Không thể mua sắm, bán tài sản công do nhiều bộ chậm ban hành định mức | |
Khẩn trương nhưng thận trọng | |
Hoàn thiện Nghị định về sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư BT |
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà phát biểu khai mạc hội nghị. |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết: Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV và có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.
Triển khai Luật này, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 14 Nghị định, 3 Quyết định, trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã ban hành 8 Thông tư hướng dẫn. Ngoại trừ Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho các Hợp đồng BT, Chính phủ đang xem xét để ban hành, cho đến nay, tất cả văn bản hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã được ban hành đầy đủ và tương đối đồng bộ.
Bộ Tài chính cũng đã tổ chức tập huấn và tổ chức nhiều đoàn công tác để hướng dẫn và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc khi triển khai Luật.
Đến nay, đã có 11 bộ, ngành ở trung ương và 62 địa phương đã ban hành văn bản về phân cấp thẩm quyền trong việc quản lý, sử dụng tài sản công; 12 bộ, ngành và 32 địa phương đã ban hành tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng; 3 bộ và 5 địa phương ban hành quy định phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn định mức đối với công trình sự nghiệp thuộc công trình sự nghiệp trong phạm vi quản lý, tạo ra sự đồng bộ chung trong việc thực thi quy định pháp luật.
Trong năm qua, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất, tạo điều kiện cho các đơn vị trong việc bố trí trụ sở làm việc cũng như rà soát các cơ sở nhà, đất để xây dựng phương án cổ phần hóa đối với các các doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phẩn được chặt chẽ, đúng quy định.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương đã rà soát phân loại các tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, nay đang rà soát để phân loại tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ.
Bộ Tài chính cũng đã tiếp tục hoàn thiện hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, hướng dẫn việc phân cấp đăng nhập dữ liệu tài sản công và sử dụng các phần mềm khác để quản lý tài sản chuyên dùng, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị truy cập vào hệ thống để quản lý tài sản của mình.
Việc quản lý tài sản công theo Luật mới đã được thực hiện một cách nghiêm túc và có kết quả bước đầu quan trọng.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, trong quá trình thực hiện, qua phản ánh của các bộ, ngành, địa phương cho thấy cũng có một số vấn đề cần được tập trung trao đổi để hoàn thiện.
Trước tiên là cần phân cấp mạnh hơn nữa, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương có thẩm quyền quyết định phương án xử lý, sắp xếp tài sản công của bộ, ngành, địa phương mình, kể cả việc quyết định hình thức bán đấu giá tài sản trên đất để nộp vào ngân sách nhà nước.
Một số quy định (cấp nghị định) cần làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh cũng như đối tượng áp dụng, đặc biệt là việc sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất thuộc DNNN 100% do nhà nước sở hữu cũng như trên 50% vốn của nhà nước. Trong đó, mô hình các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chuyển sang mô hình công ty mẹ, công ty con cũng cần hướng dẫn cụ thể để thực hiện.
Việc ban hành các tiêu chuẩn, định mức tài sản chuyên dùng thuộc trách nhiệm của một số bộ, ngành còn chậm. Qua đánh giá, các lĩnh vực Y tế, Giáo dục và đào tạo, Lao động, thương binh và xã hội và một số tài sản chuyên ngành khác còn chậm, từ đó đã có những khó khăn nhất định trong việc thực hiện ở các đơn vị cơ sở.
Ngoài ra, việc sắp xếp cơ sở nhà, đất của các cơ quan hành chính sự nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện, đồng thời có biện pháp quản lý và giám sát chặt chẽ để sử dụng tài sản công đúng mục đích, có hiệu quả tài sản của nhà nước.
Tại hội nghị này, Bộ Tài chính sẽ cùng các bộ, các địa phương đánh giá để làm rõ hơn những kết quả đã đạt được, những khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện cơ chế chính sách, đồng thời các Bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Tài chính trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện nhằm phát huy hiệu quả việc quản lý, sử dụng tài sản công, đồng thời phòng tránh các biểu hiện tiêu cực, thất thoát tài sản.