Đối với mặt hàng thuốc lá, tại điểm 1 Điều 3 Quyết định số 20/2018/QĐ-TTg ngày 26/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ có nêu: “Việc xác định thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu là thuốc lá giả, thuốc lá không đảm bảo chất lượng, thuốc lá đảm bảo chất lương do cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu phối hợp với cơ quan chuyên môn về đánh giá chất lượng thực hiện”. Hiện nay, không riêng gì Kiên Giang, các địa phương khác như Đồng Tháp, An Giang, Long An… cũng đang gặp vướng mắc khi vẫn chưa xác định đơn vị nào là cơ quan chuyên môn có thẩm quyền đánh giá chất lượng thuốc lá nhập lậu có quyết định tịch thu. Theo Cục Hải quan Kiên Giang, nếu thực hiện đúng với quy định nêu trên, việc mời cơ quan có thẩm quyền đánh giá chất lượng thuốc lá nhập lậu có quyết định tịch thu trên địa bàn quản lý của Cục gặp rất nhiều khó khăn như: Chi phí thuê cơ quan chuyên môn có thẩm quyền đánh giá chất lượng thuốc lá rất cao, thời gian có kết quả giám định kéo dài, vi phạm thời hạn quy định trong công tác xử lý. Để giải quyết vướng mắc này, Cục Hải quan Kiên Giang sẽ tiếp tục bảo quản số lượng thuốc lá nêu trên đến khi có văn bản bổ sung, thay thế Quyết định số 20/2018/QĐ-TTg hoặc khi có sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, hoặc xây dựng phương án xử lý tiêu hủy theo quy định. Vì hiện tại, theo nhận biết cảm quan số lượng thuốc lá nêu trên đã không còn đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, Cục Hải quan Kiên Giang đang gặp các vướng mắc khi xử lý các mặt hàng tang vật khác như đường Thái Lan, thực phẩm và trái cây. Đối với các mặt hàng đường cát Thái Lan, số lượng bắt giữ tại các đơn vị trực thuộc không nhiều trong khi đó, chi phí kiểm định chất lượng cho mặt hàng đường cát Thái Lan (kiểm tra nhanh vi sinh lý hóa để xác định không có vi khuẩn gây hại đối với sức khỏe người dùng) khoảng 1.300.000 đồng/mẫu/1 lô hàng là quá cao so với giá thành bán ra trên thị trường là 10.000 đồng /kg nên không mang lại hiệu quả bắt giữ. Đối với các mặt hàng thực phẩm khác, chi phí kiểm định chất lượng (kiểm tra nhanh vi sinh lý hóa để xác định không có vi khuẩn gây hại đối với sức khỏe người dùng) khoảng 1.500.000 đồng/mẫu/1 lô hàng, cao hơn rất nhiều so với giá thành bán ra trên thị trường như sữa các loại giá bán chỉ 7.000 đồng/hộp; nước ngọt giá bán trung bình khoảng 15.000 đồng /chai không phù hợp với kinh phí trong công tác kiểm soát Hải quan. Khó khăn hiện nay trong công tác bảo quản tang vật vi phạm hành chính đối với lượng hàng hóa bắt giữ là vật phẩm dễ bị hư hỏng, thời hạn sử dụng ngắn như đường cát Thái Lan, nước giải khát có gas các loại... Trong khi kho hàng tạm giữ tang vật không đạt yêu cầu do thời tiết tại các tỉnh Tây Nam Bộ thường nóng ẩm do ảnh hưởng của mưa bão, áp thấp nhiệt đới, mùa mưa kéo dài gây ẩm mốc, mau hư hỏng, khó bảo quản đủ tiêu chuẩn về chất lượng của tang vật vi phạm hoặc đối với thời hạn sử dụng của các mặt hàng thực phẩm khác. Thời gian chờ kết quả kiểm định chất lượng kéo dài (thời gian lấy mẫu và kiểm định là 10 ngày) trong khi việc bắt giữ diễn ra thường xuyên tại các đơn vị trực thuộc gặp nhiều khó khăn trong công tác xử lý vi phạm đúng thời hạn quy định. Đối với các mặt hàng thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân nhưng do phải chờ thủ tục lâu, dễ hư hỏng, Cục Hải quan Kiên Giang kiến nghị tiêu hủy đối với các mặt hàng này, không bán ra thị trường. |