Ngày 12/6,óThủtướngKhôngđểtănggiábấthợplýkhitănglươdanh sách cầu thủ ac milan Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá nhằm đánh giá tình hình giá cả, thị trường từ đầu năm đến nay và dự báo tình hình từ nay đến cuối năm, trên cơ sở đó có giải pháp kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra.
Phải kiểm soát lạm phát trong giới hạn 4,5%
Phó Thủ tướng cho biết, thời gian qua, lạm phát được kiểm soát tốt nằm trong giới hạn Quốc hội cho phép (4,5%), phục vụ cho ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo cung cầu hàng hóa, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu.
Nhấn mạnh nếu không có gì biến động lạm phát sẽ được kiểm soát tốt, ông Lê Minh Khái thông tin, Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, đề nghị kiểm soát lạm phát ở mức thấp, dưới 4%, tăng trưởng ở mức cao, cố gắng đạt 6,5% GDP.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý, còn hơn 6 tháng là kết thúc năm 2024, áp lực lạm phát vẫn thường trực, đặc biệt là việc đứt gãy chuỗi cung ứng vận tải biển làm chi phí vận tải tăng lên, một số mặt hàng dịch vụ theo yêu cầu cơ cấu giá thành đòi hỏi phải tăng giá…
Vì vậy, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành theo dõi sát diễn biến giá cả hàng hóa thị trường thế giới và trong nước, để đề ra những giải pháp và kịch bản phù hợp, kịp thời, tinh thần phải kiểm soát được trong mức giới hạn Quốc hội cho phép là 4,5%.
Các bộ, ngành, địa phương trong lĩnh vực của mình điều phối cho tốt, không để tăng giá, đáp ứng được yêu cầu hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu, có tác động lớn đến chỉ số CPI.
Cùng với đó, việc điều chỉnh giá dịch vụ công theo thẩm quyền cho phù hợp; trong đó ba ngành Y tế, giáo dục và điện lực có báo cáo đề xuất lộ trình để Ban Chỉ đạo tham mưu Thủ tướng Chính phủ.
Ông cũng đề nghị các đơn vị thực hiện nghiêm kịch bản điều hành giá, đề xuất tăng giá hàng hóa, dịch vụ phải nêu rõ thời điểm, lộ trình và mức độ, báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, các chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa phải đảm bảo, thực hiện nghiêm để hỗ trợ tốt cho công tác kiểm soát lạm phát.
Đặc biệt, trong bối cảnh tâm lý kỳ vọng rất lớn khi tăng lương vào thời điểm 1/7 tới, Phó Thủ tướng đề nghị làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra quá trình niêm yết thực hiện các chính sách, quy định về giá, trong đó kiểm tra yếu tố hình thành giá.
"Không để tăng lương dẫn đến tăng giá bất hợp lý, thành thói quen, làm mất đi ý nghĩa của việc tăng lương. Phải kiểm tra, kiểm soát, giám sát, đặc biệt là đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, niêm yết giá tại các chợ truyền thống…", Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Ông yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chú trọng công tác truyền thông, tạo sự đồng thuận trong xã hội, để người dân hiểu, chia sẻ và nhận thức cho đúng, không hoang mang dao động.
Chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 10% làm CPI tăng 0,33 điểm phần trăm
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận dự báo một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá trong những tháng còn lại của năm 2024.
Trong đó, giá dịch vụ giáo dục, học phí năm học 2023-2024 và các năm tiếp theo của cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên được tiếp tục giữ ổn định như mức thu năm học 2021-2022 do đó trong năm 2024 cơ bản không tác động tới CPI chung.
Với khối giáo dục đại học công lập và giáo dục nghề nghiệp, từ tháng 9/2024, học phí năm học 2024-2025 áp dụng theo mức trần tại Nghị định số 97/2023 (so với năm học trước, mức trần học phí khối giáo dục đại học tăng bình quân 14%, khối giáo dục nghề nghiệp tăng bình quân 6%).
Theo ông Cận, mặc dù mức trần học phí điều chỉnh tăng, nhưng mức tác động đến CPI thực tế phụ thuộc vào mức học phí cụ thể do các cơ sở giáo dục quyết định.
Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết, việc điều chỉnh giá điện theo kiến nghị từ đầu năm của Bộ Công Thương để bảo đảm phản ánh biến động của các chi phí đầu vào của giá điện; đồng thời hiện tượng thời tiết cực đoan và dự báo nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và tiêu dùng tăng mạnh trong thời gian tới cũng sẽ gây áp lực lên lạm phát.
"Khi chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 10% sẽ tác động làm CPI tăng 0,33 điểm phần trăm", ông phân tích.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng thông tin thêm, giá vé máy bay trong nước của các hãng hàng không trong thời gian tới dự báo có thể tăng hơn so với thời điểm trước theo xu hướng chung của giá vé máy bay thế giới.
Việc này do tình trạng thiếu hụt tàu bay, chi phí nhiên liệu tàu bay tăng, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, áp lực do tăng tỷ giá đồng USD so với đồng nội tệ, xung đột vũ trang tại một số quốc gia và khu vực làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng sản phẩm, vật tư, thiết bị ngành hàng không, đồng thời có thể làm thay đổi kéo dài lịch trình, đường bay của các chuyến bay...
Bên cạnh đó, giá các nhóm mặt hàng nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu như năng lượng, vật liệu xây dựng… dự báo có biến động, gây áp lực lên lạm phát.
"Thực hiện cải cách tiền lương của khu vực công theo tinh thần Nghị quyết số 27 Trung ương khóa 12 và tăng lương tối thiểu cho khu vực doanh nghiệp từ 1/7/2024 có thể làm gia tăng kỳ vọng lạm phát kéo theo giá các hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng lên", ông Cận phân tích thêm.
Yếu tố giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá được Thứ trưởng Bộ Tài chính điểm ra là lạm phát toàn cầu có thể hạ nhiệt trong năm 2024, có thể giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh “nhập khẩu lạm phát”. Điều này cũng giúp cải thiện yếu tố tâm lý, kỳ vọng, hỗ trợ công tác kiểm soát lạm phát năm 2024.
Bên cạnh đó, một số chính sách hỗ trợ về thuế trong năm 2024 vẫn tiếp tục được áp dụng tương tự như năm 2023 như giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, dự kiến giảm thuế VAT đối với một số hàng hóa, dịch vụ góp phần giảm chi phí hình thành giá xăng dầu và các hàng hóa dịch vụ.