【7m.cn keo ma cao】Đột phá từ một chỉ thị
(CMO) Sau hơn 9 năm thực hiện Chỉ thị số 04-CT/HU, ngày 12/1/2011 của huyện Thới Bình về việc tăng cường lãnh, chỉ đạo công tác duy tu, sửa chữa, đảm bảo hành lang an toàn giao thông; Chống sạt lở ven sông và giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn, Thới Bình đã có bước chuyển mình rõ rệt, từ ý thức cho đến việc làm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân thay đổi tích cực, tạo bước đột phá, góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Những năm qua, huyện Thới Bình luôn coi trọng việc phát huy nội lực, tinh thần tự giác của người dân trong công tác duy tu sửa chữa, chống sạt lở. Thông qua công tác vận động quần chúng, các phong trào xây dựng đời sống văn hoá, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh hay qua các phương tiện thông tin đại chúng…, các cấp, các ngành thường xuyên tuyên truyền vận động Nhân dân tuỳ theo điều kiện của gia đình tự giác tham gia bằng các phần việc cụ thể: Dặm vá nền đường, gia cố móng cầu lề đường bằng đá xô bồ, đất đen; Trồng cây xanh; Cặm cây gỗ, tre, trụ bê tông làm bờ kè chống sạt lở trên phần đất của gia đình.
Ông Đỗ Hoàng Phương, Ấp 7, xã Trí Lực, rào bờ kè bằng tre và vải. |
Hầu hết gia đình cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên đã phát huy vai trò tiên phong trong việc thực hiện và gương mẫu cho quần chúng Nhân dân làm theo, đặc biệt là phong trào làm bờ kè chống sạt lở ven sông.
Trưởng Ấp 7, xã Trí Lực Nguyễn Phương Nam nói: “Bản thân tôi làm trước rồi mới đi tuyên truyền cho người dân. Người ta thấy có lợi cho gia đình, vừa làm đẹp cho quê hương vừa bảo vệ đất, lại tận dụng đất sản xuất thêm nên người dân nơi đây hưởng ứng rất nhiệt tình, giờ toàn Ấp 7 có khoảng 90% hộ dân làm bờ kè chống sạt lở”.
Huyện Thới Bình có tổng chiều dài mạng lưới giao thông đường bộ khoảng 1.363 km và tổng chiều dài mạng lưới giao thông đường thuỷ gồm các tuyến kênh trục, kênh cấp I, cấp II, cấp III ước tính trên 1.543 km. Hiện có trên 90 km tuyến giao thông đường bộ chủ yếu là giao thông nông thôn đang bị sạt lở, tập trung nhiều ở những tuyến có sông, kênh, rạch. Với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, đến nay toàn huyện Thới Bình đã thực hiện được 230 km bờ kè chống sạt lở các tuyến sông, kênh, rạch, ước tổng trị giá gần 38 tỷ đồng, trong đó Nhân dân thực hiện được 185,5 km, ước trị giá khoảng 26 tỷ đồng.
Là một trong những hộ tiêu biểu trong việc làm bờ kè phòng chống sạt lở để giữ đất cho gia đình, ông Đỗ Hoàng Phương, Ấp 7, xã Trí Lực, chủ động cặm và làm bờ kè nhiều năm qua, bên cạnh ông còn trồng hoa và hàng rào cây xanh ven đường, tạo mỹ quan ngôi nhà cũng như đường làng sạch đẹp.
Ông Đỗ Hoàng Phương chia sẻ: “Cách đây cũng 9-10 năm rồi, ở địa phương đến vận động làm bờ kè, tôi làm rồi mà giờ thấy có hiện tượng lở nên cặm tre rào vải để làm lại rồi trồng cây mắm cho chắc hơn”.
Thông qua việc triển khai thực hiện mô hình làm bờ kè phòng chống sạt tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của quần chúng Nhân dân. Trách nhiệm quần chúng được nâng lên, không còn ỷ lại vào Nhà nước, tự bảo vệ tài sản cũng như nguồn nước phục vụ sản xuất cho gia đình và láng giềng, qua đó gắn kết tình làng nghĩa xóm, tăng cường sự đồng thuận của xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ông Đinh Văn Hùng, Ấp 7, xã Trí Lực, nói: “Trước đây đất mé sông lở gần tới lộ, tôi lo lắng lở sâu sẽ hư hỏng lộ, mọi người không đi lại được nên tự động mua tre về kè. Sẵn lúc Nhà nước cho nạo vét nên tôi đắp đất lên trồng cây mắm được khoảng 1 tháng, giữ đất lại chắc lộ”.
Nhìn chung, các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân trong huyện đã nêu cao vai trò, ý thức trách nhiệm giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường. Nhiều hộ đã tự giác giữ gìn vệ sinh, dọn dẹp cỏ rác, trồng cây xanh, hoa kiểng, hoa màu trong khuôn viên nhà, dọn dẹp vệ sinh, phát quang đường làng, ngõ xóm, thông thoáng, sạch đẹp.
Phó bí thư Thường trực Huyện uỷ Thới Bình Lê Bình Nguyên cho biết: “Xuất phát từ tình hình thực tế, Ban Thường vụ Huyện uỷ Thới Bình quyết định ban hành Chỉ thị 04. Qua thời gian thực hiện chỉ thị đã tác động rất tích cực đến đời sống người dân, đặc biệt mô hình làm bờ kè chống sạt lở ven sông đã bảo vệ đường lộ giao thông nông thôn, kéo dài thời gian sử dựng các hạng mục công trình, góp phần rất quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, tạo bước đột phá làm thay đổi diện mạo nông thôn”.
Sạt lở gây thiệt hại đáng kể đến tuyến đường giao thông và ảnh hưởng đến tài sản của Nhân dân. Do vậy, việc xây dựng bờ kè chống sạt lở là cần thiết và cấp bách, để làm được điều đó trách nhiệm không chỉ riêng ngành chức năng mà cần có sự chung tay của người dân nhằm đảm bảo an toàn và tính mạng, tài sản cho Nhân dân./.
Thuỳ Linh