游客发表
Vẫn còn 56 hộ dân ở Hương Xuân, Nam Đông chưa có nước sạch |
Xã Hương Xuân được thành lập trên cơ sở sáp nhập xã Hương Giang và xã Hương Hòa từ cuối năm 2019. Năm 2022, xã Hương Xuân đạt chuẩn NTM nâng cao với cơ sở hạ tầng được đầu tư khá khang trang, sạch đẹp, đời sống người dân được nâng cao. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 56 hộ dân ở các thôn 9, 11, Thuận Lộc thuộc địa bàn xã vẫn chưa có nước sạch sử dụng. Người dân ở các khu vực này chủ yếu dùng nước giếng khoan, nước tự chảy qua bể lọc hợp vệ sinh để dùng cho sinh hoạt.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy (thôn Thuận Lộc, xã Hương Xuân) cho biết, những năm gần đây nước sạch đã “về” nhiều vùng xa xôi của huyện Nam Đông, được sử dụng nước sạch bà còn yên tâm, phấn khởi vì tránh được dịch bệnh. Trên địa bàn xã Hương Xuân chính quyền cũng đã đầu tư đưa nước sạch về nhiều cụm dân cư, nhưng vẫn còn nhiều hộ ở một số thôn vẫn chưa có. Bà con ở đây phải sử dụng nước giếng khoan hoặc dùng bể lọc để sử dụng làm nước sinh hoạt. Như gia đình tôi, phải vay tiền trả chi phí khoan giếng. Vào mùa hè nước thường thiếu hụt, không đủ để dùng nên rất chật vật. Dù không còn cảnh phải đi mua nước, gồng gánh như trước nhưng về lâu dài, chưa có hệ thống nước sạch sử dụng bà con vẫn rất lo lắng.
Theo UBND xã Hương Xuân, từ năm 2014, khi còn là xã Hương Giang, nhằm đảm bảo tiêu chí về nước hợp vệ sinh cho các hộ dân khi được công nhận là xã NTM, chính quyền địa phương đã hỗ trợ một phần kinh phí để người dân xây dựng bể lắng lọc xử lý nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho hộ gia đình. Trước đây, trên địa bàn còn 65 hộ gia đình chưa có nước sạch để sử dụng. Vừa qua, Công ty cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế đã đầu tư thêm một số tuyến ống cấp nước cho một số cụm điểm dân cư với 19 hộ dân. Đến nay còn 56 hộ chưa có nước sạch sử dụng.
Bà Trần Thị Mỹ Huệ, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Xuân cho biết, mới đây, thực hiện thông báo của UBND huyện Nam Đông về việc rà soát nước sinh hoạt phân tán trên địa bàn, xã đã có báo cáo gửi UBND huyện và các phòng, ban chức năng, Công ty cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế. Theo đó, hiện nay có 13 địa điểm, cụm dân cư trên địa bàn chưa có hệ thống cấp nước sạch với 56 hộ dân. Nguyên nhân, vị trí tính từ đường ống cấp nước sạch hiện có đến các hộ dân sử dụng khá xa, từ 100-500m; các hộ dân ở phân tán, nhỏ lẻ, địa hình khác nhau nên việc cấp nước rất khó khăn. Một số hộ dân tự bỏ kinh phí đấu nối ống dẫn nước đến các hộ gia đình nhưng kinh phí rất lớn. Hiện tại, chỉ ưu tiên cấp nước ở các cụm dân cư tập trung.
“Thời gian tới xã tiếp tục kiến nghị UBND huyện, Công ty cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế đã thống kê, khảo sát hiện trạng các hộ chưa có nước sạch sử dụng nhằm có giải pháp đầu tư lâu dài, bổ sung đưa vào kế hoạch thi công lắp đặt đường ống cấp nước. Riêng các hộ dân nằm dọc tuyến Tỉnh lộ 14B chưa có nước sạch, khi có công trình đầu tư đưa ống dẫn nước về các hộ dân, sẽ đề xuất UBND huyện kiến nghị Sở GTVT (đơn vị quản lý tuyến đường) để thi công”, bà Trần Thị Mỹ Huệ, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Xuân cho biết.
Theo UBND huyện Nam Đông, hiện nay, hệ thống cấp nước sạch do Công ty cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế quản lý vận hành đã được thực hiện tại xã Hương Xuân bao gồm hệ thống tuyến ống nhựa HDPE có đường kính từ D50 - D160 với tổng chiều dài hơn 29,5km, cấp nước sạch cho hơn 90,67 % dân số của xã, 1.011 hộ với 3.880 nhân khẩu, chất lượng đảm bảo cấp nước an toàn, liên tục và áp lực hợp lý.
Để cấp nước sạch cho những hộ dân còn lại ở các thôn 9, 11, Thuận Lộc của xã Hương Xuân, qua khảo sát sơ bộ, cần thiết phải đầu tư xây dựng 6 tuyến ống phân phối D75 nhựa HDPE với tổng chiều dài khoảng 2.840m, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1,2 tỷ đồng. Theo Công ty cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế, thời gian tới, đơn vị này sẽ phối hợp UBND huyện Nam Đông để đề xuất sử dụng nguồn vốn đầu tư công hoặc huy động các nguồn vốn khác thực hiện dự án.
Năm 2022, Nhà máy nước sạch Thượng Long (Nam Đông) được Công ty cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế đưa vào sử dụng. Nhà máy bao gồm các hạng mục như đập dâng nước Khe A Kì, cao trình +181,6m và lắp đặt tuyến ống nước thô DN200 thép, D225 HDPE chiều dài 3.950m; khu xử lý nước sạch công suất 2.000m3/ngày đêm; nhà điều hành, phần điện nhà điều hành và bể tự hoại; lắp đặt mới các tuyến ống và phụ kiện với tổng chiều dài khoảng 43.678m… Đây là nhà máy nước sạch đầu tiên tại khu vực miền núi của tỉnh được ứng dụng công nghệ hiện đại với bể lắng lọc thông minh chất lượng cao và thân thiện với môi trường. |
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接