Để tạo sự thống nhất về xử lý sai sót trong thanh toán, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam đề xuất quy trình xử lý sai sót theo hướng: Ngân hàng phối hợp thu/ngân hàng chưa phối hợp thu gửi yêu cầu cho ngân hàng ủy nhiệm thu, sau đó ngân hàng ủy nhiệm thu gửi yêu cầu cho Kho bạc và Kho bạc làm việc với cơ quan Hải quan. Không yêu cầu ngân hàng phải liên hệ với cả Kho bạc và Hải quan.
Bên cạnh đó, theo quy định Luật Quản lý thuế thì ngân hàng sẽ phối hợp với cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan thực hiện thủ tục cưỡng chế thuế. Tuy nhiên, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam gặp trường hợp đang thực hiện phong tỏa tài khoản để thực hiện thủ tục cưỡng chế thuế thì có khoản chuyển tiền vào. Sau đó người chuyển tiền yêu cầu hoàn lại tiền do chuyển nhầm. DN bị cưỡng chế cũng xác nhận đây không phải tiền của DN. Trường hợp này ngân hàng có được phép hoàn lại tiền không (thông thường nếu DN không bị cưỡng chế, ngân hàng được phép hoàn lại tiền).
Đồng thời, chương trình bảo lãnh thuế điện tử phát sinh tình huống, khi vào hệ thống để lập thư bảo lãnh (điện tử) thuế đối với hàng tạm nhập tái xuất, khi nhập tờ khai hải quan, hệ thống mặc định hiển thị thuế tạm nhập tái xuất là 0 đồng. Do đó, ngân hàng không thể tiếp tục các bước tiếp theo để tạo lập và đẩy thư bảo lãnh điện tử đi.
Theo Tổng cục Hải quan, liên quan đến xử lý sai sót trong quá trình thanh toán thực hiện theo quy định tại Thông tư 184/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Theo đó, ngân hàng phối hợp thu/ngân hàng uỷ nhiệm thu chuyển tiền, đồng thời chuyển thông tin nộp tiền sang Cổng thanh toán điện tử hải quan. Trên cơ sở thông tin do ngân hàng phối hợp thu/ủy nhiệm thu chuyển, cơ quan Hải quan hạch toán trừ nợ, xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế ngay sau khi cơ quan Hải quan nhận được thông tin nộp tiền.
Để đảm bảo công khai minh bạch, thông tin thu ngân sách nhà nước do ngân hàng phối hợp thu chuyển thông tin qua Cổng thanh toán điện tử hải quan được công khai trên website hải quan. Do đó, để đảm bảo thu ngân sách nhà nước đúng, đề nghị các ngân hàng phối hợp thu tra soát với cơ quan Hải quan để xử lý sai sót kịp thời đảm bảo đúng nguyên tắc quy định tại Khoản 1 Điều 27 Thông tư 184/2015/TT-BTC.
Tổng cục Hải quan ghi nhận ý kiến của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam. Tuy nhiên, theo Điểm c Khoản 5 Điều 27 Thông tư 184/2015/TT-BTC đã giải thích lý do ngân hàng phải gửi thư tra soát cho cơ quan Hải quan và Kho bạc Nhà nước là do liên quan đến lô hàng, ngân hàng đã gửi giao dịch nộp tiền được thông quan hàng hoá, trừ nợ thuế của DN. Vì vậy, khi xử lý sai sót, cơ quan Hải quan phải kiểm tra trước khi có ý kiến với Kho bạc Nhà nước.
Đối với việc thực hiện biện pháp cưỡng chế phong tỏa tài khoản thực hiện theo quy định tại Điều 93 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 25 Điều 92 Luật số 21/2012/QH13; Điều 97 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11; mục 2 chương 2 Nghị định 127/2013/NĐ-CP; mục 2 chương II Thông tư 155/2016/TT-BTC ngày 20/10/2016 của Bộ Tài chính. Vì vậy, trường hợp DN có phát sinh dư nợ tiền trên tài khoản, đề nghị ngân hàng thực hiện biện pháp cưỡng chế, phong tỏa tài khoản.
Đối với chương trình bảo lãnh điện tử, Tổng cục Hải quan ghi nhận ý kiến của ngân hàng để nghiên cứu, chỉnh sửa hệ thống đảm bảo phù hợp với quy định tại Luật Thuế XK, thuế NK.
Công ty TNHH Intops Việt Nam cho biết, theo Quyết định 33/2016/QĐ-TTg của Chính phủ cho phép DN được thanh toán bằng tờ khai điện tử qua ngân hàng nhưng đến nay DN vẫn phải in tờ khai hải quan giấy đầy đủ cho Ngân hàng bao gồm tờ khai, Packing list, Bill để tiến hành thanh toán. Trong vấn đề này, ngân hàng có trả lời là do hải quan không cung cấp phần mềm kiểm tra tờ khai cho ngân hàng. Do đó, đề nghị cơ quan Hải quan có thể hướng dẫn để DN không mất nhiều thời gian.
Theo Quy chế cung cấp, sử dụng thông tin tờ khai hải quan điện tử đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 33/2016/QĐ-TTg ngày 19/8/2016 thì việc cung cấp, sử dụng thông tin tờ khai hải quan điện tử để thực hiện các thủ tục về thuế, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thủ tục thanh toán qua ngân hàng và các thủ tục hành chính khác; chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa lưu thông trên thị trường.
Thực hiện quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 10 của Quy chế, Tổng cục Hải quan có trách nhiệm: “Xây dựng, triển khai Cổng thông tin tờ khai hải quan điện tử trong thời hạn không quá 6 tháng kể từ ngày có hiệu lực của Quyết định này”. Do đó, Tổng cục Hải quan đã hoàn thành việc xây dựng, triển khai Cổng thông tin tờ khai hải quan điện tử và thực hiện cung cấp thông tin tờ khai hải quan điện tử từ ngày 15/3/2017.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2628/QĐ-BTC ngày 9/12/2016 về việc công bố thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan trong đó có 3 thủ tục hành chính liên quan đến việc đăng ký sử dụng thông tin tờ khai hải quan điện tử.
Tổng cục Hải quan ghi nhận ý kiến của DN và sẽ có văn bản đề nghị các ngân hàng thương mại nghiên cứu quy định tại các thủ tục hành chính và thực hiện việc đăng ký để chuẩn bị cho việc sử dụng thông tin tờ khai hải quan điện tử trong các hoạt động nghiệp vụ theo quy định tại Quyết định số 33/2016/QĐ-TTg nêu trên.
Công ty TNHH Thép VINA KYOEI đề nghị Tổng cục Hải quan xúc tiến sớm việc cho DN thanh toán thuế NK trực tiếp cho tài khoản hải quan từ ngân hàng không qua Kho bạc.
Theo Tổng cục Hải quan quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước số 83/2015/QH13 ngày 25/6/2015 thì tất cả các cơ quan nhà nước phải mở tài khoản thu ngân sách nhà nước tại Kho bạc Nhà nước, do vậy, DN XK, NK vẫn phải thực hiện nộp tiền vào ngân sách nhà nước vào tài khoản của cơ quan Hải quan mở tại Kho bạc Nhà nước.