được nhu cầu thị trường, quảng bá giới thiệu sản phẩm, định vị lại sức hút của sản phẩm đối với khách hàng để có kế hoạch phát triển trong tương lai. Về phía doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần tập trung xây dựng chuỗi liên kết bền vững, nắm bắt nhu cầu thị trường để sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng, đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới và có giá thành cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh sụt giảm cầu do khách hàng thận trọng và chặt chẽ trong chi tiêu để đề phòng rủi ro như hiện nay. Riêng các chương trình xúc tiến ITPC đề xuất chủ trương UBND TPHCM sẽ không thu phí các doanh nghiệp tham gia chương trình, kể cả tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ triển lãm quốc tế tổ chức trong nước và ngoài nước. Vì vậy, doanh nghiệp có nhu cầu chỉ cần nắm thông tin và đăng ký tham dự.
|