(CMO) Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp tại các tỉnh, thành phố trong nước, nhằm nâng cao mức phòng, chống dịch, Bệnh viện Ða khoa Cà Mau đã đưa vào sử dụng máy quét vân tay để quản lý người nuôi bệnh tại các khoa lâm sàng.
Máy quét vân tay quản lý người nuôi bệnh được Bệnh viện Ða khoa Cà Mau chính thức đưa vào sử dụng từ ngày 24/5, với 5 máy được lắp đặt tại cổng ra vào bệnh viện, Khoa Khám bệnh, Khoa Cấp cứu… Theo quy định tại bệnh viện, mỗi bệnh nhân chỉ được 1 người nuôi, người này được cấp mã số thông tin hồ sơ bệnh án của người bệnh và đăng ký dấu vân tay tại máy quét vân tay. Những người không đủ 2 điều kiện trên sẽ không được ra vào bệnh viện để nuôi bệnh. Trong ngày chỉ được đổi người nuôi 1 lần và phải khai báo y tế, được khoa bệnh cấp mã số để quét lấy dấu vân tay. Riêng đối với trường hợp bệnh nhân đến khám bệnh ngoại trú sẽ được khai báo y tế, rửa tay sát khuẩn trước khi vào cổng.
Nhân viên IT hướng dẫn người nuôi bệnh nhập mã số và lấy dấu vân tay trước khi vào bệnh viện.
Nuôi người thân đang điều trị bệnh tại Bệnh viện Ða khoa Cà Mau, bà Nguyễn Thị Nguyền (xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời) cho biết: “Ban đầu có nhân viên bệnh viện hướng dẫn tôi nhập mã số, rồi lấy dấu vân tay, lần sau vào chỉ cần nhấn tay vào máy là sẽ được vào cổng, vào phòng nuôi bệnh. Ngoài hạn chế được nguy cơ lây lan khi có dịch bệnh, máy quét vân tay còn quản lý được những kẻ xấu vào bệnh viện, nếu có. Tôi rất yên tâm”.
Trước đây, việc quản lý hoạt động nuôi bệnh tại Bệnh viện Ða khoa Cà Mau được thực hiện bằng cách phát thẻ nuôi bệnh. Tuy nhiên, việc quản lý bằng thẻ còn nhiều lỗ hổng, như người nuôi bệnh đưa thẻ ra ngoài để đổi người nuôi và thăm bệnh. Bác sĩ CKI Ngô Thị Anh Ðào, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Ða khoa Cà Mau, cho biết: “Bệnh viện Ða khoa Cà Mau là tuyến cuối tiếp nhận bệnh nhân có nhiều bệnh nền. Do đó, nếu để xảy ra sơ suất thì sẽ rất nguy hiểm. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, việc quản lý người nuôi bệnh bằng dấu vân tay sẽ hạn chế được số lượng người nuôi bệnh, giúp công tác phòng dịch được chặt chẽ và hiệu quả hơn. Riêng đối với những trường hợp bệnh đặc biệt, khoa bệnh sẽ tạo điều kiện cho 2-3 người nuôi, nhưng người nuôi vẫn phải khai báo y tế và lấy dấu vân tay”.
Ngoài quản lý người nuôi bệnh bằng lấy dấu vân tay, Bệnh viện Ða khoa Cà Mau đã nâng mức phòng dịch lên cao nhất với nhiều giải pháp đồng bộ, như siết chặt công tác phân luồng, khai báo y tế tại cổng ra vào. Tại Khoa Khám bệnh, các khu tiếp nhận, bắt số phân luồng thật tốt, những ca có triệu chứng ho, sốt, đau họng hoặc đi về từ vùng dịch thì chuyển vào phòng cách ly để bác sĩ chuyên khoa khám sàng lọc. Tại Khoa Cấp cứu, bệnh nhân, người nuôi bệnh và tất cả những người đi cùng phải làm thủ tục khai báo y tế. Tại khu vưc hành chính, nhân viên quét mã QR Code ngày 2 lần ra/vào bệnh viên, các giấy tờ phải được sát khuẩn qua tia cực tím hoặc sát khuẩn phù hợp tuỳ loại giấy tờ. Tại khu vực thu viện phí, tiền phải được sát khuẩn qua máy soi tia cực tím đúng quy định. Bên cạnh đó, đội phản ứng nhanh của bệnh viện trực 24/7. Khu vực căn tin, bếp ăn từ thiện đảm bảo khoảng cách khi cấp phát thức ăn…
“Việc nâng mức phòng dịch lên cao nhất nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh và đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế. Bệnh viện Ða khoa Cà Mau khuyến khích gia đình bệnh nhân sắp xếp khoảng 2-3 ngày mới đổi người nuôi. Hiện nay, số lượng bệnh nhân điều trị nội trú khoảng 800 bệnh nhân. Bệnh nhân điều trị ngoại trú giảm trong những tuần này khoảng hơn 500 bệnh. Ngoài ra, bệnh viện đã xin chủ trương cấp thuốc bảo hiểm y tế cho bệnh nhân điều trị ngoại trú trong 1 tháng để hạn chế tối đa người ra/vào bệnh viện, trừ những trường hợp cấp thiết nhất”, Bác sĩ Ngô Thị Anh Ðào cho biết thêm./.