Covid-19 là cú hích thúc đẩy thương mại điện tử. Ông có nghĩ là, Việt Nam đã tận dụng khá tốt cơ hội này để phát triển thương mại điện tử? Đại dịch xảy ra cùng với việc xã hội bị giãn cách đã tạo điều kiện cho thương mại điện tử bứt phá. Nắm bắt cơ hội này, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1163/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra yêu cầu phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử đóng vai trò chủ đạo trong giao dịch thương mại. Theo đó, mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2021-2030 là phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử với hành lang pháp lý hoàn thiện, áp dụng công nghệ, hạ tầng kỹ thuật hiện đại, cùng với phương tiện hỗ trợ đầy đủ, bảo đảm tính an toàn và thuận tiện cho doanh nghiệpvà người tiêu dùngtrong quá trình tham gia giao dịch. Đến năm 2030, doanh thu thương mại điện tử chiếm 10,5 - 11% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng bình quân 20 - 21%/năm. Tôi cho rằng, mục tiêu trên hoàn toàn khả thi, vì năm nay, riêng doanh thu thương mại điện tử giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng (B2C) ước đạt khoảng 21 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2022 và chiếm 8% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Đó là chưa tính đến doanh thu thương mại điện tử giữa người dân và người dân, tức là hoạt động kinh tếchia sẻ dựa trên nền tảng số. Song hành với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử là tình trạng lừa đảo, gian lận, trốn thuế trên mạng ngày càng gia tăng, thưa ông? Các phương tiện thông tin đại chúng đang lật tẩy nhãn hiệu sữa Yarmy bán tràn lan trên mạng qua livestream trên TikTok và các nền tảng công nghệ số. Bao bì sản phẩm được in bắt mắt, được quảng cáo là được nghiên cứu và phát triển bởi các chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội; được chứng nhận của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), nhưng những thông tin này là ngụy tạo, đánh lừa người tiêu dùng. Thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ và dần thay thế thương mại truyền thống, nhưng chưa có các quy định pháp luật riêng về hoạt động bán hàng trên mạng. Hiện tại, thương mại điện tử chỉ chịu sự quản lý bởi Luật Thương mại, Luật Giao dịch điện tử, Luật Bảo vệ người tiêu dùng như hoạt động thương mại truyền thống, trong khi hoạt động thương mại điện tử khó quản lý hơn rất nhiều bởi hoạt động trên không gian mạng. Ý ông là cần phải có thêm những quy định riêng cho thương mại điện tử? Chính phủ chủ trương phát triển thương mại điện tử trở thành hình thức thương mại chủ đạo, thì bên cạnh tăng cường đầu tư, phát triển công nghệ, kết nối hạ tầng, để đảm bảo tính an toàn và thuận tiện cho người tiêu dùng trong quá trình tham gia giao dịch thương mại điện tử, phải hoàn thiện hạ tầng pháp lý để khai thác có hiệu quả hơn xu hướng số hóa. Hoạt động thương mại hiện thực hiện theo Luật Thương mại năm 2005 đã quá lạc hậu so với sự phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, nên cần phải sửa sớm. Trước mắt, để ngăn chặn mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không như quảng cáo trên mạng, hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử, cần phải rà soát, hoàn thiện quy định về quản lý hàng hóa lưu thông trên thị trường, bao gồm quy định về nhãn, mác hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, truyền thông quảng cáo, thông tin thị trường... Các cơ quan hữu quan cũng phải nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới; quy định về quản lý và giải quyết tranh chấp, xử lý các hành vi vi phạm trong thương mại điện tử; triển khai ứng dụng hiệu quả mô hình quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử, website bán hàng điện tử, hoạt động giao dịch thương mại thông qua các trang diễn đàn, mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok... Còn kinh tế chia sẻ thì sao? Kinh tế chia sẻ là một dạng của thương mại điện tử, nhưng khác là thương mại điện tử dành cho tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh chuyên nghiệp, có đăng ký kinh doanh, còn kinh tế chia sẻ là người có tài sản không dùng hết sử dụng không gian số, nền tảng số để chia sẻ với người khác nhằm thu về một khoản lợi ích nhất định. Thương mại điện tử đã khó quản lý, đương nhiên kinh tế chia sẻ còn khó quản lý hơn nhiều, vì bất cứ cá nhân nào cũng có thể tham gia, có thể bán hàng online, mua bán không cần hóa đơn, chứng từ, không cần mã số thuế, chất lượng và chủng loại hàng hóa thế nào không thể quản lý nổi. Chẳng lẽ “không quản được thì cấm”? Quản lý nhà nước không thể theo kiểu “không quản nổi thì cấm”, mà phải tìm cách quản lý. Quan điểm của Chính phủ là ủng hộ và thích ứng với xu thế phát triển mới của mô hình kinh tế chia sẻ trong điều kiện phát triển rất nhanh của công nghệ số trên thế giới; không cần thiết phải có các chính sách riêng biệt cho hình thức kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ do đây không phải là một bộ phận tách rời hoặc một thành phần kinh tế riêng trong nền kinh tế. Quản lý nhà nước cần đảm bảo cho các hoạt động kinh tế hợp pháp được phát triển, trong đó có các hoạt động kinh tế chia sẻ; thay đổi tư duy và cách thức quản lý nhà nước cho phù hợp xu thế phát triển của kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0. Tôi cho rằng, cần phải nâng cao nhận thức và năng lực của người dân về mô hình kinh tế chia sẻ thông qua phổ biến các quy tắc tối thiểu cho người dân khi tham gia kinh tế chia sẻ và cho họ biết những hoạt động nào bị cấm buôn bán, chia sẻ. Điều này để tránh trường hợp đồng bào dân tộc thiểu số đi săn được động vật quý hiếm đã bị cấm theo Công ước Cites cũng đem lên mạng quảng cáo vì không hiểu biết pháp luật. |