Đồ uống có dường là nguyên nhân chính gây nên thừa cân, béo phì. Đồ họa tư liệu |
Theo WHO tại Việt Nam, đồ uống có đường gồm tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do bao gồm nước ngọt có ga hoặc không có ga, chất cô đặc dạng lỏng và bột nước hương vị, nước tăng lực và thể thao, trà đóng hộp, cà phê uống sẵn và sữa có thêm đường. Mức tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam đang tăng rất nhanh. Theo đó, thống kê năm 2013 là 35,31 lít/người, năm 2016 tăng lên 46,59 lít, năm 2020 tăng lên tới 52,09 lít và năm 2021 tăng lên tới gần 56 lít/người/năm. Người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ngày/người, gần bằng mức giới hạn tối đa (50g/ngày) và cao gần gấp đôi so với mức khuyến cáo dưới 25g/ngày của WHO. Như vậy, người Việt uống đồ uống có đường gấp 10 lần sau 2 thập niên.
Trẻ em không nên sử dụng nhiều đồ uống có đườngNhằm hạn chế tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì, WTO khuyến cáo, trẻ em từ 2 đến 18 tuổi, hạn chế lượng đường tiêu thụ xuống dưới 25mg mỗi ngày và chỉ giới hạn không quá 235 ml đồ uống có đường mỗi tuần. Theo WHO, lượng đường tự do trong khẩu phần của mỗi người chỉ nên chiếm không quá 10% và nên giảm xuống dưới 5% năng lượng trong một ngày để có các lợi ích tăng thêm về sức khoẻ. |
Theo chuyên gia y tế của WHO, tiêu thụ đồ uống có đường làm tăng nhanh mức calo trong khẩu phần vì đánh lừa cảm giác no. Đồ uống có đường gây tác hại rất lớn đến sức khoẻ như thừa cân béo phì, bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hoá, hệ xương răng, bệnh tim mạch, sa sút trí tuệ, ung thư…
Thống kê của WHO cũng cho thấy, đến nay tỷ lệ trẻ em và thiếu niên từ 5 - 19 tuổi thừa cân ở Việt Nam tăng nhanh (hiện tăng 11,1%), trong đó có nguyên nhân một phần từ sử dụng đồ uống có đường. Một khảo sát trong học sinh, sinh viên gần đây cho thấy cứ 3 bạn có 1 bạn uống nước ngọt có ga trong 30 ngày qua.
Đồng thuận với quan điểm nêu trên, PGS. TS Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng chia sẻ, trong một phân tích gộp kết quả từ 88 nghiên cứu cho thấy, mối liên hệ giữa việc sử dụng nước ngọt với việc tăng năng lượng và trọng lượng cơ thể.
Trong một lon nước ngọt 330ml hoặc 12oz, đồ uống có đường có ga có đường thường chứa khoảng 35g đường, tương đương cung cấp khoảng 140 kcal năng lượng, trong khi cung cấp rất ít giá trị dinh dưỡng khác. Nhưng uống thêm 1 lon đồ uống có đường mỗi ngày, nguy cơ béo phì tăng thêm 60% sau 1,5 năm theo dõi. Việc tăng tiêu thụ đồ uống có đường dẫn đến việc tăng năng lượng nạp vào cơ thể, từ đó dẫn tới thừa cân, béo phì.
Không những thế, PGS. TS Tuyết Mai cũng nhấn mạnh, sử dụng 1 lon đồ uống có đường hàng ngày cũng gia tăng các vấn đề liên quan tim mạch, xương răng, cơ xương khớp, chuyển hoá đái tháo đường tăng 20- 30%. Người uống nước ngọt hàng ngày thì nguy cơ bị gãy xương cao gấp 4,69 lần. Đáng lưu ý, sử dụng đồ uống có đường cũng làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Nghiên cứu ở Mỹ phân tích số liệu từ 95.000 phụ nữ tham gia trong 15 năm cho thấy, với mỗi 354ml đồ uống có đường/ngày thì nguy cơ ung thư tăng thêm 16%.
Theo nghiên cứu của WHO cho thấy, trên khắp thế giới, một biện pháp phổ biến để giảm tác hại từ đồ uống có đường là tăng giá bằng thuế. Tín hiệu giá - chi phí cao hơn - rất có tác dụng để giúp giảm tiêu thụ đồ uống có đường.
Theo số liệu năm 2023 của Ngân hàng thế giới, 117 quốc gia và vùng lãnh thổ (chiếm 57% dân số thế giới) đã áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường. Các quốc gia này coi áp thuế là một công cụ chính sách hiệu quả để định hướng sản xuất và tiêu dùng xã hội đối với những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ không được khuyến khích tiêu dùng. Trong đó, đặc biệt phải kể đến những sản phẩm không có lợi cho sức khỏe và môi trường.
ThS. Nguyễn Thuỳ Duyên - Trường Đại học Y tế cộng đồng cũng cho rằng, bằng chứng, kinh nghiệm hiện tại cho thấy, chính sách thuế có thể đem lại thay đổi tích cực trong tình hình thừa cân béo phì đang gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các quốc gia thường áp dụng thuế tuyệt đối theo hàm lượng đường khá nhiều ưu điểm so sánh với loại thuế khác. Loại thuế này có tác động trực tiếp đến các sản phẩm có hàm lượng đường cao khuyến khích người tiêu dùng chuyển đổi sang các dòng sản phẩm ít đường hơn. Giải pháp này mở đường cho nhà sản xuất chuyển hướng sang các dòng sản phẩm ít đường hơn.
Tăng thuế sẽ tác động đến tăng giá qua đó tác động đến hành vi tiêu thụ, gánh nặng sức khỏe và kinh tế xã hội sẽ thay đổi tương đương với mức tăng giá bán lẻ. Nếu mức tăng giá 5% đem lại sự thay đổi không đáng kể thì tăng giá ở mức 20% có thể đem lại sự thay đổi tích cực cho cho tình trạng béo phì ở Việt Nam.
GS.TS TRƯƠNG TUYẾT MAI - PHÓ VIỆN TRƯỞNG VIỆN DINH DƯỠNG QUỐC GIA: Tăng tiêu thụ đồ uống có đường gây bệnh tim mạch thừa cân, béo phìHiện nay tỷ lệ đái tháo đường tuýp 2, rối loạn chuyển hóa, tim mạch đang gia tăng. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, năm 2015, Việt Nam có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, dự báo sẽ tăng lên gấp đôi (6,1 triệu) vào năm 2040. Sử dụng đồ uống có đường không hợp lý là một nguyên nhân gây ra thừa cân, béo phì. |
TS. ANGELA PRATT - TRƯỞNG ĐẠI DIỆN VĂN PHÒNG TỔ CHỨC Y TẾ THẾ GIỚI (WHO): Cần có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn tác hại đồ uống có đườngWHO đã có bằng chứng cho thấy tiêu thụ đồ uống có đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, sâu răng và góp phần khiến mọi người thừa cân và béo phì. Thậm chí tiêu thụ đồ uống có đường là nguyên nhân tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quy, kể cả gây ra ung thư. Chính vì vậy, nhà quản lý cần đưa ra các biện pháp nhằm giảm tác hại từ đồ uống có đường. Đồng thời các cơ quan báo chí, truyền thông cần vào cuộc mạnh mẽ để cảnh báo những nguy cơ của những loại thực phẩm, đồ uống chứa đường đối với sức khỏe người dân./. |