Nhiều chỉ tiêu giảm do khó khăn chung vì Covid-19
Những tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, đã tạo áp lực không nhỏ tới việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam. Do tác động của Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm của người lao động nên gây khó khăn cho công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Theo đó, các chỉ tiêu về phát triển người tham gia của ngành đều giảm so với cuối năm 2020.
Tính đến tháng 4/2021, số người tham gia BHXH là gần 16 triệu người, đạt 32,4% lực lượng lao động trong độ tuổi (trong đó có: gần 14,9 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, trên 1,1 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, lần lượt giảm 1,05% và 2,17% so với hết năm 2020); BHTN gần 13,2 triệu người, đạt 26,7% lực lượng lao động trong độ tuổi, giảm 1,15% so với hết năm 2020; BHYT gần 87 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 88,9% dân số, giảm 1,24% so với hết năm 2020.
Đáng chú ý, số thu BHXH, BHYT, BHTN 3 tháng đầu năm 2021, tăng 10,06% so với chỉ tiêu cùng kỳ năm 2020. Mặc dù chỉ số phát triển đối tượng chưa đạt như kỳ vọng, nhưng vẫn có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, một phần do ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh nên tỷ lệ nợ đọng BHXH, BHYT những tháng đầu năm vẫn cao. Tình trạng nợ đọng, chậm đóng tại một số cơ quan, đơn vị còn khá phổ biến, với tổng số tiền nợ BHXH, BHYT trong cả nước lên tới 20.756 tỷ đồng. Đồng thời, việc xử lý đối với đơn vị, doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động... vẫn còn khó khăn, vướng mắc.
Ngoài ra, số người đề nghị hưởng BHXH một lần có chiều hướng gia tăng. Tính đến hết tháng 3/2021 toàn quốc giải quyết cho 247.783 người hưởng trợ cấp một lần, tăng gần 20,6% so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân chủ yếu là do dịch bệnh, người lao động nghỉ việc, mất việc, tính thời điểm này đã đủ 12 tháng.
Tập trung tăng độ bao phủ, giảm nợ
Theo chỉ tiêu được giao, trong khoảng thời gian các tháng còn lại của năm 2021, toàn ngành BHXH Việt Nam cần phát triển thêm 557.626 người tham gia BHXH; 627.595 người tham gia BHXH tự nguyện; 951.248 người tham gia BHTN và 1.508.299 người tham gia BHYT.
Chính phủ dự báo, năm 2021 sẽ còn nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây nên. Vì vậy, để hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ trong những tháng tiếp theo, BHXH Việt Nam xác định tiếp tục tăng cường triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm nợ, không để phát sinh nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN trong tháng 4 và những tháng tiếp theo.
BHXH Việt Nam sẽ phối hợp với các bộ, ngành triển khai chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra liên ngành năm 2021; thực hiện thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch đã được phê duyệt; tăng cường thanh tra chuyên ngành đột xuất tại các đơn vị có dấu hiệu nợ đọng, lạm dụng quỹ BHXH, BHYT.
Đồng thời, BHXH tiếp tục triển khai kế hoạch truyền thông chính sách BHXH, BHYT năm 2021 thiết thực, hiệu quả, tập trung tuyên truyền trực tiếp; tuyên truyền phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền…
Cùng với đó, toàn ngành sẽ đổi mới phương thức phục vụ, chi trả qua các tổ chức dịch vụ công; đẩy mạnh việc chi trả không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ. Bên cạnh đó, quản lý chặt chẽ việc chi trả các chế độ BHXH ngắn hạn, trợ cấp một lần, trợ cấp thất nghiệp; tăng cường, chủ động các biện pháp kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở y tế.
Ngoài ra, BXHH Việt Nam còn tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; tích hợp cung cấp thêm các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của ngành lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Ngành cũng sẽ hoàn thiện, bổ sung các tính năng, tiện ích mới trên ứng dụng VssID - BHXH số, quan tâm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tham gia và hưởng chính sách BHXH, BHYT…
Mai Lâm