Hiện nay, các mức giá, khung giá dịch vụ chuyên ngành hàng không do Nhà nước định giá. Ảnh: TL |
Cụ thể, so với hiện tại, đường bay từ 1.280km trở lên tăng mạnh nhất với mức 6,67%, lên tối đa 4 triệu đồng. Từ 1.000km đến dưới 1.280km tăng 6,25%, tương ứng 3,4 triệu đồng. Đường bay từ 850km đến dưới 1.000km, mức tăng 2,89 triệu đồng (tương ứng với 3,58%).
Đường bay từ 500km đến dưới 850km, giá vé máy bay tăng trần 2,25 triệu đồng (tương ứng với mức tăng 2,25%). Các nhóm đường bay dưới 500km và đường bay kinh tế - xã hội vẫn giữ nguyên.
Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam đã phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá tác động lên chỉ số CPI (chỉ số giá tiêu dùng) năm 2023, theo đó việc điều chỉnh phương án này sẽ tác động góp phần tăng CPI năm nay lên khoảng 0.07 điểm phần trăm.
Hiện nay, các mức giá, khung giá dịch vụ chuyên ngành hàng không do Nhà nước định giá vẫn được thực hiện ổn định theo quy định tại Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT. Lần gần nhất khung trần này được điều chỉnh tăng là năm 2015.
Đối với giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa, theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm 39,5% tổng chi phí của hãng bay. Với biến động của tỷ giá USD/VND, chi phí nhiên liệu tháng 12/2022 của các hãng hàng không tăng 62,39% so với tháng 12/2014 và tăng 80,93% so với tháng 9/2015, tác động làm tổng chi phí doanh nghiệp hàng không tăng 27,9% so với tháng 12/2014 và tăng 33,47% so với tháng 9/2015.