Sở Công Thương TP. Hải Phòng và Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) vừa phối hợp tổ chức tập huấn về Bộ Chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA (FTA Index) của thành phố ngày 15/12. Chương trình tập huấn có sự tham dự của gần 70 đại biểu đại diện các Sở, ban, ngành, UBND các quận huyện, các Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tham dự tập huấn. Chương trình tập huấn được tổ chức nhằm đánh giá kết quả thực hiện các FTA của TP. Hải Phòng so với chương trình hành động do Chính phủ ban hành cũng như các chương trình hành động mà chính thành phố xây dựng nhằm thực thi các FTA, từ đó tìm ra những ưu điểm cũng như hạn chế trong việc thực hiện các FTA này, làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, chiến lược phát triển tại thành phố. Đồng thời, đánh giá được mức độ hiệu quả của các FTA đem lại cho TP. Hải Phòng, đặc biệt đánh giá đến những đối tượng thụ hưởng trực tiếp là doanh nghiệp và người tiêu dùng. Giúp các nhà đầu tư định hướng và đưa ra quyết định đầu tư, từ đó giúp khuyến khích các dòng đầu tư chất lượng cao vào thành phố, tận dụng cơ hội từ các FTA.
Giám đốc Sở Công Thương TP Hải Phòng – ông Nguyễn Văn Thành - cho biết, Đề án xây dựng Bộ Chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) hàng năm của các địa phương (FTA Index) là thước đo khách quan để đánh giá kết quả thực hiện các FTA của các địa phương so với chương trình hành động do Chính phủ ban hành, cũng như các chương trình hành động mà chính các địa phương xây dựng, nhằm thực thi các FTA. Từ năm 2023 trở đi, việc điều tra thu thập dữ liệu để làm cơ sở đánh giá và tính toán Bộ chỉ số FTA Index sẽ được tiến hành để đánh giá, so sánh kết quả thực hiện các FTA giữa các tỉnh, thành phố trên cả nước. Thời gian qua, theo Sở Công Thương TP. Hải Phòng, nhận thức được tác động quan trọng của các FTA, trong đó có Hiệp định EVFTA đối với hoạt động xuất nhập khẩu và phát triển kinh tế của địa phương, ngoài năng lực và sự chủ động của doanh nghiệp, Sở Công Thương TP. Hải Phòng đã tích cực triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp như: đào tạo, tư vấn, hỗ trợ tiếp cận thông tin thị trường. Đặc biệt, Sở Công Thương TP. Hải Phòng đã đẩy mạnh công tác nắm bắt khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực thi Hiệp định EVFTA, như: Tổ chức Hội thảo hướng dẫn thực thi cam kết về logistics; Tọa đàm hệ sinh thái phát triển ngành da giày; Chương trình đối thoại với các doanh nghiệp trong lĩnh vực hội nhập quốc tế, xuất nhập khẩu và logistics… Từ hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thông qua các hoạt động giao thương, kết nối đã góp phần thúc đẩy nhận thức của các doanh nghiệp, bước đầu cùng chung tay, khai thác thế mạnh của nhau, cùng tạo nên những sản phẩm chất lượng, uy tín để xây dựng thương hiệu ngành hàng lớn mạnh, chiếm lĩnh thị trường nội địa và đủ sức cạnh tranh ở thị trường quốc tế. Nhờ sự tích cực triển khai các hoạt động đã góp phần thực hiện các chỉ tiêu kinh tế cơ bản của thành phố đều có sự tăng trưởng so với cùng kỳ trong 11 tháng 2023, bao gồm chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 13,07%, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 27,5 tỷ USD, tăng 5,53%; sản lượng hàng hóa qua cảng ước đạt 150,19 triệu tấn, tăng 0,6%; thu hút đầu tư nước ngoài FDI ước đạt gần 3,26 tỷ USD. Tuy nhiên so với tiềm năng mà các FTA mang lại thì việc tận dụng, khai thác các hiệp định của doanh nghiệp Hải Phòng còn khiêm tốn. Trước hực tế này, việc triển khai đánh giá thực hiện Bộ chỉ số FTA Index kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hải Phòng tận dụng tốt thời cơ và các cơ hội mà các FTA thế hệ mới mang lại.
Ngày 30 tháng 8 năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 99/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, trong đó giao Bộ Công Thương thực hiện Đề án xây dựng Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các Hiệp định thương mại tự do hàng năm của các địa phương (FTA Index). Đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương cho biết, việc xây dựng Bộ Chỉ số FTA Index là nhằm thực hiện 6 mục tiêu, trong đó FTA Index sẽ phản ánh mức độ hiệu quả của các FTA đem lại tới các địa phương, đặc biệt đánh giá đến những đối tượng thụ hưởng trực tiếp là doanh nghiệp và người tiêu dùng. Với các cơ quan địa phương, FTA Index giúp đánh giá kết quả thực hiện các FTA của các địa phương so với chương trình hành động do Chính phủ ban hành cũng như các chương trình hành động mà chính các địa phương xây dựng nhằm thực thi các FTA từ đó tìm ra những ưu điểm cũng như hạn chế trong việc thực hiện các FTA này. Đồng thời, đây cũng là cơ sở quan trọng cho việc hoạch định chính sách, chiến lược phát triển tại địa phương. |