Liên tục rà soát để bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết Trong năm 2023,ộTàichínhCảicáchthủtụchànhchínhtoàndiệnhỗtrợdoanhnghiệpfc sochi Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính (CCHC), rà soát, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành về CCHC nhằm triển khai có hiệu quả các nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Kế hoạch CCHC năm 2023 của Bộ Tài chính đã bám sát 7 nội dung của công tác CCHC, đề ra 59 nhóm nhiệm vụ với 150 sản phẩm/hoạt động đầu ra cụ thể, xác định rõ căn cứ, trách nhiệm của từng đơn vị chủ trì, phối hợp cũng như quy định tiến độ thực hiện rõ ràng. Tính đến ngày 25/12/2023, Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện 150/150 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 148 nhiệm vụ, đang tiếp tục triển khai thực hiện 2 nhiệm vụ theo kế hoạch. Từ đầu năm, Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ, với nhiều giải pháp toàn diện trên tất cả các lĩnh vực công tác của ngành Tài chính. Đáng lưu ý, để tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án 06/CP năm 2023 của bộ. Ngoài ra, để triển khai các nhiệm vụ về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản để chỉ đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc triển khai thực hiện. Năm 2023, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện kiểm soát chặt chẽ các TTHC thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý nhằm mục tiêu cải cách TTHC một cách toàn diện gắn với việc phát triển chính phủ điện tử và quá trình chuyển đổi số để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bộ Tài chính thường xuyên rà soát, đánh giá TTHC nhằm đề xuất bãi bỏ những TTHC không còn phù hợp hoặc sửa đổi theo hướng cụ thể, rõ ràng, đơn giản, tăng tính khả thi cho cá nhân, tổ chức thực hiện. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, tính đến ngày 25/12/2023, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã thực hiện đánh giá tác động đối với 86 TTHC tại 15 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) thuộc lĩnh vực công sản, thuế, kế toán, kiểm toán, giá, bảo hiểm, hải quan... theo đúng quy định. Trên cơ sở đó, các đơn vị đã lựa chọn các phương án, giải pháp tối ưu cho việc ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung TTHC thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính. Trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật quy định về TTHC, trong năm 2023, Bộ Tài chính đã rà soát và ban hành 13 quyết định công bố bãi bỏ 33 TTHC; sửa đổi, bổ sung, thay thế 26 TTHC; công bố mới 3 TTHC trong các lĩnh vực quản lý. Trên cơ sở quyết định công bố, Bộ Tài chính đã thực hiện việc công khai và cập nhật đầy đủ và kịp thời lên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính và trụ sở cơ quan tiếp nhận, thực hiện TTHC theo đúng quy định. Cắt giảm thủ tục chồng chéo gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân Nỗ lực của ngành Tài chính đã được ghi nhận. Năm 2023, Chính phủ đã công bố Chỉ số CCHC (PAR Index) năm 2022 của các bộ, ngành, địa phương và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022. Bộ Tài chính xếp vị trí thứ 3 với kết quả PAR Index đạt 89,76%. Đây là năm thứ 9 liên tiếp (từ năm 2014 - 2022), Bộ Tài chính nằm trong nhóm 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu về PAR Index.
Năm 2024, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về kiểm soát TTHC; chú trọng đánh giá tác động của TTHC ngay trong quá trình xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, đổi mới quy trình, thủ tục hành chính giải quyết công việc nội bộ giữa các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc, theo hướng đơn giản hóa, gắn kết với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính phủ số. Với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thường xuyên rà soát, đánh giá TTHC trong quá trình thực hiện; tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC rườm rà, chồng chéo gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức. Ngoài ra, thực hiện thống kê, công bố, cập nhật và công khai TTHC, điều kiện kinh doanh, chế độ báo cáo thuộc lĩnh vực quản lý trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính và Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh. Những nỗ lực cải cách TTHC trong thời gian qua được dư luận, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), qua khảo sát của VCCI, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đánh giá khá tích cực trong công tác cải cách TTHC của cơ quan thuế, hải quan. “Qua nhìn nhận, đánh giá từ phía doanh nghiệp, nhiều chính sách thuế, hải quan và thủ tục dễ tiếp cận hơn. Một số cải cách lớn của cơ quan hải quan, thuế cũng được doanh nghiệp ghi nhận như giảm bớt sự chồng chéo, trùng lập trong kiểm tra… Các TTHC lĩnh vực tài chính ngày càng được hoàn thiện theo hướng thống nhất, đồng bộ, đơn giản, công khai, minh bạch, tăng tính liên thông, nhằm tạo điều kiện tối đa cho người dân và doanh nghiệp” - ông Đậu Anh Tuấn cho hay.
|