Theo đó, cát vật liệu xây dựng thông thường ghi trong giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp cho doanh nghiệp (DN) là tên gọi chung. Còn theo quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt thì cát vật liệu xây dựng thông thường được phân thành hai loại là cát san lấp và cát xây dựng.
Hiện trên địa bàn tỉnh chỉ có 2 mỏ cát san lấp, gồm mỏ cát thôn Phú Dương, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu của Công ty TNHH Xây dựng Việt Phát Đạt và mỏ cát thôn Hòa Phú, xã Xuân Hòa, thị xã Sông Cầu của Công ty TNHH Xây dựng thương mại dịch vụ Phục Hưng. Tất cả các mỏ cát còn lại là cát xây dựng.
Cát san lấp thuộc loại sản phẩm tài nguyên là “cát san lấp” theo Bảng giá tính thuế tài nguyên ban hành kèm theo Quyết định 15/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh (trừ cát nhiễm mặn). Giá cát san lấp để tính thuế tài nguyên tối thiểu là 68.000 đồng/m3. Còn cát xây dựng thuộc loại sản phẩm tài nguyên là “cát vàng dùng trong xây dựng”, với giá để tính thuế tài nguyên là 245.000 đồng/m3.
Theo Cục Thuế Phú Yên, thời gian qua, các DN khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh hay gặp vướng mắc trong việc phân loại cát vật liệu xây dựng thông thường khi áp giá tính thuế tài nguyên, theo Quyết định 15/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh.
Nhiều DN khai thác khoáng sản kê khai, tính thuế tài nguyên đối với sản phẩm cát đã được cấp phép theo giá cát san lấp là chưa đúng với mục đích sử dụng khoáng sản đã cấp cho DN. Vì vậy, thời gian tới, Cục Thuế Phú Yên sẽ rà soát, kiểm tra, yêu cầu DN kê khai thực hiện tính thuế tài nguyên đúng theo quy định./.
Bùi Tư