Thuốc bảo vệ thực vật hiện nay vẫn được xem là liệu pháp hiệu quả để phòng trừ sinh vật gây hại, bảo vệ năng suất cây trồng. Chính vì điều này, thời gian qua thuốc BVTV đang bị lạm dụng, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường và lãng phí tiền của, công sức của chính người sử dụng.Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hiện nay vẫn được xem là liệu pháp hiệu quả để phòng trừ sinh vật gây hại, bảo vệ năng suất cây trồng. Chính vì điều này, thời gian qua thuốc BVTV đang bị lạm dụng, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường và lãng phí tiền của, công sức của chính người sử dụng. “Mặc dù là liệu pháp hiệu quả để bảo vệ cây trồng, song thuốc BVTV đa phần là những sản phẩm độc hại và việc quản lý hoạt động kinh doanh, sử dụng vẫn còn gặp nhiều khó khăn”, Kỹ sư Nguyễn Trần Thức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, nhận định. Tràn lan nhiều chủng loại Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN&PTNT, danh mục thuốc BVTV được phép lưu hành tại Việt Nam đã có gần 4.100 tên thương phẩm với gần 1.700 hoạt chất và hỗn hợp các hoạt chất. Riêng trên địa bàn tỉnh, qua khảo sát, hiện nay cũng đã có trên 3.000 tên thương phẩm thuốc BVTV. Ông Thức cho biết, chính số lượng danh mục thuốc BVTV được lưu hành quá lớn đã gây ra rất nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý chuyên ngành, người nông dân, cán bộ địa phương trong tiếp cận, hiểu biết, lựa chọn, khuyến cáo sử dụng một cách an toàn, hiệu quả và tiết kiệm.
Trên địa bàn tỉnh hằng năm có khoảng 130.000 ha các loại cây trồng như: lúa, rau màu, dừa, chuối… theo đó, mỗi năm cũng có khoảng 25.000-30.000 ha bị sâu, bệnh gây hại. Ðể bảo vệ cây trồng, mỗi năm người dân đã phun xuống đồng ruộng hàng trăm tấn thuốc BVTV các loại. Thời gian qua, nhiều công ty kinh doanh không minh bạch, len lỏi về nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, để chào mời, quảng cáo, tổ chức hội thảo bán hàng trực tiếp cho nông dân không thông qua cơ quan quản lý chuyên ngành, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý chỉ phát hiện và xử lý 5 trường hợp vi phạm về chấp hành thủ tục hành chính trong kinh doanh thuốc BVTV. Ông Thức thừa nhận: “Hoạt động kinh doanh đa cấp, trá hình thuốc BVTV đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi đang theo dõi, giám sát để có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện, hạn chế thiệt hại cho người dân”. Lãng phí, nguy hại sức khoẻ và môi trường Với mong muốn diệt sâu nhanh - dứt bệnh sớm, trên đồng ruộng hay trong vườn rau, cây ăn trái, người dân thường sử dụng thuốc không theo nguyên tắc "4 đúng" (đúng thuốc; đúng liều lượng, nồng độ; đúng lúc; đúng cách). Ðặc biệt, tình trạng người dân chọn thuốc có độc tính cao, phối trộn nhiều loại thuốc trong một lần phun, phun thuốc quá liều lượng, không đảm bảo đủ lượng nước, không đảm bảo thời gian cách ly… là không hiếm. Một số nông dân còn quá lạm dụng thuốc BVTV, khi sâu bệnh hại xuất hiện là tiến hành phun thuốc ngay không quan tâm đến thời tiết, giai đoạn cây trồng, mật số sâu, tỷ lệ bệnh, thiên địch… Ông Thức nhận định: “Phần lớn người dân vẫn còn thói quen sử dụng các loại thuốc BVTV có nguồn gốc hoá học, chưa quan tâm nhiều đến các loại thuốc có nguồn gốc sinh học”. Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh đã ứng dụng 2 biện pháp sinh học là “công nghệ sinh thái” và “nhân nuôi sinh vật có ích”. Biện pháp “công nghệ sinh thái” tức là trồng thêm các loại hoa, rau màu có bông sặc sỡ quanh bờ ruộng nhằm thu hút nhiều loại thiên địch để tấn công các loại sâu, rầy, từ đó nông dân không cần phải sử dụng thuốc BVTV, nhưng không ảnh hưởng đến năng suất. Qua thực tế triển khai biện pháp này, người dân có thể tiết kiệm chi phí sản xuất từ 800.000-1.000.000 đồng/ha. Ngoài ra, còn có thể cải thiện thu nhập từ rau màu trên bờ, mà quan trọng hơn hết là bảo vệ được sức khoẻ cộng đồng và môi trường sinh thái nông thôn. Tuy nhiên, kể từ khi được triển khai trên địa bàn tỉnh vào năm 2012 đến nay, mỗi năm cũng chỉ thực hiện được khoảng 20 ha ở các khu vực thí điểm. Cụ thể: năm 2012 tại Ấp 6B, xã Khánh Bình Tây Bắc; năm 2013 tại Ấp 19/5, xã Khánh Bình; năm 2014 tại Ấp 2, xã Trần Hợi và năm 2015 tại Ấp 3, xã Trần Hợi. Theo tính toán của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, hằng năm có khoảng 7 tấn vỏ bao bì thuốc BVTV được nông dân vứt ngoài đồng ruộng, vườn rau, vườn cây, kinh mương nội đồng hay xử lý bằng cách chôn, đốt không đúng cách làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường không khí, đất đai và cả nguồn nước. Trong khi đó, theo ông Thức: "Bao gói thuốc BVTV là chất thải nguy hại phải được xử lý theo quy trình rất nghiêm ngặt. Trong những năm qua, chi cục đã kết hợp với Công ty Cổ phần BVTV An Giang phát động trong dân thu gom bao gói thuốc BVTV sau khi sử dụng. Tuy nhiên, sau 3 năm, từ 2013-2016, toàn tỉnh chỉ mới gom được khoảng 300 kg/7 tấn vỏ bao bì thuốc BVTV ước tính của người dân thải ra mỗi năm"./.
Bài và ảnh: Nguyễn Phú |