游客发表
Mô hình trung tâm tài chính tại Đà Nẵng do IPPG và các đối tác đề xuất. Ảnh tư liệu |
PV: Bộ Chính trị vừa đồng ý chủ trương đối với Đề án xây dựng Trung tâm tài chính (TTTC) khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Theo đó, thành lập TTTC quốc tế toàn diện tại TP. Hồ Chí Minh và TTTC khu vực tại TP. Đà Nẵng. Ông đánh giá như thế nào về chủ trương này?
TS. Nguyễn Tuấn Anh: Đây là một bước đi chiến lược, thể hiện sự chuẩn bị kỹ lưỡng, kịp thời nắm bắt cơ hội trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển kinh tế toàn cầu của Việt Nam. Tương tự như trường hợp của Singapore (mất 30 năm để trở thành một TTTC hàng đầu và giữ phong độ đến nay), Việt Nam nói chung đang đứng trước ngưỡng cơ hội và thách thức lớn cho việc thành lập TTTC.
Trong giai đoạn chuyển giao công nghệ (fintech và blockchain), Việt Nam đang đứng trước một “cơ hội vàng” để biến việc xây dựng TTTC thành hiện thực, tiếp bước phát triển của các nước châu Á phát triển (Singapore, Nhật, Hàn). Sự suy giảm của TTTC Hồng Kông hay xung đột Nga - Ukraine có thể phân khúc hệ thống thanh toán toàn cầu, với sự gia tăng vai trò của tiền điện tử trong khu vực tư nhân, trong khi tiền kỹ thuật số do các ngân hàng trung ương phát hành cũng sẽ được áp dụng trên quy mô rộng hơn.
PV: Theo ông, việc thành lập TTTC sẽ mang lại lợi ích gì cho các thành phố trên nói riêng và Việt Nam nói chung?
TS. Nguyễn Tuấn Anh: Việc thành lập TTTC sẽ mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho cả các thành phố được lựa chọn và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Thứ nhất, TTTC sẽ trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi để huy động vốn, thu hút dòng đầu tư quốc tế và phát triển thị trường tài chính nội địa. Chúng ta có thể đạt được những mục tiêu tham vọng như thu hút hơn các tổ chức tài chính từ Fortune 500, ngân hàng quốc tế lớn trên thế giới và quỹ đầu tư, công ty quản lý tài sản đến hoạt động và thành lập văn phòng tại thành phố.
Thứ hai, trung tâm này sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm cho nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực tài chính, kế toán, công nghệ, và quản lý. Điều này góp phần nâng cao trình độ lao động và gia tăng năng lực cạnh tranh cho Việt Nam trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, nguồn thu từ thuế và các hoạt động tài chính cũng sẽ là nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước.
Về mặt kinh tế, TTTC sẽ giúp Việt Nam tận dụng tốt lợi thế xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực như gạo, cà phê và thủy sản. Với các công cụ tài chính phái sinh (cổ phiếu, hợp đồng tương lai...), việc mua bán hàng hóa sẽ linh hoạt hơn, giúp tối ưu hóa dòng vốn và tăng tính thanh khoản của thị trường. Đây là tiền đề để thúc đẩy tăng trưởng thương mại và đầu tư mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Ngoài ra, TTTC còn đóng vai trò là bệ phóng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với môi trường kinh doanh thuận lợi và chính sách hỗ trợ phù hợp, các doanh nghiệp có thể thu hút thêm nguồn vốn từ các nhà đầu tư quốc tế, từ đó tự tin phát triển ý tưởng và mở rộng hoạt động kinh doanh mà không gặp nhiều rào cản.
Cuối cùng, TTTC còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế thông qua việc niêm yết trên các sàn chứng khoán nước ngoài. Điển hình như trường hợp của Grab Holdings tại TTTC Singapore vào năm 2021, khi công ty đã huy động thành công 4,5 tỷ USD sau thương vụ hợp nhất với SPAC Altimeter Growth. Những câu chuyện thành công như vậy là minh chứng cho tiềm năng phát triển của các TTTC trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao vị thế toàn cầu và thu hút nguồn vốn lớn.
TTTC không chỉ mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp mà còn góp phần xây dựng một hệ sinh thái tài chính hiện đại, bền vững và thúc đẩy Việt Nam hội nhập sâu hơn vào thị trường tài chính quốc tế.
PV: Vậy những thách thức mà Việt Nam cần lưu ý khi xây dựng các TTTC là gì, thưa ông?
TS. Nguyễn Tuấn Anh: Như tôi đã nói ở trên, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cơ hội và thách thức lớn cho việc thành lập TTTC. Bên cạnh mặt thuận lợi, phát triển TTTC tại Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức đáng kể.
Trước tiên, việc triển khai đồng thời nhiều TTTC trong cả nước có thể dẫn đến tình trạng phân bổ nguồn lực không hiệu quả và xuất hiện các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương.
Ngoài ra, khuôn khổ pháp lý đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng và vận hành TTTC. Tuy nhiên, để hoàn thiện một hệ thống pháp lý đủ vững chắc, Việt Nam có thể cần ít nhất một thập kỷ. Sự phức tạp của việc quản lý chủ quyền tiền tệ và bảo đảm an toàn cho hệ thống tài chính quốc gia đặt ra yêu cầu về cải cách thể chế mạnh mẽ. Quá trình này đòi hỏi sự quyết tâm chính trị cao độ và sự đồng thuận tuyệt đối từ các cơ quan quản lý và các bên liên quan.
Bên cạnh đó, để thu hút nhà đầu tư quốc tế và cạnh tranh với các TTTC lớn trong khu vực như Singapore và Hong Kong, Việt Nam cần phát triển năng lực cạnh tranh cốt lõi và tạo sự khác biệt cho trung tâm của mình. Điều này bao gồm việc xây dựng các lợi thế độc đáo và các điều kiện kinh doanh hấp dẫn hơn để khuyến khích dòng vốn quốc tế chuyển dịch về Việt Nam.
Cuối cùng, trong bối cảnh nền kinh tế số và các lĩnh vực tài chính mới nổi như công nghệ tài chính (fintech) phát triển mạnh mẽ, Việt Nam cần nhanh chóng áp dụng các thông lệ quốc tế thành công. Tuy nhiên, việc triển khai các chính sách cần được thực hiện một cách cẩn trọng và có lộ trình cụ thể, chia thành nhiều giai đoạn phát triển phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Đồng thời, cần phải xem xét kỹ lưỡng tiềm năng và lợi thế cạnh tranh của các thành phố được lựa chọn để đảm bảo sự phát triển bền vững và hiệu quả của TTTC trong tương lai.
PV: Xin cảm ơn ông!
Tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư Theo TS. Nguyễn Tuấn Anh, Việt Nam gần đây ban hành nhiều quy định giúp hỗ trợ cho việc tăng tốc để trở thành TTTC. Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các doanh nghiệp UAE đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn, năng lượng mới (như hydrogen), năng lượng tái tạo... và khẳng định bảo vệ quyền lợi để các nhà đầu tư làm ăn hiệu quả, lâu dài. |
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接