Nga và Ukraine đã đưa ra những thông báo trái chiều về vụ việc. Nga cáo buộc Ukraine không thông báo trước về việc 3 con tàu qua eo biển Kerch,àUkrainetrướcnguycơxungđộtquymôlớtphcm fc đồng thời cho biết các tàu của Ukraine đã đi lại một cách nguy hiểm và phớt lờ những chỉ dẫn của phía Nga nhằm kích động căng thẳng, buộc Moscow phải dùng tới vũ lực để ngăn chặn quân đội Ukraine xâm phạm bất hợp pháp vùng biển Nga. FSB nêu rõ 3 con tàu của Ukraine đã không phản hồi những yêu cầu hợp pháp của giới chức Nga, xâm phạm biên giới Nga để tiến hành các hoạt động bất hợp pháp trong vùng lãnh hải Nga. Phía Nga đánh giá đây là hành động khiêu khích.
Trong khi đó, phía Hải quân Ukraine cho rằng Nga đã cho tàu chặn đường qua eo biển Kerch, không để 2 tàu chiến loại nhỏ cùng một tàu kéo Ukraine đang từ Biển Đen đi qua eo biển Kerch để vào Biển Azov. Tàu cảnh giới của Nga đã đâm vào tàu kéo Ukraine, nổ súng và giữ cả 3 con tàu. Đụng độ khiến ít nhất 3 thủy thủ Ukraine bị thương. Ukraine gọi đây là "hành động có chủ định" của phía Nga.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã triệu tập một cuộc họp khẩn với giới chức quân đội để đánh giá tình hình và các bước đi tiếp theo. Tại cuộc họp, Hội đồng An ninh quốc phòng Ukraine đã thông qua quyết định ban bố tình trạng chiến tranh trên lãnh thổ Ukraine trong vòng 60 ngày. Tổng thống Poroshenko đã ký sắc lệnh ban hành thiết quân luật trong 60 ngày trên toàn quốc bắt đầu từ ngày 26/11 đến 25/1/2019. Tuy nhiên, sau đó ông đã giảm xuống còn 30 ngày vì để tránh trùng với thời điểm bắt đầu chiến dịch vận động tranh cử.
Về phần mình, Moscow đã triệu đại biện lâm thời Ukraine tại Nga để khiếu nại về vụ việc trên, sau khi đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhóm họp. Phó Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Pyotr Tolstoy cảnh báo giới chức Ukraine đang khơi mào cho một cuộc xung đột quân sự quy mô lớn, đồng thời tuyên bố Moscow sẽ không cho phép để xảy ra những hành động khiêu khích quân sự trong lãnh hải của mình.
Ngược trở lại với thời gian, vào tháng 12/2003, Nga và Ukraine đã ký hiệp định về hợp tác sử dụng biển Azov và eo biển Kerch, xác định đây là vùng nội thủy của hai nước, do đó các tàu thương mại, tàu chiến, cùng các loại tàu thuyền khác của Liên bang Nga hoặc Ukraine đều được hưởng quyền tự do hàng hải tại đây. Hiệp định cũng khẳng định mọi tranh cãi liên quan phải được giải quyết bằng đàm phán và thương lượng, cũng như các giải pháp hòa bình khác giữa hai nước.
Tuy nhiên, sau cuộc trưng cầu ý dân năm 2014 với việc Crimea được sáp nhập vào Nga, các nghị sĩ Quốc hội Ukraine đã nhiều lần đề xuất hủy bỏ hiệp định về hợp tác sử dụng biển Azov và eo biển Kerch. Ukraine cũng từng bước tăng cường sự hiện diện quân sự trên biển Azov, gia tăng số tàu hải quân và lực lượng tuần tra trên biển, triển khai thêm các lực lượng trên không, trên bộ, trên biển và pháo binh tới khu vực nhằm hiện thực hóa kế hoạch thiết lập căn cứ hải quân tại đây trong năm 2018, kế hoạch vốn được đẩy mạnh sau khi Nga khánh thành một cây cầu bắc qua eo biển Kerch giữa Biển Đen và biển Azov, kết nối miền Nam nước Nga với bán đảo Crimea.
Có ý kiến cho rằng sự việc này như một tính toán của Tổng thống Ukraine Poroshenko nhằm gia tăng uy tín trước kỳ bầu cử vào năm 2019, thậm chí có thể là hành động "gây nhiễu" trước cuộc gặp dự kiến giữa lãnh đạo Nga và Mỹ tại Argentina cuối tháng 11. Dù với mục đích gì thì biển Azov đã trở thành một điểm nóng mới trong quan hệ Nga - Ukraine. Các chuyên gia phân tích nhận định, với tình trạng quan hệ vẫn căng thẳng, diễn biến căng thẳng mới đây có nguy cơ đẩy Nga và Ukraine tới một cuộc xung đột quy mô lớn.