Cung thể thao Tiên Sơn, Hải Châu (Đà Nẵng) được cho là sử dụng chưa hiệu quả. Báo cáo của Bộ trưởng tập trung vào 8 vấn đề, trong đó nổi bật việc sử dụng xe ô tô và các tài sản khác do tổ chức, cá nhân biếu tặng; quản lý tài sản công chặt chẽ theo tiêu chuẩn và định mức; quản lý khai thác tài sản công tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập,... Quy định chặt chẽ tài sản cho, biếu, tặng
Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV, sáng 29/5/2017, Quốc hội họp tại hội trường, cho ý kiến đối với Dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Dự thảo Luật nhận được nhiều quan tâm, góp ý của đại biểu. Tổng số có 35 ý kiến đăng ký phát biểu, trong khuôn khổ làm việc buổi sáng đã có 19 đại biểu trực tiếp tham gia góp ý. Đa số đại biểu bày tỏ cơ bản đồng tình đối với dự thảo Luật và tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), đồng thời đề nghị Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần này.
Tuy nhiên, để các quy định đảm bảo chặt chẽ hơn nữa, để Luật thực sự đi vào cuộc sống, các đại biểu đề nghị Ban Soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục bổ sung, hoàn thiện làm rõ một số vấn đề cụ thể. Trong đó, nhiều đại biểu đề nghị cần quy định chặt chẽ, cụ thể việc tiếp nhận các tài sản cho, biếu, tặng ngay trong Luật này. Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) đề nghị, không chỉ xử lý hành vi sử dụng mà cần xử lý cả hành vi nhận tài sản. Trên thực tế, hành vi này là tiền đề cho hành vi sử dụng.
Trái ngược với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, việc các tổ chức, cá nhân cho, biếu tặng tài sản cần được ghi nhận, nhất là tài sản công cộng. Vấn đề đặt ra ở đây là động cơ này có trong sáng hay không? Do đó, cần quy định cơ quan có thẩm quyền nhận và việc sắp xếp sử dụng để phát huy mục đích tốt đẹp của hành vi này, bảo đảm sự chính xác.
Một nội dung khác cũng được các đại biểu quan tâm là vấn đề quy định thế nào về sử dụng kho số đẹp. Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị cần quy định tất cả biển số (xe ô tô, xe gắn máy) là tài sản công. Ngược lại, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) và Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) có ý kiến khác và đề nghị cần cân nhắc nội dung này, vì số người bỏ tiền ra mua biển số đẹp có thể không nhiều như dự tính. Mặt khác, việc quản lý với biển số đẹp sẽ được thực hiện thế nào khi người dân đã bỏ tiền ra mua, trở thành tài sản cá nhân và cần chuyển nhượng?
Cơ quan nhà nước không dùng tài sản công cho thuê, kinh doanh
Báo cáo giải trình nhanh một số vấn đề được đại biểu Quốc hội đặt ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, quá trình hoàn thiện dự thảo, cơ quan soạn thảo đã tiến hành rà soát gần 90 bộ luật, luật về dân sự kinh tế, trong đó có 50 bộ luật và luật liên quan đến Dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và đã có báo cáo rà soát.
Giải trình thêm một số vấn đề liên quan, trong đó có việc sử dụng xe ô tô và các tài sản khác do tổ chức, cá nhân biếu tặng không đúng mục đích, tiêu chuẩn và định mức chế độ quy định, Bộ trưởng cho biết, một trong những nguyên tắc quan trọng nhất trong việc quản lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị là phải tuân thủ theo tiêu chuẩn và định mức. Vì vậy, cơ quan soạn thảo thống nhất với UBTVQH về đề nghị bổ sung vào Điều 11, Dự thảo Luật quy định cấm sử dụng xe ô tô, các loại tài sản khác, do các tổ chức, cá nhân đổi, tặng không đúng mục đích, không đúng tiêu chuẩn, định mức chế độ và sử dụng cho cá nhân.
Về thẩm quyền quyết định trong quản lý sử dụng tài sản công, Bộ trưởng cho hay, việc giao cho Chính phủ phân cấp thẩm quyền quyết định về mua sắm, thuê, thu hồi, điều chuyển, bán, chuyển nhượng, thanh lý, tiêu hủy, ghi giảm tài sản trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại cho thuê liên doanh, liên kết… nhằm tạo sự chủ động trong điều hành, phù hợp với chính sách trong từng thời kỳ là cần thiết.
“Vì vậy, chúng tôi kiến nghị Quốc hội giao cho Chính phủ quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó có việc đầu tư, xây dựng, mua sắm, khai thác tài sản công và các vấn đề khác có liên quan theo nội dung, báo cáo giải trình tiếp thu của UBTVQH”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng kiến nghị.
Một nội dung nữa được nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm là việc quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập cũng được Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng làm rõ. “Luật Quản lý tài sản nhà nước năm 2008 đã phân định chế độ quản lý sử dụng giữa cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công. Tài sản tại cơ quan nhà nước nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước. Tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập nhằm tạo ra dịch vụ công, cung cấp cho xã hội. Vì vậy, cần phải làm rõ chế độ quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công tại cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu.
Như vậy, tài sản công tại cơ quan nhà nước là tài sản phục vụ công tác quản lý nhà nước, do đó, cần phải bảo đảm việc quản lý tài sản tiết kiệm, đúng mục đích, đúng tiêu chuẩn, định mức. Tuyệt đối không được sử dụng để cho thuê, kinh doanh, dịch vụ, liên doanh liên kết… để bảo đảm tính nghiêm minh, tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước, nhất là đối với trụ sở làm việc, phương tiện đi lại…
Đối với quy định cho phép đơn vị sự nghiệp công lập khai thác tài sản công chưa sử dụng hết công năng vào mục đích sản xuất kinh doanh, liên doanh liên kết, cho thuê để giảm bớt áp lực ngân sách, Bộ trưởng cho biết dự thảo Luật đã rà soát, bổ sung các yêu cầu khi sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh phải không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; bảo toàn, phát triển vốn, tài sản nhà nước; sử dụng tài sản đúng mục đích. Đức Minh (Thực hiện) |