【kq bd tnk】Amazon, Facebook, Alibaba mang bão thương mại điện tử đến càn quét kênh bán lẻ truyền thống Việt Nam
Cú sốc từ Mỹ
Thông tin Walgreens - chuỗi dược phẩm lớn nhất tại Mỹ được thành lập năm 1901 và đang vận hành hơn 8.000 cửa hàng tuyên bố sẽ đóng 600 cửa hàng trong năm nay đang gây sốc với nhiều người trong lĩnh vực này.
Những cửa hàng Walgreens thường tọa lạc ở nơi rất thuận tiện cho khách vào mua sắm, nên dù sự tiện lợi khiến khách hàng phải trả giá cao hơn khoảng 50% so với các cửa tiệm Walmart, Target hay cửa hàng bán thực phẩm khác, song người tiêu dùng vẫn thường ghé vào Walgreens bởi sự hấp dẫn của những chương trình giảm giá thức ăn ngũ cốc, sản phẩm trang điểm, xà bông cục, xà bông lỏng và các loại kem dưỡng da… Không gian hạn chế của tiệm thuốc tây khiến Walgreens thường xuyên giảm giá hàng hóa để dành chỗ cho sản phẩm mới.
Trần Tú Trinh, sinh viên năm thứ ba, Đại học Brandeis (bang Massachusetts, Mỹ) thường xuyên ghé cửa hàng Walgreens mua đồ trang điểm. “Tôi hay nhận được phiếu giảm giá của Walgreens, nên nhiều lúc tôi có thể mua một tặng một hay bớt 50% giá cho sản phẩm thứ hai”, Tú Trinh nói.
Thế nhưng, trong cơn bão phá sản hàng loạt của các thương hiệu bán lẻ ở Mỹ, Walgreens không tránh khỏi thiệt hại. Theo thống kê của Business Insider, Walgreens chỉ đứng sau hãng bán lẻ đồ chơi Toys R Us - tên tuổi cũng vừa tuyên bố phá sản - về số lượng cửa hàng sẽ đóng cửa trong năm nay (600 cửa hàng).
Business Insider cũng phân tích, tỷ lệ đóng cửa làm rung chuyển ngành bán lẻ năm 2017 ở Mỹ sẽ tiếp tục gia tăng trong năm nay, dự kiến hơn 3.800 cửa hàng. Trong đó, nhiều cửa hàng đã đóng cửa hoặc đang trên bờ vực đóng cửa. Ví dụ, Walmart đã đóng 63 cửa hàng của Sam's Club vào đầu năm nay. Nhà bán lẻ quần áo trẻ em Gymboree sẽ đóng 350 cửa hàng. Children's Place dự kiến đóng 144 cửa hàng vào năm 2020. Target sẽ đóng 12 siêu thị. Danh sách hãng bán lẻ đóng cửa tiếp tục kéo dài với nhiều tên tuổi lớn, như: GAP, Kmart, Michel Kors, Best Buy…
Và thủ phạm gây ra kết cục bi thảm này đã được chỉ ra, đó là các công ty kinh doanh trực tuyến.
Những gì diễn ra ở Mỹ khiến giới phân tích trong ngành rùng mình về trận địa bán lẻ ở Việt Nam. Theo họ, Việt Nam đi sau thế giới khoảng 15 năm, đang ở giai đoạn thâu tóm và mở chuỗi. Rõ nhất là lĩnh vực phân phối, bán lẻ dược phẩm thời gian này khi hàng loạt tên tuổi bán lẻ điện máy đi thâu tóm chuỗi dược phẩm nhỏ và thể hiện bản thân trong trận địa mới.
FPT Retail, sau khi mua chuỗi nhà thuốc Long Châu, tuyên bố sẽ mở khoảng 400 cửa hàng trong vòng 4 năm tới. Theo đó, 80% khách đến chuỗi này là bệnh nhân, tìm thuốc chữa bệnh, chứ không phải sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng và dược mỹ phẩm.
Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) mua đứt lại Công ty cổ phần Chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang sở hữu khoảng 20 cửa hàng bán lẻ dược phẩm quy mô trung bình tại TP. HCM. So với FPT Retail, MWG có vẻ thận trọng, chậm rãi hơn vì xác định đây là lĩnh vực hoàn toàn mới. Nhiều khả năng MWG chỉ tham gia lĩnh vực này với định hướng cho trung và dài hạn. Trước mắt, họ tập trung nguồn lực để mở rộng chuỗi Bách hóa xanh, một tham vọng mới ở thị trường phía Bắc khi thâu tóm Điện máy Trần Anh.
Công ty cổ phần Thế giới số - Digiworld (DWG) đã bắt tay với Vinamedic phân phối dược phẩm chức năng...
Theo Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đạt trên 25% và tốc độ này có thể được duy trì trong giai đoạn năm 2018-2020. Cụ thể, với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, thông tin từ hàng ngàn website thương mại điện tử cho thấy tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 tăng 35%. |
Nhìn lại, thị trường phân phối, bán lẻ Việt Nam mới thực sự nở rộ khoảng 10 năm trở lại đây. Đây là lý do bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam nhắc đến nhiều mối lo khi Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ. Nhất là khả năng sụp đổ kênh phân phối bán lẻ truyền thống cũng như hiện đại do sự xuất hiện và thâu tóm của các “ông lớn” bán lẻ từ nước ngoài. Mối lo vẫn còn lớn ngay cả khi thực tế cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đã từng bước thích ứng và nâng cao năng lực cạnh tranh trong thị trường này.
Tuy nhiên, cú sốc từ Mỹ và những gì bán lẻ thế giới đang đối mặt báo trước viễn cảnh không mấy vui của bán lẻ Việt Nam trước cơn bão lớn có tên thương mại điện tử.
Ngạt thở bởi Amazon, Facebook, Alibaba
Sau khi các hãng bán lẻ trực tuyến càn quét thị trường thế giới, cùng với một số nước mới nổi ở châu Á, Việt Nam trở thành tâm bão.
Mặc dù Amazon vào Việt Nam chưa rõ nét, nhưng với mô hình họ đang làm ở thị trường Mỹ, có thể thấy cách họ đánh bại các nhà bán lẻ hàng trăm năm tuổi như thế nào. Không chỉ bán online, Amazon làm cả cửa hàng tiện lợi Amazon Go. Sẽ khó phân biệt Amazon Go với các cửa hàng tiện ích thông thường, vì có đủ các thứ, từ đồ ăn sẵn, thức uống và các đồ dùng hàng ngày. Khác biệt ở chỗ, khách hàng sau khi chọn được đồ không phải xếp hàng chờ thanh toán, không phải trả tiền hay quẹt thẻ. Sự dễ dàng của Amazon Go đã ghi điểm trong mắt người tiêu dùng hiện đại, trong đó có các du học sinh Việt Nam.
“Rất nhanh chóng, mà lại có cảm giác phục vụ triệt để. Ở đây, có nhiều camera trên đầu, nhưng tôi thấy thoải mái khi không bị ánh mắt của các nhân viên bán hàng, thu ngân dõi theo. Điều này khác hẳn khi tôi vào cửa hàng bán lẻ truyền thống, nơi mà có nhân viên khó chịu khi tôi đứng xem mặt hàng gì đó lâu”, Vũ Đình Thao, du học sinh Việt Nam chia sẻ cảm giác trải nghiệm tại cửa hàng tiện lợi Amazon Go.
Tất nhiên, để vào cửa Amazon Go, Thao cần có smartphone cài sẵn ứng dụng Amazon Go với thông tin về thẻ thanh toán. Các giá để hàng ở đây đều gắn thiết bị cảm ứng, khi Thao chọn món đồ đó hoặc không, thiết bị sẽ thêm hoặc bớt trên hàng trên giỏ. Khi Thao bước chân ra khỏi cửa hàng cũng là lúc hoá đơn điện tử được thiết lập và tiền được trừ từ tài khoản của cậu.
Thực tế, ngoài nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm, giá hấp dẫn, tối ưu hóa dịch vụ, các nhà bán lẻ truyền thống đã tạo ra sự tiện lợi hơn cho khách. Hầu hết hãng bán lẻ đều có trang web riêng để phát triển mảng kinh doanh trực tuyến cùng với bán hàng tại cửa hàng. Thậm chí, họ thâu tóm các trang thương mại điện tử chuyên biệt để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách.
Minh chứng, Central Group sở hữu bán lẻ điện máy Nguyễn Kim mua Zalora, một website thương mại điện tử chuyên về thời trang. Một số nhà bán lẻ tự xây dựng trang thương mại điện tử của riêng mình, như Aeon có AeonEshop với ưu thế hàng Nhật chất lượng. Hay Lotte Mart cho ra đời các trang Lotteshop chuyên bán thương hiệu mỹ phẩm Hàn Quốc chính hãng và trang mua sắm tổng hợp Lotte.vn. Adayroi của Vinmart (Vingroup). MWG đang chiếm 10% thị phần bán hàng online, nhiều hơn cả Lazada và Zalora và trở thành tên tuổi dẫn đầu liên tục trong danh sách nhà bán lẻ online từ năm 2011 đến nay. Hiện MWG còn đầu tư trang Vuivui.com, nhưng phải đến năm 2020, trang này mới trở thành động lực tăng trưởng cho MWG. Lúc này, bán hàng tại các chuỗi vẫn là nồi cơm chính của MWG.
Tuy nhiên, với cách mở rộng liên tục nhiều cửa hàng nhằm tiếp cận khách hàng nhanh nhất của một vài tên tuổi lớn hiện nay khiến giới phân tích lo ngại họ sẽ phải co lại sau 7-10 năm hoạt động, thậm chí phá sản hàng loạt như ở Mỹ.
Trong khi đó, mặc kệ Amazon, các hãng công nghệ của Trung Quốc đang tỏ ra nguy hiểm hơn. Lazada (thuộc Alibaba) đã mở rộng hoạt động tại nhiều thị trường Đông Nam Á, trong khi Tencent Holdings lại hỗ trợ Shopee, hãng đang giành thêm khách hàng nhờ dịch vụ vận chuyển miễn phí và Tiki, vốn mới nhận được khoản đầu tư lớn từ JD.com. Đặc biệt, một cách gián tiếp, hàng triệu người Việt bán hàng qua Facebook cũng khiến cửa hàng bán lẻ truyền thống chao đảo.
Chi phí thuê mặt bằng cao, sử dụng nhiều nhân công và không mạnh về công nghệ là những điểm yếu của ngành bán lẻ truyền thống. Ngược lại, đối với hình thức mua hàng trực tuyến, khách hàng chỉ được xem hình, video, hay xem các bình luận để thẩm định chất lượng hàng hóa. Với một số người thì dường như chưa đủ thỏa mãn. Sự có mặt kịp thời của Amazon Go với sự kết hợp giữa bán lẻ truyền thống và thương mại điện tử bằng việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ dữ liệu, được cho là mô hình bán lẻ kiểu mới, sẽ chiếm trọn trái tim người dùng. Đó là mô hình các nhà bán lẻ Việt Nam phải tính đến nếu không muốn bị nuốt chửng.