Trong khi các đồng minh của Mỹ lo ngại nếu các ý định trên trở thành hiện thực, đây dường như lại là một chiến thắng rất lớn đối với Trung Quốc.
Ngay sau các tuyên bố trên, Nhật Bản không che giấu nỗi lo ngại. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Itsunori Onodera đã công khai lên tiếng khẳng định vai trò quan trọng của các cuộc tập trận chung với Mỹ đối với an ninh trong khu vực Đông Á. Trong khi đó, Hàn Quốc, nước là đối tượng liên quan chính trong quyết định của Tổng thống Mỹ, tỏ ra bối rối vì không hề được báo trước về quyết định này. Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết đang tìm hiểu xem hàm ý và dụng ý của ông Trump là gì.
Trái với thái độ lo ngại và bối rối trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã nhanh chóng bình luận rằng quyết định của Tổng thống Trump đã khẳng định tính chất đúng đắn của chiến lược “đình chỉ song song” mà Trung Quốc đã đề xuất từ nhiều tháng nay, theo đó để mở đường cho đàm phán, Washington phải ngừng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, còn Bình Nhưỡng ngừng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa.
Hiện chưa biết chính xác “các cuộc tập trận” mà ông Trump muốn chấm dứt là cuộc nào bởi mỗi năm Mỹ và Hàn Quốc đều tiến hành với vài cuộc tập trận. Nhưng chỉ riêng việc hạn chế một số hoạt động trong liên minh quân sự Mỹ-Hàn cũng đã là điều mà Bắc Kinh trông đợi. Chính phủ Trung Quốc sẽ xem việc đình chỉ các cuộc tập trận là bước khởi đầu cho tiến trình Mỹ rút quân khỏi bán đảo Triều Tiên, hoặc thậm chí là những "rạn nứt" đáng kể trong liên minh giữa Washington và Seoul.
Các chuyên gia về an ninh khu vực cũng cho rằng quyết định của Tổng thống Trump rất có lợi cho Trung Quốc. Giới phân tích nhấn mạnh việc giảm bớt lực lượng Mỹ ở vùng Đông Á sẽ làm thay đổi tương quan lực lượng trong khu vực, hỗ trợ cho đà vươn lên của Trung Quốc. Nếu Mỹ đình chỉ các cuộc tập trận, sau đó tiến tới việc rút binh sỹ về nước, sẽ khiến các nước châu Á hiểu rằng nước Mỹ đang bỏ rơi khu vực Đông Á, nhất là khi quyết định này đặt ra vấn đề tương quan lực lượng và cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Bắc Kinh nên lạc quan một cách thận trọng về quyền lực của Mỹ trong khu vực. Ngay cả trong trường hợp kế hoạch Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc được tiến hành, vẫn có khả năng quân đội Mỹ đơn giảm là di chuyển số quân này tới khu vực khác để thách thức quyền lực của Trung Quốc. Có thể kể đến những cái tên như Nhật Bản, Philippines, Australia và nhiều nơi khác. Cùng quan điểm này, tờ Washington Post cho rằng việc dừng tập trận hàng năm không phải là một “hy sinh lớn” đối với Mỹ, bởi trước đây Mỹ đã từng đình chỉ các cuộc tập trận quân sự trong một nỗ lực nhằm giảm bớt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Báo này cũng nhấn mạnh rằng các cuộc tập trận có thể được khởi động lại rất nhanh chóng. Lần gần đây nhất Lầu Năm Góc đồng ý hoãn tập trận để Thế vận hội mùa Đông PyeongChang được diễn ra suôn sẻ và các hoạt động này đã được nối lại sau khi Thế vận hội kết thúc.
Giới quan sát cho rằng với một người nổi tiếng hay thay đổi ý kiến như đương kim Tổng thống Mỹ, có lẽ cần phải chờ đến tháng 8 tới, thời điểm cuộc tập trận Mỹ-Hàn trên quy mô lớn có tên “Người Bảo vệ Ulchi” dự kiến được tiến hành, người ta mới biết liệu Donald Trump có thực sự “tặng” cho Triều Tiên và Trung Quốc món quà quý giá là hủy bỏ các cuộc tập trận hay không.