Sinh hoạt ngoại khoá của HS Trường Lý Tự Trọng (Huế)
Đầu tư “sâu”
Cách nay không lâu,Đừngénhận định góc hôm nay chị T. là một thợ cắt tóc trên đường Phan Bội Châu “than thở”: “Em vừa bốc hụi để mua cho cháu cái lap - top”. Chị nhấn mạnh chữ “lap - top” một cách hãnh diện. Thế nhưng chỉ mấy tháng sau, chị lại ỉ ôi chuyện phải trả nợ hơn 1 năm mà cái máy tính giờ chỉ là công cụ chơi game của con.
Hiện nay, rất nhiều bà mẹ, nhất là những bà mẹ trẻ ở thành phố, những trung tâm huyện lỵ, thị xã… khi con vào lớp 1, đã lên kế hoạch cho con vào Trường trung học cơ sở (THCS) Nguyễn Tri Phương (NTP). Các cháu được áp vào một thời khoá biểu để không có một điểm 9 nào và hàng loạt các cuộc thi phải tham gia để có điểm cộng… Nhiều cháu thành công và cũng có nhiều cháu thất bại. Những bà mẹ, ông bố chỉ cảm thấy tiếc “cơ hội vào môi trường học tốt nhất”, ít ai nghĩ tới những mất mát mà mình đã gây ra khi con phải “dùi mài kinh sử” thay vì cần được vừa học, vừa chơi như tuổi của các em.
Chúng tôi vừa tham khảo một cuộc tranh luận của học sinh NTP. Hãy nghe các cháu tâm sự: “Lúc ba mẹ nó ngủ say thì là lúc đèn bàn học tụi nhóc ấy vẫn đỏ…. ”, (Chí T. Phan/cựu HS NTP); “Mình hồi lớp 5, để vào được NTP phải đi học thêm rất nhiều chỗ. Bạn nghĩ lịch học của 1 đứa lớp 5 mà kín mít từ chiều đến tối không? Đúng, cấp 1 là tuổi ăn tuổi chơi. Nhưng nhiều học sinh đã phải nỗ lực đi thi, kiếm giải thành phố, giải tỉnh, đi học thêm nhiều nơi, bỏ nhiều công sức để gặt được thành quả, đó là đậu vào NTP”, (Nguyễn Lê Hằng Giang/cựu HS NTP)”.
Bài học của một phụ huynh
Chị Cẩm Hương (Phú Lộc) nhớ lại chuyện “năm xưa”. Sau khi chia tay chồng, chị một mình nuôi 2 con nhỏ. Ba mẹ con sống kham khổ bằng đồng lương giáo viên nhưng chị quyết cho con đi học ở Huế, vì tin tưởng vào kết quả học tập của con ở bậc tiểu học đều đạt loại giỏi.
Ngay từ lớp 4, thứ bảy và chủ nhật nào, chị đều đưa con lên Huế học kèm, luyện thi vào NTP. Cô bé con đậu NTP, trong niềm vui sướng tự hào. Cháu cũng chính thức xa mẹ đi trọ học khi mới 11 tuổi, rồi vào được vào Quốc Học. Chi phí cho học hành, ăn ở của cháu ngốn hết cả lương lẫn số tiền chị dồn góp. Bi kịch là khi chị quyết định con phải thi vào trường y. Hàng tháng, ngoài tiền ăn uống và tiền phòng là 5 - 6 triệu đồng tiền học thêm. Thế nhưng cháu vẫn rớt đại học. Tin con bé rớt “bay” về Phú Lộc làm chị ngất xỉu, con bé hay tin này cũng trốn biệt luôn.
Ông ngoại mất cháu mới chạy về nhưng cũng không dám vào. May là, trước biến cố này chị mới chợt nhận ra mình đẩy con xa vòng tay gia đình quá sớm. Gọi con về, ôm con vào lòng mới thấy gần chục năm bắt con sống xa nhà là sai lầm. Chị đón con về, cho cháu ôn thi vào ngành theo ý muốn. Đứa thứ 2, chị chỉ nhắc, con phải gắng học theo khả năng, không được để sau này ân hận đã bỏ bê học hành. Suốt 3 năm ở bậc phổ thông trung học, thay vì khi nào cũng co ro tái xám vì chuyện học hành, đứa em lúc nào cũng tươi tắn, còn giúp mẹ việc nọ việc kia trong nhà.
Có lẽ, các bà mẹ trẻ nên hiểu để tránh con em mình phải đi qua một tuổi thơ “gian khổ” chỉ vì sự “mưu cầu tương lai” theo ước mơ của các bậc cha mẹ.
Bài, ảnh: Hương Giang