các đại biểu thảo luận về giải pháp tăng nguồn thu của cơ quan báo chí. Ảnh: N.H |
Đối mặt nhiều thách thức
Ngày 16/3, phát biểu đề dẫn và định hướng thảo luận tại Tọa đàm “Đa dạng nguồn thu các cơ quan báo chí”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ, nguồn thu báo chí đang đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan báo chí hiện nay.
Hiện nay nguồn thu của các cơ quan báo chí bị ảnh hưởng bởi cơ chế thị trường mới. Qua thực tế, nếu chỉ trông chờ, phụ thuộc nhiều vào quảng cáo, các cơ quan báo chí sẽ luôn phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu, trong bối cảnh các doanh nghiệp tìm đến quảng cáo ngày càng nhiều hơn trên nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Zalo, YouTube…
Bên cạnh đó, việc các trang tin, trang mạng xã hội lấy lại nội dung một cách có chủ đích từ các cơ quan báo chí để thu hút doanh thu quảng cáo khiến “miếng bánh” nguồn thu dành cho các cơ quan báo chí ngày một nhỏ đi.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm phân tích, có thể thấy chưa bao giờ nguồn thu bị tác động mạnh như bây giờ. Xu hướng quảng cáo hiện đi sang không gian số, phương thức bán hàng thương mại điện tử phá vỡ cấu trúc thương mại truyền thống, hiện có rất nhiều cách khác để bán hàng không nhất thiết phải đi qua cơ quan báo chí. Các doanh nghiệp đã và đang tìm những phương thức hiệu quả hơn để quảng cáo. Các thương hiệu quan tâm rất nhiều về chi phí thực để chuyển đổi ra một khách hàng, tạo được đơn hàng ở mức thấp nhất.
Tìm hướng đi dài hạn cho kinh tế báo chí
Trong bối cảnh đó, đề xuất về hướng đi cho kinh tế báo chí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông Nguyễn Quang Đồng cho rằng, thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông cần đề xuất lãnh đạo Chính phủ hỗ trợ nhiều hơn cho các cơ quan báo chí. Trong đó, miễn giảm thuế giá trị gia tăng cho toàn bộ sản phẩm báo chí; đơn giản hóa thủ tục hành chính với các gói truyền thông chính sách; tạo thuận lợi trong thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tương tác của người dùng trên các nền tảng mạng xã hội.
Về dài hạn cần đẩy mạnh xã hội hóa để tăng đầu tư cho năng lực công nghệ, kinh doanh cho các cơ quan báo chí; hỗ trợ các cơ quan báo chí tăng cường hiện diện và hợp tác kinh doanh với nền tảng mạng xã hội qua vai trò “cầu nối” của Bộ Thông tin và Truyền thông…
Là một trong số những cơ quan báo chí có nguồn thu đứng “top” đầu trong cả nước, ông Lê Thanh Tuấn, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Vĩnh Long cho biết, hiện hoạt động quảng cáo chiếm khoảng 85% - 90% trong tổng nguồn thu của Đài. Cùng với đó là nguồn thu từ quảng cáo trên phát thanh bằng việc thực hiện nhiều chương trình trực tiếp và livestream…
Tương tự, sau khi nguồn thu từ quảng cáo và phát hành sụt giảm, Báo Tuổi Trẻ đã đầu tư thu hút nguồn thu từ nền tảng số. Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ Trần Xuân Toàn cho biết, thói quen người đọc thay đổi, làm cho cơ cấu nguồn thu của Báo Tuổi Trẻ thay đổi. Trước đây 75% là nguồn thu từ bán báo và quảng cáo trên báo giấy, bây giờ đảo lại 75% nguồn thu đến từ các nền tảng số.
Sự đảo chiều buộc Báo Tuổi Trẻ phải thay đổi đầu tư nhiều vào công nghệ, thay đổi tư duy, thói quen làm báo của các nhóm phóng viên, biên tập viên. Cùng với đó, báo cũng phải xoay xở vừa đặt mục tiêu giảm thiểu đà sụt giảm trên báo giấy, đồng thời tiếp tục đa dạng hóa nguồn thu.
Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Tổng Biên tập Báo Giao thông cho biết, để thu hút độc giả, báo tập trung thực hiện nguyên tắc làm tốt nhất nội dung mình có thể làm, tốt nhất từng ngày. Bên cạnh đó, phát huy, mở rộng những sở trường, thế mạnh, linh hoạt đáp ứng theo thị trường và tận dụng hết tất cả những cách để có thể đa dạng nguồn thu. Về nguồn thu mới, hiện tại Báo Giao thông đang tập trung tổ chức sự kiện, hội thảo, ưu tiên làm cầu truyền hình…
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, vấn đề quan trọng trong quản trị bộ máy thu chi là cân đối dòng tiền giữa thu và chi. Có những khoản chi hiện nay không cần thiết đối với các cơ quan báo chí, công nghệ sẽ cho chúng ta lựa chọn để tiết kiệm hơn, tối ưu hơn.
"Chúng ta bàn nhiều về đa dạng hoá nguồn thu trong bối cảnh hiện tại, thì không thể nào cứ làm báo theo cách cũ, chúng ta phải thay đổi. Cơ hội tăng nguồn thu không đến với tất cả mọi người, mà chỉ đến với các bộ óc đã chuẩn bị, các cơ quan đã sẵn sàng và tự tìm đường, lối ra cho mình", ông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.