Hai đối tượng bị bắt Nguyễn Thị Linh và Lý Thị Ngọc Bích bị tạm giữ. Ảnh: Công an TPHCM cugn cấp |
Tạm giữ hai đối tượng "chạy án"
Theo thông tin từ Công an TPHCM, mở rộng điều tra vụ án “Vận chuyển trái phép kim cương” do đối tượng Prajapati Shaileshkumar Hareshbhai (quốc tịch Ấn Độ) thực hiện, Công an TPHCM tạm giữ thêm hai đối tượng.
Đó là Nguyễn Thị Linh (sinh năm 1972; cư trú Hưng Phong, Giồng Trôm, Bến Tre) và Lý Thị Ngọc Bích (sinh năm 1979, ngụ P.14, quận Gò Vấp, TPHCM).
Theo đó, Công an TPHCM đã triệu tập đối tượng Nguyễn Thị Linh lên phục vụ điều tra nhưng Linh không đến làm việc theo giấy triệu tập mà bỏ trốn khỏi nơi cư trú.
Sau đó, Linh liên hệ với Lý Thị Ngọc Nga (sinh năm 1977, quận Gò Vấp, TPHCM) để nhờ Nga "lo" cho không bị xử lý hình sự. Nga đã gọi điện thoại báo cho em ruột là Lý Thị Ngọc Bích để thực hiện.
Bích có liên hệ với một số cá nhân quen biết ngoài xã hội để trao đổi về việc "chạy án" cho Linh và đối tượng Shaileshkumar.
Bích gặp mặt, trao đổi với Linh về việc hứa hẹn sẽ tìm người liên hệ với cán bộ thụ lý vụ án, lo cho Linh để không bị xử lý hình sự hoặc giảm nhẹ hình phạt, đồng thời sẽ tìm luật sư để đi cùng với Linh đến trình diện cơ quan Công an.
Bích yêu cầu Linh chuẩn bị tiền để lo việc "chạy án". Linh đồng ý và mượn của người quen số tiền 1,2 tỷ đồng đưa cho Bích lo việc này.
Lý Thị Ngọc Bích và số tiền nhận để chạy án |
Sau khi nhận số tiền trên, Bích có sử dụng 150 triệu đồng để trả phí thuê luật sư cho Linh, ngoài ra không thực hiện bất kỳ nội dung nào khác.
Số tiền còn lại 1,05 tỷ đồng, Bích cất giữ tại nhà. Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TPHCM đã khám xét khẩn cấp đối với Bích và thu giữ số tiền này. Tại Cơ quan điều tra, Linh và Bích thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội.
Khởi tố vụ án hình sự
Liên quan đến vụ buôn lậu 713 viên kim cương nêu trên, Cơ quan cảnh sát Điều tra Công an TPHCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Prajapati Shaileshkumar Hareshbhai (quốc tịch Ấn Độ) để điều tra về hành vi “Vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới” quy định tại Điều 189 Bộ luật hình sự.
Cơ quan Công an đang củng cố mở rộng điều tra các đối tượng tiêu thụ kim cương tại TPHCM và các tỉnh lân cận, đồng thời đề nghị những ai, cửa hàng nào mua kim cương của đối tượng Linh và Prajapati Shaileshkumar Hareshbhai, hãy đến Cơ quan công an trình diện khai báo để hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Trước đó, trong 2 ngày 23 và 25/10/2024, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Cục Hải quan TPHCM) và Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TPHCM) đồng chủ trì phối hợp với Đội Kiểm soát Hải quan, Cục Hải quan TPHCM; Đội Kiểm soát chống buôn lậu Khu vực miền Nam (Đội 3), Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan, Công an quận Tân Bình phát hiện, bắt giữ 2 vụ nhập lậu 1.078 viên kim cương.
Cụ thể, vào lúc 9 giờ ngày 23/10/2024, từ thông tin của Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TPHCM, qua hình ảnh soi chiếu Đội Thủ tục hành lý nhập khẩu, Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phát hiện hình ảnh nghi vấn từ kiện hành lý của ông Prajapati Shaileshkumar Hareshbhai (quốc tịch Ấn Độ) nhập cảnh từ Ấn Độ vào Việt Nam trên chuyến bay VJ884, đi qua luồng xanh (không khai báo hải quan).
Cán bộ hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất lấy lới khai của đối tượng Prajapati Shaileshkumar Hareshbhai khi bị bắt quả tang vận chuyển kim cương |
Kiểm tra thực tế, Tổ công tác phát hiện trong hành lý của đối tượng Prajapati Shaileshkumar Hareshbhai có nhiều tập giấy nhỏ có in chữ IGI và 10 gói nylon chứa 716 viên kim cương được cất trong ví để lẫn cùng quần áo tư trang
Ngoài vụ buôn lậu 716 viên kim cương trên, vào lúc 18h30' ngày 25/10/2024, Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TPHCM đồng chủ trì phối hợp với các lực lượng kiểm tra, phát hiện trong hành lý của ông D.A.K, quốc tịch Ấn Độ, nhập cảnh từ Hồng Kông về TPHCM có 15 gói nylon chứa 362 viên kim cương được ngụy trang trong 2 hộp kẹo.