Để tìm hiểu rõ hơn, Phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp, Tổ trưởng Tổ thường trực chỉ đạo điều tra doanh nghiệp Trung ương xung quanh cuộc điều tra.
Hàng năm, công tác điều tra doanh nghiệp luôn được ngành Thống kê coi trọng. Năm nay, ngành tổ chức triển khai công tác này như thế nào, thưa ông?
Doanh nghiệp là một bộ phận quan trọng, đóng góp chủ yếu vào sự phát triển kinh tế của cả nước cũng như của từng địa phương. Hiện khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 60% GDP của nền kinh tế, tạo ra khoảng 10 triệu việc làm. Vì vậy, việc thu thập đầy đủ, kịp thời thông tin của khu vực doanh nghiệp có tầm quan trọng đặc biệt.
Thực hiện chương trình điều tra thống kê quốc gia ban hành theo Quyết định số 803/QĐ-TTg ngày 28-6-2012 của Thủ tướng Chính phủ, hàng năm, Tổng cục Thống kê tiến hành cuộc điều tra doanh nghiệp với nhiều nội dung phức tạp và được tổ chức triển khai trên phạm vi toàn quốc, gồm toàn bộ các loại hình doanh nghiệp hoạt động trong tất cả các ngành kinh tế Việt Nam.
Nội dung điều tra doanh nghiệp năm 2015 gồm thông tin về nhận dạng đơn vị điều tra, về lao động và thu nhập của người lao động, sản xuất kinh doanh, về các cơ sở trực thuộc doanh nghiệp, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong sản xuất. Cuộc điều tra doanh nghiệp hàng năm được thực hiện theo phương pháp điều tra toàn bộ kết hợp với điều tra chọn mẫu. Theo phương án điều tra, thời điểm điều tra bắt đầu từ ngày 1-3-2015 và kết quả được công bố vào tháng 12-2015.
Thời gian vừa qua, có ý kiến hoài nghi về tính xác thực khi Tổng cục Thống kê tính chỉ tiêu GDP? Vậy theo ông, cuộc điều tra này có góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu thống kê trong thời gian tới không?
Điều tra doanh nghiệp hàng năm là một trong những nguồn thông tin cơ bản dùng để tính GDP cả nước cũng như GDP các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Xác định được vai trò quan trọng của điều tra doanh nghiệp hàng năm, Tổng cục Thống kê luôn quan tâm, chỉ đạo triển khai nghiêm túc tất cả các công việc liên quan tới cuộc điều tra như: chuẩn bị kỹ tài liệu điều tra, tuyển chọn điều tra viên có chất lượng chuyên môn, tổ chức tập huấn kỹ nghiệp vụ điều tra, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phúc tra và nghiệm thu kết quả điều tra. Công nghệ thông tin được áp dụng trong quá trình xử lý số liệu nên đảm bảo tính thống nhất với độ tin cậy cao, vì vậy chất lượng tính toán các chỉ tiêu thống kê có nguồn thông tin đầu vào từ điều tra doanh nghiệp ngày càng nâng cao.
Những số liệu thu thập được từ cuộc điều tra sẽ có hiệu quả như thế nào trong công tác quản lý điều hành của Chính phủ, thưa ông ?
Từ số liệu điều tra doanh nghiệp, Tổng cục Thống kê biên soạn các chỉ tiêu phản ánh kết quả sản xuất, năng xuất, chất lượng và hiệu quả của khu vực doanh nghiệp. Đặc biệt Tổng cục Thống kê tập trung biên soạn một số chuyên đề phân tích sâu về thực trạng của khu vực doanh nghiệp làm tài liệu cung cấp cho Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu đề ra các giải pháp nhằm phát triển khu vực doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, thông tin về doanh nghiệp cũng được phổ biến rộng rãi trên trang thông tin điện tử (Website) của Tổng cục Thống kê phục vụ cho mục đích nghiên cứu của các nhà khoa học và nhu cầu tìm hiểu thông tin của đông đảo người dùng tin trong nước và quốc tế.
Xin cám ơn ông!