RCEP không tạo ra “cú sốc” về giảm thuế quan với Việt Nam | |
Số hóa doanh nghiệp để tận dụng cơ hội từ RCEP | |
Sửa đổi quy định về xuất khẩu hàng hóa từ kho ngoại quan để đảm bảo công tác giám sát | |
Infographics: Tổng quan xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với thành viên RCEP |
Quy tắc xuất xứ tại RCEP tương đối dễ hơn so với các FTA khác. Ảnh: H.Dịu |
Quy tắc xuất xứ dễ hơn
Việc thực thi Hiệp định RCEP có thể giúp tổng sản phẩm quốc dân (GDP) của Việt Nam tăng thêm 0,4% đến năm 2030 nếu xét lợi ích trực tiếp, có thể lên đến 1% nếu có tính đến lợi ích gián tiếp từ cải cách thể chế.
Theo Bộ Công Thương, RCEP mang đến các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, hơn nữa, RCEP còn tạo ra khuôn khổ để đơn giản hóa thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại. Nhờ đó, DN Việt Nam sẽ được tạo cơ hội mở rộng thị trường, đẩy mạnh XK, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.
Khác với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các DN đánh giá, quy tắc xuất xứ tại RCEP lại là một điểm tạo thuận lợi cho các DN trong xuất khẩu hàng hóa. Bởi theo quy tắc của RCEP, hàng hóa được coi là có xuất xứ nếu đáp ứng một trong ba trường hợp sau: Hàng hóa có xuất xứ thuần túy tại một nước thành viên; hàng hóa được sản xuất chỉ từ nguyên liệu có xuất xứ từ một hay nhiều nước thành viên; hàng hóa sử dụng nguyên liệu không có xuất xứ nhưng đáp ứng quy định tại Quy tắc cụ thể mặt hàng. Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, với lợi thế về việc hài hòa quy tắc xuất xứ trong Hiệp định RCEP, Việt Nam sẽ có cơ hội sử dụng nguyên liệu đầu vào tối ưu hơn để sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên RCEP.
Về phía DN, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho hay, RCEP sẽ mang tới nhiều cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam, nhất là quy tắc xuất xứ tương đối dễ dàng hơn so với nhiều FTA khác. Cụ thể, để vào thị trường Nhật Bản, nếu như trước đây, các DN dệt may phải chứng minh được nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ từ ASEAN hoặc Nhật Bản, nhưng phần lớn nguyên phụ liệu của ngành dệt may Việt Nam lại nhập khẩu từ Trung Quốc nên gây khó khăn. Nhưng với RCEP, hàng may mặc Việt Nam có nguyên phụ liệu từ Trung Quốc cũng được hưởng ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Thiết lập chuỗi cung ứng lâu dài
Tham gia RCEP, các DN vẫn phải vượt qua nhiều thách thức thì mới tận dụng được hiệu quả các cơ hội. Theo các chuyên gia, đối với vấn đề về xuất xứ hàng hóa, thách thức của DN Việt Nam là việc tận dụng chứng nhận xuất xứ (C/O) trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam chưa đem lại hiệu quả. Hơn nữa, các DN còn phải đối mặt với nguy cơ lợi dụng quy tắc xuất xứ từ Việt Nam, dẫn đến các DN chuyển hướng thị trường, gây cạnh tranh không lành mạnh cho các DN Việt Nam.
Ngoài ra, với “thói quen” phụ thuộc vào nguồn cung đến từ Trung Quốc, đại diện một DN ngành dệt may lo ngại, hàng nguyên liệu nhập từ Trung Quốc cũng sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan, tạo thành cạnh tranh lớn cho các DN sản xuất nguyên phụ liệu trong nước. Vì thế, điều này buộc các DN sản xuất nguyên phụ liệu phải đầu tư chiến lược dài hạn hơn, bài bản hơn để có giá thành hấp dẫn, chất lượng tốt, cũng như phải thiết lập chuỗi cung ứng lâu dài với các DN trong nước.
Nói về sự chuẩn bị của DN, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho rằng, với quy tắc xuất xứ nội khối của RCEP, hàng hóa xuất khẩu của chúng ta sẽ có thể đáp ứng điều kiện xuất xứ một cách dễ dàng, nhưng các DN phải chủ động tìm hiểu để biết cách tận dụng cơ hội cũng như điều chỉnh sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý phải đẩy mạnh tuyên truyền giúp DN hiểu về RCEP và cách thức để tận dụng các lợi ích từ RCEP, công tác xây dựng văn bản pháp luật để thực thi RCEP và tổ chức cấp hoặc tiếp nhận chứng nhận xuất xứ cho các lô hàng theo RCEP cần chú trọng đẩy nhanh.
Cũng về vấn đề này, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản Thuận Phước chia sẻ, các điều kiện thuận lợi trong RCEP tuy quan trọng nhưng không phải là điều kiện đủ để đẩy mạnh xuất khẩu. Vì thế, các DN mong muốn nhận được sự hỗ trợ, đồng hành từ cơ quan quản lý, nhất là đối với việc giải quyết nhanh chóng thủ tục hành chính, các điều kiện cấp giấy phép… Có thể thấy, các DN còn rất nhiều việc phải làm, không thể thấy “dễ dãi” mà chủ quan, nên vẫn phải thay đổi tư duy kinh doanh theo hướng liên kết thành chuỗi cung ứng để nâng cao hiệu quả, hướng tới phát triển lâu dài.