Hơn 12 năm triển khai thi hành Luật Phòng,ềukiếnvềphpluậtvềphngchốngthamnhũkqbd duc 2 chống tham nhũng 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2012), Thanh tra tỉnh có nhiều kiến nghị đến Trung ương sửa đổi, bổ sung để đạo luật này thêm hoàn thiện, là công cụ pháp lý hữu hiệu để đẩy lùi tham nhũng.
Cá nhân (phải) tham ô tiền chính sách (ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp) khai nhận với cán bộ Công an tỉnh. Ảnh: T.T
Thanh tra tỉnh cho biết, thời gian này, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ tham nhũng liên quan đến các lĩnh vực: công tác cán bộ, tín dụng, ngân hàng; quản lý đất đai và xây dựng cơ bản; quản lý tài sản công và hoạt động trong doanh nghiệp nhà nước; lĩnh vực thuế; hoạt động tư pháp; tài chính - ngân sách; bồi thường thiệt hại - giải phóng mặt bằng; chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về một số chế độ, định mức chi tiêu cho các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp chưa phù hợp; người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, nhất là công khai, minh mạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là lãnh đạo các cấp, các ngành chưa tiêu biểu, gương mẫu trong đạo đức, lối sống...
Về các kiến nghị, Thanh tra tỉnh nêu, thực tế khu vực tư (khu vực ngoài nhà nước) cũng có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của tập thể, cá nhân và các hành vi đó ngày càng phổ biến. Hành vi tham nhũng trong khu vực tư gây ra những hậu quả nghiêm trọng như khu vực công, dù ở các khía cạnh khác nhau. Do đó, việc quy định bổ sung hành vi tham nhũng ở khu vực tư sẽ bảo đảm hoạt động đấu tranh phòng, chống tham nhũng được toàn diện, triệt để hơn.
Theo đó, cần sửa điểm c khoản 3 Điều 1 của Luật Phòng, chống tham nhũng từ “Cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp của Nhà nước; cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp” thành “Cán bộ lãnh đạo, quản lý, điều hành trong doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, đơn vị kinh tế tập thể” để phù hợp với quy định về tham nhũng trong khu vực tư.
Bổ sung đối tượng kê khai tài sản, thu nhập là đảng viên đang công tác trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị (không bao gồm đảng viên là nông dân, người nghỉ hưu) theo tinh thần Nghị quyết số 04 ngày 21/8/2006 của Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Cùng với đó cần giảm đối tượng kê khai tài sản, thu nhập là cán bộ, công chức cấp xã.
Đơn vị này thông tin, cần thiết phải bổ sung quy định người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập trong trường hợp không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm một cách minh bạch, hợp lý thì xem xét kỷ luật về Đảng, chính quyền, đoàn thể; bổ sung cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức chủ động kiểm tra, xác minh bản kê khai tài sản, thu nhập đối với những người thuộc quyền quản lý.
Thanh tra tỉnh kiến nghị, từ phó chủ tịch UBND cấp huyện trở lên, ở Trung ương từ phó vụ trưởng trở lên bắt buộc việc chi trả qua tài khoản ngân hàng đối với tất cả các khoản chi từ ngân sách nhà nước. Phải quy định nghĩa vụ bắt buộc sử dụng phương thức thanh toán qua tài khoản ngân hàng đối với các khoản chi đầu tư và chi tiêu dùng có giá trị lớn của người có chức vụ, quyền hạn.
Các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản hoặc tạm giữ đối với tài sản nghi ngờ có liên quan đến tham nhũng phải chế định chặt chẽ và nghiên cứu xây dựng Luật Sung công tài sản. Xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về kê khai tài sản, thu nhập làm cơ sở cho việc quản lý và xác minh, xử lý các trường hợp kê khai không trung thực.
Có cơ chế về xây dựng cơ quan chuyên trách quản lý cơ sở dữ liệu, kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức đủ thẩm quyền xác minh, kết luận và thu hồi tài sản, thu nhập do tham nhũng mà có; hoàn thiện bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cho từng cấp Trung ương, tỉnh và huyện. Đồng thời, tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, thanh tra viên chuyên nghiệp trong phòng, chống tham nhũng có đạo đức, có bản lĩnh chính trị và chuyên môn cao.
Để hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Thanh tra tỉnh kiến nghị Trung ương cần xem xét chấp thuận cho cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng của ban nội chính tỉnh ủy được hưởng phụ cấp thâm niên ngành nhằm thực hiện tốt chính sách cán bộ và tạo nguồn cán bộ trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Ban Nội chính Trung ương đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong Nhân dân.
Ông Lưu Ngọc Đông, Chánh Thanh tra tỉnh: Thời gian tới, một số mặt hạn chế của công tác phòng, chống tham nhũng sẽ chậm được khắc phục; tình hình tội phạm tham nhũng sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là những lĩnh vực kinh tế trọng điểm, nhạy cảm. Mặt khác, do mặt trái của nền kinh tế thị trường và sự buông lỏng, thiếu kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng nên dễ dẫn đến suy thoái về tư tưởng, thờ ở của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong lĩnh vực phòng ngừa tham nhũng; có một bộ phận người dân ý thức không cao nên tiếp tay cho cán bộ, công chức, viên chức tiêu cực, tham nhũng. |
T.T tổng hợp