');this.closest('table').remove();"> |
Trưng bày tư liệu Hán Nôm trên địa bàn tỉnh sau khi sưu tập, phục chế . Ảnh: PHAN THÀNH |
Thừa Thiên Huế là tỉnh có một số lượng đồ sộ các văn bản Hán Nôm được lưu trữ trong tư gia, nhà thờ, đình, chùa, miếu vũ… Nội dung được phản ánh trên từng loại hình văn bản Hán Nôm này rất phong phú. Đó có thể là hành trạng nhân vật, gốc tích dòng họ, lịch sử khai thiết lập làng hay những thông tin trực tiếp hoặc gián tiếp phản ánh sự biến động về địa giới hành chính, tài nguyên, đời sống kinh tế, văn hóa… ở những thời kỳ khác nhau. Không những thế, những trang sử này mang địa danh, nhân danh, sự kiện gắn bó thiết thân, máu mủ, thiêng liêng với cộng đồng - những người lưu giữ chúng. Đảm nhiệm việc lưu giữ tư liệu Hán Nôm, vì thế, luôn là người được tin tưởng “chọn mặt gửi vàng” bởi tinh thần trách nhiệm, uy tín và đức độ của họ.
Do điều kiện khí hậu nóng ẩm, Huế lại là vùng mưa nhiều, thường xuyên xảy ra bão, lụt nên các tài liệu trên giấy dễ bị tác động, nhất là vùng nông thôn vốn đa phần thấp trũng. Trong khi đó, tư liệu Hán Nôm chủ yếu được lưu trữ ở những thiết chế tôn giáo tín ngưỡng, nơi không phải thường xuyên có người túc trực khiến cho sự ứng phó thiếu kịp thời khi có sự cố diễn ra. Những năm gần đây, điều kiện bảo quản an toàn hơn nhưng nấm mốc, mối mọt vẫn là mối đe dọa lớn. Những chế định liên quan đến việc “mở hòm bộ” của làng, “sợ trách nhiệm” và cả sự chi phối của tính thiêng đã khiến cho tư liệu không được kiểm tra thường xuyên. Đây là nguyên nhân khiến di sản Hán Nôm bị hư hỏng, thậm chí mục nát hoàn toàn.
Trước sự xuống cấp của di sản, một số cộng đồng đã tìm cách cứu vãn nhưng do không nắm bắt kỹ thuật chuyên môn đã vô tình làm văn bản hư hại thêm trầm trọng. Phổ biến hơn cả là tình trạng đem phơi trực tiếp dưới ánh nắng khiến giấy bị giòn, dễ vỡ; bọc kín trong túi nilon dẫn đến ẩm mốc hay ép plastic khiến cho tư liệu bị bong tróc sau một khoảng thời gian nhất định. Ngoài ra, tư liệu còn bị tác động, phục chế tùy tiện theo những cách khác nhau, như viết (phiên âm, ghi chú) trực tiếp lên bản gốc; phục chế sai quy cách; dịch thuật thiếu chính xác dẫn đến thông tin sai lệch. Đặc biệt, do phần lớn các “kho lưu trữ” trong cộng đồng không được biên mục, thống kê đầy đủ nên việc sắp xếp thường thiếu hệ thống, khó kiểm soát và dễ thất lạc. Ở một khía cạnh khác, người dân xem gia phả, sắc phong, các tư liệu khác do tổ tiên để lại như một phần quê hương không thể tách rời, nhiều cá nhân đã mang theo các văn bản này trong quá trình di chuyển nơi cư trú, thậm chí sang cả nước ngoài.
Tính chất đặc thù của tư liệu Hán Nôm là phần lớn nằm ngoài quản lý của các cơ quan chức năng của Nhà nước. Do đó, để quản lý, bảo vệ tốt hơn, trước hết cần có sự thay đổi nhận thức về giá trị của di sản cũng như trách nhiệm bảo vệ chung của toàn xã hội. Cần tăng cường các hình thức đối thoại giữa chính quyền địa phương và Hội đồng làng, Hội đồng gia tộc cũng như các cá nhân nhằm có được sự đồng thuận cao trong các việc quản lý di sản. Đặc biệt, những chế tài liên quan đến bảo vệ an ninh cho di sản Hán Nôm cần được đặt ra một cách cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, bên cạnh giải pháp số hóa như đã triển khai những năm qua, một trong những việc làm cấp thiết mà ngành văn hóa có thể hỗ trợ người dân, đó là hướng dẫn làm hoặc cung cấp các hộp bảo quản tư liệu đúng quy chuẩn kỹ thuật cũng như cách vệ sinh, xử lý định kỳ nhằm hạn chế tối đa sự xuống cấp của tư liệu.