Nguồn: SSI Research |
Giá trị bán ròng của khối ngoại ở mức thấp
Khác với sự tích cực của dòng tiền nội, từ đầu năm tới nay, khối ngoại liên tục bán ròng trên thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước. Thống kê từ đầu năm, sau quý đầu mua ròng (khoảng 7.000 tỷ đồng), khối ngoại đã chuyển sang bán ròng kể từ đầu quý II tới nay. Thống kê cho thấy, tính từ đầu năm đến ngày 8/12/2023, khối ngoại đã bán ròng với giá trị tương đối lớn khoảng 17.000 tỷ đồng. Việc dòng vốn ngoại bán ròng cũng là xu thế chung của nhiều TTCK cận biên, mới nổi bởi xu thế tăng lãi suất rất mạnh tại các thị trường phát triển.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên TBTCVN, bà Hoàng Việt Phương – Giám đốc Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng, tính trong 11 tháng năm 2023, giá trị bán ròng của khối ngoại trên thị trường Việt Nam ở mức thấp so với các thị trường khác. Cụ thể, trong khu vực Đông Nam Á, thì xu hướng rút ròng nổi bật ở thị trường Thái Lan lên tới 5,4 tỷ USD so với mức rút ròng tại Việt Nam (-554 triệu USD), Indonesia (-877 triệu USD), Philippin (-855 triệu USD). Dòng tiền đầu tư toàn cầu năm 2023 vào mạnh các thị trường lớn như Mỹ và Nhật Bản và rút mạnh ở thị trường Trung Quốc.
“Một xu hướng rõ ràng của giao dịch khối ngoại, không chỉ ở Việt Nam mà các quốc gia đang phát triển nói chung kể từ giữa năm 2023 là việc bị rút ròng, khi dòng tiền quay ngược trở lại thị trường Mỹ (bao gồm cả cổ phiếu, trái phiếu hay quỹ tiền tệ)” – bà Phương chia sẻ.
Với giá trị bán ròng gần 13 nghìn tỷ đồng, chi tiết thì khối ngoại bán ròng chỉ tập trung cục bộ ở 3 mã EIB (-5 nghìn tỷ đồng), VPB (-3 nghìn tỷ đồng) và MWG (-3,2 nghìn tỷ đồng). Trong khi đó ngược lại, khối ngoại mua ròng mạnh gần 900 tỷ đồng ở nhóm tài nguyên cơ bản trong tháng 11 và lũy kế mua ròng hơn 6 nghìn tỷ đồng ở nhóm này từ đầu năm. Khối ngoại cũng tiếp tục mua ròng ở các các nhóm khác như hóa chất, vật liệu xây dựng và dầu khí, trong 2 tháng gần đây.
Lý giải về nguyên nhân khối ngoại bán ròng, bà Hoàng Việt Phương cho rằng, tại thị trường Việt Nam, khối ngoại bán ròng mạnh đến từ sự đảo chiều rút ròng từ các quỹ ETF và xu hướng rút ròng chung của các quỹ đầu tư đa quốc gia rút khỏi các thị trường mới nổi, trong khi nhóm quỹ chủ động ở Việt Nam gần như chỉ rút ròng nhẹ trong 4 tháng qua.
“Nguyên nhân đến từ chênh lệch lãi suất thực của Mỹ và các quốc gia còn lại, bên cạnh chính sách tiền tệ của Việt Nam phân kỳ với chính sách tiền tệ của Mỹ và một phần đến từ hoạt động chốt lời sau giai đoạn mua ròng mạnh ở 3 tháng 11/2022, 12/2022 và tháng 1/2023, với tổng giá trị lên đến 32,5 nghìn tỷ đồng. Có thể thấy khối ngoại bán ròng từ đầu năm đến nay tập trung ở một số mã cổ phiếu nhất định và cũng phản ánh phần nào hoạt động tái cơ cấu danh mục” – chuyên gia của SSI Research nói.
Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Vĩ mô và chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, cũng cho rằng: “Khối ngoại bán ròng liên tiếp thời gian qua có thể bắt nguồn từ động thái chốt lời cuối năm và sự dịch chuyển dòng vốn toàn cầu”.
Việt Nam sẽ hưởng lợi khi giảm mạnh hơn
Thống kê từ đầu quý II/2023 đến nay, tỷ trọng giao dịch của khối ngoại duy trì ổn định quanh ngưỡng 8% và có thể thấy sự tác động không lớn đến thị trường về mặt điểm số mà chỉ có tác động tâm lý đến các nhà đầu tư cá nhân trong nước khiến thị trường diễn biến thận trọng kéo dài.
Ở một góc nhìn khác, bà Hoàng Việt Phương còn cho hay, hoạt động tái cơ cấu danh mục của khối ngoại có thể tạo dư địa cho kỳ vọng về trung hạn dòng tiền đầu tư vào thị trường Việt Nam khi được hưởng lợi trở lại từ xu hướng chuyển dịch sang thị trường đang phát triển trong bối cảnh xu hướng cắt giảm lãi suất rõ ràng và mạnh mẽ hơn.
Đối với kỳ vọng trong thời gian tới, chuyên gia của SSI Research cho rằng, hiện tại tỷ trọng phân bổ tài sản vào các quỹ cổ phiếu đang ở mức tương đương với trung bình 5 năm (khoảng 55%), cho thấy dòng tiền vào cổ phiếu vẫn có khả năng bứt phá, đặc biệt từ việc tái cơ cấu từ các quỹ tiền tệ (vào ròng lên tới 1,3 nghìn tỷ USD trong năm 2023), nếu xu hướng cắt giảm lãi suất từ các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ rõ ràng và mạnh mẽ hơn. Khi đó, thị trường mới nổi (và cả Việt Nam) chắc chắn sẽ được hưởng lợi phần nào.
Điểm sáng của TTCK Việt Nam sẽ đến từ môi trường vĩ mô ổn định (tỷ giá và lạm phát được kiểm soát), chính sách tiền tệ thuận lợi (mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp trong lịch sử), tiêu dùng trong nước vẫn còn tiềm năng lớn để phát triển khi cơ cấu dân số vẫn trong giai đoạn vàng và dòng vốn FDI tích cực nhờ xu hướng chuyển dịch và lợi thế từ câu chuyện Trung Quốc +1.
Ông Đinh Quang Hinh còn cho hay, trong bối cảnh khối ngoại liên tục bán ròng mạnh thời gian gần đây thì điểm sáng là sự cải thiện của dòng tiền nội trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước hoàn thành việc bơm trả toàn bộ lượng tiền rút ròng khỏi hệ thống (đáo hạn hết lượng tín phiếu đã phát hành trước đó). “Với ưu tiên của Chính phủ hiện nay là tập trung cho “tăng trưởng kinh tế” thì thị trường tài chính nói chung và TTCK nói riêng sẽ tiếp tục được hưởng lợi” – ông Hinh nhấn mạnh.
Tạo dư địa trung hạn cho kỳ vọng dòng tiền ngoại vào tốt hơn "Hoạt động tái cơ cấu danh mục của khối ngoại có thể tạo dư địa cho kỳ vọng về trung hạn khi dòng tiền đầu tư vào thị trường Việt Nam khi được hưởng lợi trở lại từ xu hướng chuyển dịch sang thị trường đang phát triển trong bối cảnh xu hướng cắt giảm lãi suất rõ ràng và mạnh mẽ hơn" - bà Hoàng Việt Phương - Giám đốc Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư SSI Research. |