Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Minh |
Sẽ hoàn thành kết quả kiểm kê trước ngày 31/5/2025
Trong những năm qua, công tác quản lý, sử dụng tài sản công (TSC) không chỉ của cả nước nói chung và của ngành Tài chính nói riêng ngày càng đi vào nề nếp, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Công tác kiểm kê TSC đã được các đơn vị trong ngành Tài chính triển khai định kỳ theo quy định. Tuy nhiên, số liệu báo cáo về TSC tại các đơn vị được tổng hợp qua các cấp để báo cáo cấp có thẩm quyền còn chưa bảo đảm tính chính xác, thông tin chưa được cập nhật đầy đủ.
Cụ thể, vẫn còn tình trạng các đơn vị chưa cập nhật kịp thời thông tin đối với tài sản mới được đầu tư trang bị, tài sản được xử lý theo quy định..., dẫn đến chưa kịp thời đưa tài sản vào theo dõi, quản lý, điều chỉnh biến động của tài sản trên sổ sách, chưa phản ánh chính xác về mặt hiện vật cũng như về giá trị tài sản…
Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, việc thực hiện tổng kiểm kê TSC trên phạm vi cả nước lần này xuất phát từ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn để đáp ứng yêu cầu tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng TSC.
Cần sự vào cuộc, đôn đốc thường xuyên của người đứng đầu các đơn vị Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, kiểm kê tài sản công (TSC) là nhiệm vụ quan trọng nhưng cũng rất khó khăn, phức tạp. Công việc này đòi hỏi sự vào cuộc, quan tâm chỉ đạo, đôn đốc thường xuyên của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của lực lượng công chức được giao thực hiện theo dõi, quản lý TSC các cấp nội bộ ngành Tài chính. |
Cụ thể tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng, khai thác và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế đã xác định: Kiểm kê, đánh giá đầy đủ, thực chất các nguồn lực của nền kinh tế là cơ sở quan trọng để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các quy hoạch, kế hoạch phát triển trung hạn, dài hạn trong từng thời kỳ. Tại Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng đã nêu: “Trước năm 2025 hoàn thành việc tổng kiểm kê TSC tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị...”.
Trên tinh thần đó, ngày 1/3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 213/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án tổng kiểm kê TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý.
Ông Vũ Anh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý tài sản, Cục Kế hoạch - Tài chính, Bộ Tài chính cho biết, để công tác kiểm kê TSC trong toàn ngành được thuận lợi, Bộ Tài chính đã thành lập Ban Chỉ đạo tổng kiểm kê do Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Đồng thời, Bộ Tài chính phê duyệt Kế hoạch kiểm kê TSC của Bộ Tài chính, trong đó quy định rõ mục tiêu, phạm vi, đối tượng, thời điểm và nguyên tắc kiểm kê, kế hoạch và nhiệm vụ cụ thể, thời gian thực hiện từng nhiệm vụ đảm bảo tiến độ, lộ trình đề ra. Cục Kế hoạch - Tài chính phải tổng hợp kết quả kiểm kê của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, gửi Cục Quản lý công sản trước ngày 31/5/2025.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã tổ chức hai hội nghị tập huấn thực hiện kiểm kê TSC triển khai quy định của pháp luật trong lĩnh vực TSC cho các đơn vị trong ngành Tài chính tại 2 miền Nam - Bắc vào ngày 12/11 và 22/11 vừa qua. Tại hai hội nghị này, các báo cáo viên đến từ Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính đã giới thiệu tới các đại biểu tham dự một số nét cơ bản về Đề án tổng kiểm kê TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý và các văn bản của Bộ Tài chính chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện.
Đánh giá đầy đủ tài sản công đang quản lý
Nhấn mạnh tầm quan trọng của tổng kiểm kê TSC, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi - Trưởng Ban Chỉ đạo kiểm kê TSC của Bộ Tài chính cho biết, từ việc tổng hợp TSC của các đơn vị mới có đánh giá tổng thể để đưa ra những quyết định lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý tài sản của từng đơn vị.
“Nếu thủ trưởng từng đơn vị sử dụng TSC nắm bắt, biết được đơn vị mình được giao những TSC gì, hiện tài sản đó đang được quản lý, sử dụng ra sao, từ đó sẽ có quyết định về quản lý và sử dụng tài sản đó hiệu quả hơn” - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Mục tiêu tổng quát của tổng kiểm kê tài sản lần này là thống kê thực trạng TSC tại các cơ quan, đơn vị của Bộ Tài chính về các mặt: Số lượng, giá trị, cơ cấu, hiện trạng sử dụng… sẽ làm cơ sở để báo cáo cấp có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng TSC. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Bộ Tài chính xác định được những nội dung được, chưa được trong công tác quản lý, sử dụng TSC để kịp thời có giải pháp chấn chỉnh, là cơ hội để Bộ Tài chính đánh giá một cách đầy đủ, thực chất hơn đối với TSC tại các đơn vị thuộc Bộ Tài chính làm cơ sở phục vụ cho việc xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển của ngành trong thời gian tới; phục vụ công tác báo cáo tình hình quản lý, sử dụng TSC; cung cấp thông tin để lập Báo cáo tài chính nhà nước, báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo yêu cầu của cơ quan nhà nước.
Vì vậy, Thứ trưởng đã yêu cầu các đơn vị thuộc đối tượng kiểm kê trong ngành Tài chính lưu ý, tập trung cao độ, làm kỹ và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của số liệu kiểm kê tại đơn vị mình. Đối với các đơn vị tổng hợp chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra tính logic, tính hợp lý của số liệu kiểm kê của các đơn vị mình tổng hợp; thông qua bộ lọc của các cơ quan tổng hợp rà soát lại số liệu kiểm kê để bảo đảm số liệu báo cáo là chính xác nhất trước khi thực hiện tổng hợp, báo cáo cơ quan cấp trên.
Phổ biến quy định của pháp luật trong lĩnh vực tài sản công Trong khuôn khổ Hội nghị tập huấn thực hiện tổng kiểm kê tài sản công (TSC) của Bộ Tài chính và triển khai quy định của pháp luật trong lĩnh vực TSC cho các đơn vị trong toàn ngành tại phía Bắc, tổ chức ngày 22/11, Bộ Tài chính đã phổ biến các nội dung chính của Nghị định số 114/2024/NĐ-CP ngày 15/9/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Bà Tạ Thanh Tú - Phó Cục trưởng Cục Kế hoạch tài chính, Bộ Tài chính cho biết, việc phổ biến pháp luật về lĩnh vực TSC này nhằm giúp các đại biểu nắm bắt được các nội dung cơ bản tại Nghị định 114 và một số nội dung cần triển khai thực hiện trong công tác quản lý, sử dụng TSC để báo cáo thủ trưởng các đơn vị kịp thời chỉ đạo triển khai tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật quản lý, sử dụng TSC tại đơn vị mình. Bà Lê Thị Ngọc Lan – Phó Chánh Văn phòng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, Nghị định số 114 sửa đổi khá nhiều với 52 điều; bổ sung 15 điều; bãi bỏ 2 điều của Nghị định số 151; bãi bỏ Khoản 5, Điều 12 Nghị định 152/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp. Đặc biệt, Nghị định 114 đã bổ sung nhiều nội dung mới quy định vòng đời của một tài sản từ lúc hình thành sử dụng đến lúc kết thúc, đều được sửa đổi, cập nhật để đáp ứng tình hình thực tiễn. Nghị định 114 cũng làm rõ những tài sản không thuộc phạm vi điều chỉnh tại Nghị định như: tài sản kết cấu hạ tầng; tài sản hình thành thông qua triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng vốn nhà nước; tài nguyên; việc sử dụng đất quốc phòng an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; việc sử dụng TSC để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án; việc chuyển giao TSC là công trình điện sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)... Ngoài ra, Nghị định 114 cũng bổ sung quy định để phân định các trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; trường hợp khai thác TSC tại đơn vị sự nghiệp công lập đối với tài sản phụ trợ, hỗ trợ trực tiếp cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; trường hợp sử dụng TSC vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phải lập đề án. |