Loạt chính sách hỗ trợ nền kinh tế Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn, đến nay, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội ban hành 56 văn bản, trong đó có 11 nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 19 nghị định của Chính phủ và 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 25 thông tư của Bộ Tài chính. Kết quả, năm 2020, tổng quy mô giải pháp hỗ trợ là 129 nghìn tỷ đồng; năm 2021 là 145 nghìn tỷ đồng; năm 2022 là 233 nghìn tỷ đồng. Năm 2023, dự kiến tổng mức hỗ trợ tài khoá là 196 nghìn tỷ đồng, trong đó gia hạn 21 nghìn tỷ đồng, số tiền miễn giảm khoảng 75 nghìn tỷ đồng, bao gồm phần hỗ trợ theo Quyết định 25/2023/QĐ-TTg về giảm tiền thuê đất của năm 2023 để thực hiện Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15/7/2023 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. “Trong thời gian qua, nhiều giải pháp hỗ trợ thuế, phí, tiền lệ phí, tiền thuê đất với giá trị lớn và phạm vi rộng đã và đang tiếp tục được triển khai trong thực tế. Việc ban hành và thực hiện các giải pháp nêu trên nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh để đóng góp những kết quả tích cực cho phát triển kinh tế xã hội”, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nhấn mạnh. Đánh giá về tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, kết quả thực hiện các gói hỗ trợ của chính sách tài khóa đã có tác động tích cực, góp phần tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng trong nước, giảm chi phí đầu vào, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho NSNN và nền kinh tế; trong đó một số chính sách hỗ trợ có kết quả thực hiện cao như các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí (đạt 94,1% kế hoạch), trong đó, chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT đạt 90% kế hoạch và hiện đã được Quốc hội cho phép tiếp tục áp dụng trong thời gian từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Hoàn thuế cho doanh nghiệp đạt 98.606 tỷ đồng Bên cạnh các giải pháp tài khoá nói trên, để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện về dòng tiền cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ngành Tài chính đã tích cực triển khai công tác hoàn thuế cho doanh nghiệp. Theo ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã thành lập các đoàn công tác để rà soát, tháo gỡ khó khăn, tổng hợp kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi một số quy định, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng tiêu chí hoàn thuế tích hợp tự động để tiếp nhận hồ sơ tự động. Đáng chú ý, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế chỉ đạo một phó cục trưởng trực tiếp giải quyết hồ sơ hoàn thuế nên không có độ trễ giữa việc trình và duyệt hồ sơ cũng như thúc đẩy kết quả hoàn thuế GTGT thời gian qua. Nhờ sự nỗ lực đó, kết quả hoàn thuế GTGT thời gian qua đã được đẩy mạnh. Đến hết tháng 9/2023, tổng số tiền thuế hoàn cho doanh nghiệp đạt 98.606 tỷ đồng. “Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xác định hoàn thuế cho doanh nghiệp là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và phải quan tâm, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Việc giải quyết hoàn thuế sớm cũng chính là hỗ trợ, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, thêm nguồn lực tài chính cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư hiệu quả, từ đó đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định. Theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu đề xuất các giải pháp áp dụng cho năm 2024 Thời gian tới, cùng với việc triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng đã được ban hành, Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu đề xuất các giải pháp áp dụng cho năm 2024 như: tiếp tục xem xét giảm mức thuế bảo vệ môi trường đã áp dụng cho năm 2023 (xem thêm bài trang 13 cùng số này); rà soát và báo cáo Chính phủ tiếp tục xem xét giảm thuế GTGT như đã áp dụng cho năm 2023, áp dụng giảm thuế suất thuế xuất nhập khẩu, hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong nước; giảm mức thu một số mức phí, lệ phí, khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, cùng với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nêu trên, Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác: hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá các lĩnh vực của ngành Tài chính, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, vốn được xem là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp, người dân nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. “Về lâu dài, quán triệt các chủ trương, định hướng đã được đề ra tại các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu với các cấp có thẩm quyền nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế tốt theo thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu về nguồn lực để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, hướng tới một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho NSNN, đồng thời, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, đảm bảo tính bền vững của nền kinh tế”, Bộ trưởng cho biết. |