Đóng gói cá tra xuất khẩu tại Công ty Hùng Hậu. Ảnh DN cung cấp |
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Trung Đông vốn là thị trường tiềm năng xuất khẩu cá tra Việt Nam trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, diễn biến xuất khẩu sang thị trường này có nhiều thăng trầm.
Năm 2020, xuất khẩu cá tra sang thị trường Ả Rập Xê Út bị ngưng trệ (sau 2 năm) nhưng năm nay, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tăng trưởng trở lại. Hiện Ả Rập Xê Út là thị trường xuất khẩu cá tra lớn thứ 3 của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tại khu vực Trung Đông với tổng trị giá xuất khẩu đạt 6,92 triệu USD trong 8 tháng qua.
Tính đến 31/8/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Đông đạt 56,32 triệu USD. Trong đó, Ai Cập, UAE và Ả Rập Xê Út là ba thị trường lớn nhất của doanh nghiệp cá tra Việt Nam. Trong đó, tổng giá trị xuất khẩu sang Ai Cập và UAE đã chiếm hơn 63% tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang toàn khu vực.
Trước thực trạng nhiều thị trường xuất khẩu bị ảnh, các doanh nghiệp chuyển hướng xuất khẩu. Năm 2021, có hơn 20 doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Ai Cập và hơn 15 doanh nghiệp tích cực xuất khẩu cá tra sang UAE.
Năm 2021, Ai Cập được đánh giá là đất nước kiểm soát thành công không chỉ đại dịch Covid-19 và còn kiểm soát được các vấn đề sức khỏe khác. Chính phủ nước này đã đồng hành cùng tất cả các bộ ngành, doanh nghiệp và người dân tham gia chống dịch. Ai Cập cũng đang trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu vắc xin ngừa Covid-19 ở châu Phi, sau khi đạt được khả năng tự cung tự cấp về vắc xin. Điều này giúp cho hoạt động thương mại của nước này ổn định trong năm 2021. Nhờ đó, kinh tế và các hoạt động giao thông trong nước không bị ảnh hưởng.
Nhu cầu nhập khẩu cá tra từ khu vực Trung Đông trong năm nay khá tốt. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chế biến cá tra Việt Nam đang phục hồi sản xuất ổn định, nhiều nhà máy còn gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh.
Ngoài ra, hàng rào thương mại từ Trung Quốc trong nửa đầu năm và sự sụt giảm nhập khẩu cá tra từ EU trong nhiều năm qua đã khiến các doanh nghiệp cá tra Việt Nam chuyển hướng sang các thị trường tiềm năng ở ASEAN, Trung Đông hay Mỹ Latinh. Trong đó, số lượng doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu cá tra sang Brazil và Mexcico gia tăng đáng kể so với năm trước.
Đặc biệt, trong quý 2/2021, trị giá xuất khẩu cá tra sang Mexico tăng trưởng ấn tượng tới ba con số, từ 166% - 232% so với cùng kỳ năm 2020.
Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra chủ yếu nằm ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), với 106 nhà máy chế biến cá tra đăng ký xuất khẩu tại 5 tỉnh với số lao động ước khoảng 190.000 người. Trong thời gian dịch bệnh cao điểm, có trên 50 nhà máy chế biến cá tra tại An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long phải tạm dừng hoạt động, số lao động phải nghỉ việc do dịch bệnh khoảng trên 70%.
Xuất khẩu cá tra trong những tháng đầu năm tăng trưởng khá tốt, nhưng đến tháng 8, do nhiều doanh nghiệp ngừng sản xuất, kim ngạch xuất khẩu đột ngột giảm sâu. Kim ngạch xuất khẩu tháng 8 đạt 85 triệu USD, giảm 31% so với tháng 7. Kim ngạch xuất khẩu cá tra ước tính trong 9 tháng năm nay đạt 1,054 tỷ USD, bằng 106,2% so với cùng kỳ năm 2020.