【lichthidaubongda anh】Tết của người nghèo
(CMO) Với đa phần mọi người, Tết là mùa của yêu thương, no ấm và yên vui. Nhưng cũng có những người rất “sợ” Tết, đó là những người nghèo.
Không sợ sao được, khi ở đâu đó trong xã hội này, có gia đình phải trăn trở từng lon gạo, bữa ăn. Có người vì bệnh tật triền miên mà thiếu thốn cả bữa ăn và thuốc uống. Biết bao thế hệ đã ám ảnh với cái nghèo, một loại giặc mà Bác Hồ đã chỉ ra sự nguy hại khôn lường. Và ở Việt Nam, Tết là chuyện “ăn Tết”, nghĩa là dịp để mọi người thoả mãn, đủ đầy những ước ao về vật chất, về một cuộc sống sung túc, tròn đầy. Bởi vậy, chăm lo Tết cho người nghèo, mang Tết về những miền quê xa là cách làm ý nghĩa nhất, nhân văn nhất để Tết là Tết của muôn nhà.
Một thầy dạy học của chúng tôi nói rằng: “Với anh em đã đi làm cán bộ, công chức, viên chức như chúng mình, Tết có thêm 500.000 đồng hay không, không quan trọng, nhưng với người nghèo, có 500.000 đồng là có Tết”. Có 500.000 đồng, bà con nghèo có thêm chục ký gạo, chai nước mắm, chai dầu ăn, mớ bánh ngọt, ít mì tôm… Và với người nghèo, như thế là quá đủ đầy.
Quê hương mình đang trên đà đổi mới, khởi sắc và không ít người nông dân đã vươn lên làm giàu. Nhưng đó không phải là tất cả. Vẫn còn những cảnh đời khốn khó, thiếu trước hụt sau, họ cần cái ăn, cái mặc và nơi ở cho cuộc mưu sinh quẫn bách.
Nghèo cũng “dăm bảy đường nghèo”, nhưng khắc khoải nhất là cái nghèo “bền vững”, nghĩa là người ta đã hết cách để thoát nghèo. Đó là những hoàn cảnh không sức lao động, không tư liệu sản xuất, không có người thân nương tựa. Trong niềm vui của muôn người, họ lại thấy đó là sự cô đơn, buồn tủi và bế tắc. Giá trị nhân văn của những phần quà không nằm ở vật chất, nó là việc gởi trao niềm tin, tình cảm chân thành và đúng nơi, đúng lúc. Tết là lúc con người mở lòng với mọi người và với chính mình, gạt bỏ đi những khó khăn, buồn bã trong cuộc sống, hướng đến những gì tốt đẹp nhất. Với sự chung tay của cộng đồng, người nghèo không chỉ được ăn Tết mà còn vui Tết và biết mình vẫn là một thành viên trong đại gia đình dân tộc.
Nói chuyện gần xa, mới nhớ lại chính mình. Chúng tôi thuộc thế hệ cuối cùng còn ảnh hưởng bởi thời kỳ bao cấp. Khi đó, chỉ cần mẹ mua cho mớ bánh gai, cái bánh cam hay ổ bánh mì… mỡ cũng đã là vui lắm rồi. Nhà tôi có 7 anh em, cứ Tết đến là thấy ba mẹ buồn, khi ấy chúng tôi cứ thắc mắc: “Sao Tết đến mà buồn”. Còn bây giờ, con cái chúng tôi, ăn bánh là phải lựa chọn bánh ngon. Có đứa còn không thèm ăn, phải tìm mọi cách để ép. Chúng tôi nhớ, mới 30 Tết vì náo nức quá, đem bộ đồ mới duy nhất mẹ may ra mặc, đi vòng vòng ở xóm thì bị… té xuống sông. Vậy là mùng 1 không có quần áo mới để mặc.
Người ta hay nhớ về cái thời dù nghèo mà đầy ắp nghĩa tình và so sánh với thời buổi “kim tiền” mà nhiều người cho là vô cảm. Không, chúng tôi vẫn thấy ở quê mình, những người nghèo đang được cả cộng đồng chung tay mang đến một cái Tết thật đủ đầy. Hãy thật sự chia sẻ, vì một điều đơn giản: Với những người có điều kiện, có hay không có 500.000 đồng không quan trọng, nhưng với người nghèo, có 500.000 đồng là có Tết./.
Phạm Nguyên