Những chùm nho lúc lỉu trên giàn nho ngoài ban công của chị Tới. |
Giàn nho trên ban công
Mở cửa cho con gái út ra ban công tầng 1,ànnhoPháptrĩuquảtrênbancôngchưađầlich bóng đá anh chị Lê Thị Tới (ngụ Quận Tân Bình, TP.HCM) để cho bé gái vít cành, hái những chùm nho chín rồi ăn ngon lành. Chị nói, đây là giống nho Eden Pháp chị trồng cách đây ít năm.
Sau vài tháng cắt cành, kích trái, hiện nay, giàn nho của chị đã phủ kín ban công rộng chưa đầy 5m vuông. Nho đang cho trái lúc lỉu, chín đỏ khiến ai đi ngang cũng phải ngước lên nhìn rồi trầm trồ thán phục.
Chị Tới cho biết, chị “mê” nho từ nhỏ. Thế nhưng mãi đến khi lập gia đình, trở thành mẹ của hai đứa con, chị mới có cơ hội trồng, chăm sóc loài cây yêu thích. “Tôi mê nho lắm nên cứ tham khảo rồi mua cây về trồng. Sau nhiều lần trồng qua các loại nho khác nhau, tôi nhận thấy nho Eden của Pháp là dễ trồng nhất”, chị nói.
Đây là giống nho Eden của Pháp. |
Do không có nhiều diện tích đất để trồng cây, chị Tới quyết định biến không gian ban công tầng một căn nhà thành giàn nho. Chị đục thủng lớp bê tông sân nhà vừa đúng bằng cái thùng 20 lít. Sau đó, chị đặt gốc nho giống vào hố đất vừa đào và chăm sóc.
Khi cây phát triển, vươn cao, chị Tới cho nho leo theo cột nhà lên ban công tầng 1. Tại đây, chị sử dụng sắt thép hàn thành giàn chắc chắn để nho leo lên. Miệt mài chăm sóc, chỉ sau một thời gian ngắn, cây nho của chị đã phủ kín ban công tầng 1 rộng chưa đầy 5m2.
Chị kể: “Tuy vậy, những lần đầu, do chưa có kinh nghiệm trồng nho, tôi mua trúng giống nho dại. Cây sinh trưởng tốt, leo giàn xanh um nhưng hầu như không có trái. Lâu lâu, cây mới cho một chùm trái be bé. Dù rất tiếc nhưng tôi quyết chặt bỏ để trồng giống nho khác”.
Phải mất nhiều năm và tích lũy nhiều kinh nghiệm, chị Tới mới trồng được giàn nho xanh um trên ban công của mình. |
Năm 2018, sau khi tìm hiểu, nắm được một số kinh nghiệm, kỹ thuật trồng nho, chị Tới mua giống nho Eden của Pháp về trồng. Chị nói, đây là giống nho rất dễ trồng, phù hợp với người mới chơi. Đặc biệt, cây không cần chăm sóc nhiều và ít sâu bệnh.
Với kinh nghiệm được tích lũy từ những lần thất bại trước, sau một thời gian ngắn, gốc nho của chị đã phủ kín giàn, cành lá xanh mướt mắt. Đến nay, cây cho trái theo nhu cầu của chị. Mỗi đợt trái, nho kết thành từng chùm dày đặc, treo lúc lỉu trên giàn.
Đến khi chín, nho chuyển từ màu xanh nhạt sang tím đỏ. Nhìn nhưng chùm nho đỏ thẫm, mọng nước lủng lẳng trên giàn xanh mát, ai cũng trầm trồ, thích mắt. Chị Tới chia sẻ: “Nho này trái rất ngọt và thơm. Khi thu hoạch phải để trái thật chín. Khi ấy, nho sẽ tươm mật và chuyển từ màu đỏ sang đen. Đây là lúc nho thơm và ngọt nhất”.
Giàn nho của chị rất sai trái. Khi chưa chín, trái nho có màu xanh nhạt. |
Hiện nay, giàn nho Eden của chị Tới cho bóng mát và trái quanh năm. Thậm chí, vườn nho mini này còn trở thành “đề tài văn học” cho cậu con trai lớn của chị Tới. Chị kể: “Hai con của tôi rất thích giàn nho. Mỗi ngày, hai bé đều ra ban công ngồi chơi, học bài dưới tán nho. Các bé cũng thích giúp mẹ tưới cây, thu hoạch trái”.
“Thậm chí, bé lớn nhà tôi đi học, mỗi khi cô giáo dạy văn ra đề tả cảnh, bé lại miêu tả giàn nho ở nhà. Các bé đặc biệt thích mùa nho chín. Mỗi mùa trái chín, các bé đều ra ban công hái nho ăn tự nhiên và cùng tôi cắt, thu hoạch nho trong sự thích thú”, chị Tới nói thêm.
Ra hoa, đậu quả theo ý muốn
Sau nhiều năm trồng, chăm sóc nho, đến nay, chị Tới tự tin cho biết có thể khiến giàn nho của mình cho trái tùy ý bằng kỹ thuật kích trái. Chị chia sẻ: “Chỉ cần chăm sóc tốt, khi nào muốn cây cho trái tôi chỉ cần thúc trái rồi cắt cành thôi”.
Hai con của chị Tới rất thích thú với giàn nho. Cả hai luôn giành quyền thu hoạch nho mỗi khi trái chín. |
“Nếu muốn để trái thật chín mới thu hoạch thì một năm cây cho 2 mùa trái. Nếu chỉ cần trái chín đỏ là thu hoạch để làm rượu thì cây cho 3 mùa trái/năm. Tôi thường thu hoạch trái vào tháng Tư và chăm cây để đến Tết lại có nho tươi ăn”, chị cho biết thêm.
Để có thể khiến nho cho trái tùy ý, chị Tới cho biết, người trồng cần nắm vững nhiều kỹ thuật như: cây giống, chậu trồng, đất trồng, nơi trồng… Ngoài ra, người chơi nho tại thành thị cũng phải nắm vững kỹ thuật chăm sóc cây khi cây chưa leo giàn và khi cây đã leo giàn thành công.
Chị nói: “Về giống cây, nếu mới chơi thì chúng ta nên trồng nho Eden vì loại này dễ trồng, không đòi hỏi chăm sóc nhiều. Đất trồng nho của tôi gồm: đất thịt, tro, trấu tươi, xơ dừa và vỏ đậu phộng. Tôi cũng trộn thêm ít phân gà Nhật Bản viên nén…”.
Nho sạch, không thuốc bảo vệ thực vật nên các thành viên trong gia đình chị Tới có thể ra giàn, hái trái ăn trực tiếp. |
Cũng theo chị, nho là loài cây cần nhiều nắng nên cần trồng chúng ở nơi có nắng nhiều. Khi cây chưa leo giàn, chị chỉ để duy nhất 1 chồi chính mạnh nhất. Việc này giúp cho cây tập trung dinh dưỡng cho chồi chính nhanh leo lên giàn.
Khi cây đã leo lên giàn, người trồng cần để ý đừng để các nhánh nằm chồng chéo lên nhau để tránh sâu bệnh phát triển. Đối với các giống nho khác, chị Tới khuyên người trồng nên phân cấp cho cây.
“Từ gốc lên đến giàn ta chỉ để 1 nhánh duy nhất gọi là cấp 0. Khi cấp 0 lên giàn, ta để nhánh cây phát triển 2m thì cắt khoảng 30-40cm. Khi cắt, ta chừa khoảng 2 nhánh 2 bên để làm cấp 1. Cứ như thế, ta phân cấp 2, 3… cho cây”, chị Tới chia sẻ.
Khi nho đạt độ chín sẽ có màu đen. Lúc này, nho rất ngọt và có mùi thơm phảng phất. |
Sau cùng, khi cây đến tuổi cho trái, người trồng nho trong chậu, trên ban công, sân thượng cần nắm vững kỹ thuật kích trái. Chị Tới hướng dẫn: “Để kích trái ta cần cắt cành nho. Trước khi cắt cành cần bón thúc trước đó 3 tuần. Tuần đầu tiên, tôi bón phân bò, 1kg bánh dầu. Tôi rải đều phân ra xa gốc nho sau đó phủ đất lên”.
“Tuần thứ hai, tôi bón phân gà Nhật Bản viên nén, 0,5 kg bánh dầu. Tuần kế tiếp, bón khoảng 2 muỗng cà phê phân NPK, phân gà Nhật Bản viên nén. Tuần thứ tư, tôi tiến hành cắt cành nho đã hóa gỗ, nhánh nhỏ, yếu, sâu bệnh, vặt hết lá trên cành”, chị nói thêm.
Chị Tới nói, hiện, chị có thể ép cho giàn nho của mình cho trái ngon như thế này theo ý muốn của mình. |
Sau khi cắt cành nho xong, chị Tới vẫn duy trì tưới nước ngày 2 lần. Theo kinh nghiệm của chị, sau từ 7-10 ngày, mầm ngủ sẽ bung lên và ít ngày tiếp đó, cây sẽ cho hoa. Khi cây ra hoa, mỗi tuần, chị chỉ bón phân gà Nhật Bản viên nén.
“Khi trái chuyển từ màu xanh nhạt qua xanh đậm và bắt đầu chuyển sang tím, tôi bón 1 hoặc 2 muỗng cà phê phân Kali. Lưu ý là chỉ bón phân một lần trong thời điểm này ”, chị Tới cho biết thêm.
Bài:Nguyễn Sơn
Ảnh nhân vật cung cấp
Vườn nho trĩu quả ở miền Tây thu hút người dân đến check-in
Vườn nho trĩu quả ở Đồng Tháp được chủ vườn mở cửa miễn phí, thu hút nhiều du khách đến chụp ảnh.