游客发表
发帖时间:2025-01-26 01:41:16
Làm sạch môi trường biển là nghĩa vụ của mỗi công dân. Ảnh: Ngọc Quang |
Mục tiêu thời đại
Tăng trưởng xanh đã thành hấp lực với mọi nền kinh tế để phát triển toàn diện, hội nhập toàn cầu. Đó là lựa chọn mô hình hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế cùng những phúc lợi có liên quan, làm nâng cao giá trị cuộc sống của con người với việc hạn chế suy thoái môi trường và cạn kiệt tài nguyên. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đang phát triển có quyết tâm chính trị cao trong việc theo đuổi mục tiêu đó, mà một trong những biểu hiện là thông qua Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020, tầm nhìn đến 2050 và tiếp theo là Kế hoạch hành động quốc gia cho giai đoạn 2014 - 2020. Hành động vì môi trường của Việt Nam cũng vì bảo vệ môi trường của khu vực và thế giới.
Công cuộc đổi mới tạo ra một cơ chế kinh tế cho phép huy động mọi tiềm năng trong xã hội nhờ đó đã xử lý khá thành công vấn đề phát triển kinh tế. Việt Nam thuộc nhóm nước có tỷ lệ tăng trưởng cao về GDP. Quy mô và tiềm lực kinh tế được bồi trúc. Kinh tế vĩ mô ổn định. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Mô hình tăng trưởng được đổi mới. Ba đột phá chiến lược đạt kết quả bước đầu là: 1- Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, 2- Phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao. 3- Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng…
Tất cả hợp sức tạo nên diện mạo mới của đất nước, ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nấc trung bình, hướng tới cột mốc mới. Những thành tựu đó được bạn bè quốc tế đánh giá cao, tạo vị thế mới để Việt Nam tiến lên.
Thương mại được tạo tiền đề để tăng trưởng nhưng chính thương mại lại là đòn bảy cho kinh tế. Xuất khẩu luôn tăng cao hơn tỷ lệ tăng của GDP, là lối ra cho nền kinh tế. Nhập khẩu vừa đảm bảo phục vụ dựng xây đất nước vừa được kiểm soát. Ba năm liền 2012 -2014 liên tiếp xuất siêu. Thương mại nội địa, miền núi, biên giới, hải đảo cũng phát triển, tạo vị thế mới cho thị trường trong nước chững chạc trước làn sóng hội nhập. Hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới vừa mở ra cơ hội cùng đặt ra thách thức, nhưng “cân đong hai mặt”, thuận lợi vẫn nhỉnh hơn.
Qua 1/4 thế kỷ, khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã góp phần làm cho kinh tế - xã hội nước ta khởi sắc, là thành phần quan trọng không thể thiếu trong cơ cấu kinh tế nước ta, tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác. FDI là nguồn bổ sung vốn quan trọng, góp phần chuyển dịch kinh tế, thúc đẩy chuyển giao công nghệ; đóng góp đáng kể vào các cân đối vĩ mô; năng động tiếp cận và mở rộng thị trường quốc tế; năng cao năng lực xuất khẩu; tạo thêm việc làm, kỹ năng quản lý, tăng năng suất lao động; chủ động hội nhập quốc tế…
Kinh tế phát triển tạo cơ sở để ngày càng có chuyển biến tốt từ nhận thức đến hành động đối với môi trường. Các nguồn tài nguyên được bảo vệ; khai thác, sử dụng đất đai, nguồn nước, khoáng sản chặt chẽ và hiệu quả hơn. Công tác điều tra cơ bản, đánh giá tiềm năng trữ lượng, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học có tiến bộ. Các biện pháp bảo vệ môi trường, phòng ngừa và xử lý cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng được tích cực thực hiện. Phòng chống giảm nhẹ thiên tai được chú trọng, đạt kết quả. Nhiều dự án ứng phó với biến đổi khí hậu kết hợp phòng chống thiên tai được triển khai. Quan tâm bảo vệ, phát triển rừng. Tỷ lệ rừng được che phủ tăng, đạt khoảng 42% vào năm 2015. Những kết quả nói trên càng làm sáng tỏ nguyên lý phát triển bền vững là: Hoạt động kinh tế không thể tách rời ứng xử với môi trường.
Cân bằng phương trình: Môi trường - Phát triển
Tuy vậy, thực lực kinh tế vẫn khiêm tốn. GDP còn có khoảng cách so với các nước xung quanh. Phát triển vẫn theo chiều rộng, dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, có thứ đang báo động cạn kiệt; hiệu quả đầu tư không cao; nợ nần đã đến mức báo động; chưa có nhiều sản phẩm mang hàm lượng trí tuệ cao do chính mình làm ra, chưa thoát ra khỏi ám ảnh gia công, cho thuê mặt bằng; năng suất lao động đã được nâng lên song vẫn thấp so với các nước trong khu vực.
Vấn đề môi trường trong thế giới ngày nay không có gì mới lạ, nhưng với Việt Nam khi vừa nhận ra thì lập tức “nóng” lên ngay. Tuy nhiên, đã vấp ngay nhiều lực cản, trong đó nổi cộm là vấn đề môi trường: nôn nóng tăng trưởng kinh tế dễ dẫn tới đối mặt với ô nhiễm môi trường, mà một trong những “nguồn cơn” là sử dụng công nghệ lạc hậu nhiều thế hệ so với mặt bằng chung, tiêu hao năng lượng, tốn nguyên vật liệu cao sinh ra các loại chất thải thứ nào cũng nhiều, hệ luỵ với môi trường ngày càng nghiêm trọng. Sự nóng vội, duy ý chí, coi nhẹ môi trường có khi được biện minh rằng: “Tăng trưởng kinh tế trước, làm sạch sau” đã phải trả giá. Cân bằng phương trình: “môi trường - phát triển” là bài toán nhiều ẩn số không dễ tìm ngay lời giải.
Thấy rõ hai vế của phương trình, mặt được không thỏa mãn, phần chưa được chẳng nản lòng. Kiên trì, chủ động theo đuổi mục tiêu thời đại để phát triển bền vững mãi là sự lựa chọn thành công.
Môi trường đã thành vấn đề của cả thế giới. Quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu vẫn là hành trình chưa có hồi kết của mọi quốc gia. Vì vậy việc bảo vệ trái đất là hành động chung, kiên quyết, không lơi lỏng, chẳng thể đơn phương. Vì vậy, sự hỗ trợ của EU thông qua Dự án EU-MUTRAP về môi trường là cấp bách, thiết thực đối với Việt Nam cũng là thể hiện trách nhiệm cao cả của EU với cộng đồng quốc tế, góp phần bảo vệ hành tinh này- ngôi nhà chung của loài người đương đại.
Bài 2: Hướng mở trong gian truân
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接