Triển vọng đơn hàng xuất khẩu dệt may 2023 không khả quan | |
Doanh nghiệp tăng tốc sản xuất dự trữ hàng hóa cuối năm |
Nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng, duy trì sản xuất. Ảnh minh họa: ST |
Lao động mất việc
Công ty Tỷ Hùng (quận Bình Tân) là doanh nghiệp có 100% vốn Đài Loan (Trung Quốc), chuyên sản xuất giày xuất khẩu, thị trường chủ yếu châu Âu, hoạt động tại TPHCM gần 25 năm. Gần đây, đối tác nhập khẩu của Công ty Tỷ Hùng bị ảnh hưởng, thiệt hại từ tình hình kinh tế, đã không ký kết đơn hàng. Mặc dù đã tìm mọi biện pháp, doanh nghiệp không thể khôi phục sản xuất nên công ty phải thu hẹp toàn bộ khối sản xuất và một số đơn vị liên quan, chấm dứt hợp đồng lao động với 1.185 người từ 1/12/2022.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM: Doanh nghiệp cố gắng duy trì sáng đèn trong sản xuất Các doanh nghiệp ngành dệt may đang rất khó khăn do đơn hàng sụt giảm. Trong tháng 8, nhiều doanh nghiệp còn đơn hàng tồn để xuất khẩu, nhưng sang tháng 9, tháng 10, lượng đơn hàng sẽ giảm rất nhiều. Do đó, mục tiêu của năm 2022, xuất khẩu ngành dệt may khoảng 42-43 tỷ USD là rất khó hoàn thành. Dự báo tình hình giảm đơn hàng của các DN dệt may sẽ còn kéo dài đến giữa năm 2023 do kinh tế các nước vẫn phải đối mặt với nhiều bất ổn và cuộc chiến Nga – Ukraine vẫn diễn biến khó lường. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp ngành dệt may đang cố gắng duy trì sản xuất để người lao động có việc làm, có thu nhập, nhằm ổn định tình hình lao động, để khi có đơn hàng trở lại thì tiếp tục sản xuất. Các doanh nghiệp hiện nay chỉ cố gắng duy trì đèn sáng trong xưởng. Khi đèn trong xưởng không còn sáng nữa thì đó là lúc doanh nghiệp không còn hàng để sản xuất, đồng nghĩa với việc người lao động sẽ không có việc làm và không có thu nhập. Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean: Nỗ lực chuyển hướng thị trường Tình trạng giảm đơn hàng đã kéo dài suốt từ tháng 6/2022. Đến nay, lượng đơn hàng của Việt Thắng Jean từ thị trường châu Âu đã giảm tới 60%, trong khi từ Mỹ giảm 30-40%. Hàng hóa xuất sang các thị trường này tiêu thụ rất chậm và bị tồn kho. Nhiều lô hàng xuất sang châu Âu từ tháng 7, 8, nhưng đến nay có tới 50% vẫn để trong kho mà chưa lấy ra bán. Hiện tại, Việt Thắng Jean chỉ sản xuất khoảng 80% so với công suất thiết kế, thậm chí, giai đoạn tháng 7, tháng 8, chỉ hoạt động khoảng 50% công suất thiết kế. Tồn kho tăng cao dẫn tới nguy cơ khách hàng có thể hủy đơn hàng. Do đó, Việt Thắng Jean luôn phải bám sát thông tin thị trường cũng như theo dõi chặt chẽ tình hình kinh doanh của khách hàng. Những khách hàng có nguy cơ rủi ro cao, chúng tôi sẽ không ký kết đơn hàng để tránh nguy cơ bị hủy đơn hàng. Bên cạnh đó, Việt Thắng Jean đang nỗ lực chuyển hướng thị trường. Hai thị trường mới của DN này là Canada và Australia đã bước đầu mang lại kết quả, nhưng do còn mới nên vẫn chưa thể bù đắp được sự sụt giảm từ Mỹ và châu Âu. Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM: Hoạt động xúc tiến thương mại là rất quan trọng Kể từ tháng 7 đến nay, đơn hàng xuất khẩu của các mặt hàng thủ công mỹ nghệ bắt đầu suy giảm. Hiện tượng suy giảm này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi hầu hết các thị trường lớn của ngành đã có dấu hiệu suy thoái. Chính vì thế, hoạt động xúc tiến thương mại trong tương lai của thủ công mỹ nghệ là rất quan trọng. Các doanh nghiệp không có điều kiện tiếp cận trực tiếp nên khả năng tìm hiểu đối tác xuất khẩu hết sức hạn chế, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc đưa ra chiến lược và điều này khiến cho các doanh nghiệp sản xuất hết sức bị động. Nếu thông qua hệ thống thương vụ, doanh nghiệp có dịp giới thiệu trực tiếp với khách hàng tiềm năng, sẽ là cơ hội hợp tác tốt hơn, phòng ngừa những rủi ro trong giao dịch thương mại. Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương: Mong chính sách hỗ trợ về tín dụng Doanh nghiệp gỗ đang chịu ảnh hưởng của thị trường thế giới. Các quốc gia thắt chặt chính sách tín dụng, lạm phát có xu hướng tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh và chưa có tín hiệu khả quan cho giai đoạn cuối năm 2022. Các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, châu Âu có tỷ lệ đơn hàng xuất khẩu giảm. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu sản xuất và sản phẩm, chi phí vật tư sản xuất, vận chuyển cũng đồng loạt tăng mạnh dẫn đến tình trạng nhiều nhà máy phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động... Trước tình hình khó khăn trên, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ giảm lãi suất ngân hàng, ân hạn, giãn nợ, không giảm "room" tín dụng và cho doanh nghiệp vay hàng tồn kho; có giải pháp bình ổn giá nguyên vật liệu, vận chuyển… Ông Đinh Công Khương, Chủ tịch HĐTV Công ty Thép Khương Mai, Chủ tịch Câu lạc bộ doanh nghiệp Thép TPHCM: DN thép thiếu đơn hàng xuất khẩu, khó khăn ở thị trường nội địa Chưa bao giờ ngành thép gặp khó khăn đa chiều như hiện nay. Có đến 70% nguồn nguyên liệu sản xuất của các doanh nghiệp thép trong nước là nhập khẩu. Do vậy, với việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá đồng USD tăng 5% thì giá thép trong nước sẽ phải cộng thêm 3,5%-5%. Không dừng lại ở đó, doanh nghiệp ngành thép đang phải đối mặt khó khăn lớn hơn là giảm thị phần tiêu thụ khoảng 46% do thị trường bất động sản “đóng băng”. Những yếu tố này đã tác động đáng kể đến sức tiêu thụ sản phẩm thép trên thị trường và đẩy doanh nghiệp ngành thép đứng trước nguy cơ tái lập tình trạng lợi nhuận âm như đã diễn ra năm 2021. Doanh nghiệp thép đang đối mặt với khó khăn về đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh, nhu cầu thép trong nước cũng đang ở mức thấp. DN đang có lượng tồn kho cao và đối diện với mức lỗ lớn. T.Dịu - N.Hiền(ghi) |
Công ty TNHH Việt Nam Samho (100% vốn Hàn Quốc, chuyên gia công các loại giày thể thao xuất khẩu ở huyện Củ Chi, TPHCM) cho biết dự kiến cắt giảm gần 1.500 lao động do thiếu đơn hàng. Đại diện Công ty TNHH Việt Nam Samho cho biết, hiện doanh nghiệp đang gia công giày xuất khẩu cho hai nhãn hàng giày thể thao lớn. Nhưng đầu tháng 10, có một nhãn hàng không tiếp tục ký hợp đồng nữa, nên có khoảng gần 3.000 lao động sẽ bị ảnh hưởng việc làm. Một số lao động được sắp xếp sang các xưởng khác, phần còn lại phải ngồi chờ.
Đối mặt nguy cơ mất việc cũng là tình trạng của khoảng 100 công nhân Công ty TNHH Tashuan, sản xuất nhựa tổng hợp, đóng ở Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân). Do hết đơn hàng và tài chính khó khăn, từ ngày 24/10 doanh nghiệp bố trí cho công nhân nghỉ luân phiên, chỉ làm việc một số ngày trong tuần. Công ty cũng thông báo từ 5/11, nhà máy đóng cửa hai xưởng cho tới khi có đơn hàng.
Ông Trần Thanh Sơn, Trưởng phòng Tổ chức nhân sự Công ty TNHH May mặc Song Ngọc (quận Bình Tân) cho biết, lượng đơn đặt hàng công ty nhận được ở thời điểm hiện tại đã giảm khoảng 30% so với trung bình các năm trước. Ngoài việc giảm lượng đơn hàng, công ty còn phải đối mặt với khó khăn lớn hơn là việc các khách hàng hiện nay đều đặt hàng với số lượng nhỏ lẻ và thời gian ngắn theo kiểu “giữ mối”. Nhiều đơn hàng đặt với số lượng rất thấp, chỉ dưới 1.000 sản phẩm, thời gian đặt hàng cũng theo từng tháng thay vì đặt trước 6 tháng như trước đây. Điều này khiến cho doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc lên kế hoạch sản xuất, nhập hàng, mua nguyên phụ liệu, may mẫu…
Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu chế xuất – Khu công nghiệp (KCX-KCN) TPHCM, hiện nay trong tổng số 17 KCX-KCN của thành phố có 51 doanh nghiệp báo cáo giảm đơn hàng với gần 6.000 công nhân, lao động bị ảnh hưởng. Việc doanh nghiệp giảm đơn hàng là do tác động bởi cuộc chiến tranh giữa Nga với Ukraine, tình hình an ninh chính trị nhiều nơi trên thế giới bất ổn; giá nguyên liệu, nhiên liệu, khí đốt tăng cao, trong khi mùa đông ở châu Âu đang bắt đầu. Từ những nguyên nhân trên đã ảnh hưởng đến cuộc sống người dân các nước Mỹ, châu Âu, buộc họ phải cắt giảm chi tiêu, mua sắm vào dịp cuối năm…
Tại địa bàn Đồng Nai, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty Gỗ Việt Âu Mỹ cho biết tình hình hoạt động của công ty đang rất khó khăn do lượng đơn hàng hiện đã giảm 50-60%, trong đó giảm mạnh nhất là thị trường Mỹ và châu Âu. Theo đó, hiện công ty chỉ hoạt động cầm chừng ở dưới công suất thiết kế. “Tình trạng tồn kho của các nhà bán hàng tại Mỹ và châu Âu hiện rất nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp đã đề nghị giảm giá để xả hàng tồn kho. Vì vậy, mỗi tháng công ty chỉ sản xuất khoảng 7-8 container để duy trì công việc ổn định cho công nhân, giảm khoảng phân nửa so với mức sản xuất 15-16 container mỗi tháng trước đây”, ông Tuấn chia sẻ.
Thậm chí do khó khăn về đơn hàng nên Công ty TNHH gỗ Lee Fu ở Khu công nghiệp Tam Phước (Đồng Nai) dự kiến cho hơn 650 lao động nghỉ tết Quý Mão 2023 khoảng một tháng, từ ngày 2 đến 28/1/2023, tức kéo dài từ 12 tháng Chạp đến hết mùng 7 tháng Giêng. Ông Kiều Văn Đồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty gỗ Lee Fu, cho biết, nhà máy đang sản xuất cầm chừng. Công nhân phải nghỉ vào thứ Bảy, đời sống rất khó khăn và mong cơ quan chức năng sớm có phương án hỗ trợ. Tương tự, Công ty TNHH sản xuất đồ mộc Chien ở Khu công nghiệp Tam Phước cũng có kế hoạch cho công nhân nghỉ Tết một tháng.
Đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, trong số 800.000 lao động tại các doanh nghiệp có công đoàn cơ sở, có tới 240.000 lao động phải nghỉ việc ngày thứ Bảy hoặc làm cách nhật, chiếm khoảng 30% tổng số lao động, xảy ra nhiều nhất tại các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và giày, may mặc... do thiếu đơn hàng.
Tìm cách vượt khó
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu trong nửa đầu tháng 10/2022 đạt 14,1 tỷ USD, giảm 10% so với nửa cuối tháng 9/2022. Kết quả này cho thấy sự giảm tốc của xuất khẩu vào thời điểm cuối năm khi áp lực lạm phát ngày càng lớn ở hầu hết các thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Thông thường, những tháng cuối năm là mùa mua sắm lớn nhất tại Mỹ và các nước châu Âu để chuẩn bị đón một loạt các dịp lễ quan trọng như Noel, năm mới. Tuy nhiên năm nay, do ảnh hưởng của lạm phát và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang duy trì lãi suất ở mức cao để chống lạm phát, thói quen tiêu dùng của người dân đã bị tác động rất lớn. Theo đó, thực phẩm và đồ thiết yếu là những ưu tiên hàng đầu trong danh sách mua sắm của người tiêu dùng, trong khi đó, một loạt mặt hàng đồ gỗ nội thất, may mặc, giày dép… trở nên khó tiêu thụ.
Trong tuần trước, truyền thông quốc tế đã đưa tin về việc Made.com - nhà bán lẻ đồ nội thất trực tuyến đến từ Anh, đã ngừng nhận đơn đặt hàng mới sau khi các cuộc đàm phán tìm người mua lại không thành công, đẩy công ty này đến bờ vực sụp đổ. Tương tự, nhiều nhà bán lẻ khác tại Mỹ và châu Âu cũng đang phải đối mặt với khó khăn lớn từ hàng tồn kho và sức mua yếu.
Trước những khó khăn trên, để đảm bảo có việc làm ổn định cho công nhân, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty Gỗ Việt Âu Mỹ cho biết, do công ty có hoạt động cả trong mảng mua bán gỗ nguyên liệu, nên trong kho luôn có sẵn nguyên liệu để sản xuất. Do đó, một số mặt hàng khách hàng chưa ký đặt hàng, nhưng công ty nhận định có tiềm năng tiêu thụ nên đã đưa vào sản xuất trước với công suất cầm chừng. Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng đang nỗ lực chuyển hướng từ việc gia công sang sản xuất ở các công đoạn có giá trị cao hơn như thiết kế để từng bước chủ động hơn trong chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, quá trình này sẽ cần nhiều thời gian và vốn đầu tư. Trong khi đó, tình hình vốn của doanh nghiệp hiện rất khó khăn do các ngân hàng không giải ngân lại sau khi doanh nghiệp đã thực hiện đáo hạn. Do đó, ông Tuấn đề nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất chỉ là giải pháp trước mắt, để ổn định sản xuất, xuất khẩu các doanh nghiệp cần tìm kiếm thêm thị trường mới, thị trường chưa được khai thác nhiều như châu Phi, khu vực Trung Đông... để bù đắp phần nào đơn hàng. Đồng thời, khai thác triệt để thị trường vừa được ưu đãi về thuế suất như châu Âu hoặc tăng mạnh khai thác ở các thị trường lân cận, còn ổn định như khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc...