Giá gạo nhích lên khoảng 2.000 đồng/kg,ạotăngVuicnhưngbuồncũngnhiềhk dzo tùy loại, một mặt đã giúp tăng thu nhập ít nhiều cho nông dân trồng lúa nhưng mặt khác, giá gạo “nhảy múa” lại mang về nỗi lo cho một bộ phận người lao động.
Giá gạo trên thị trường luôn biến động liên tục.
Biến động liên tục
Vừa nhận xong đợt gạo mới về chất trong kho để dành bán dần, chị Trần Kim Ngân, chủ một đại lý gạo tại thành phố Vị Thanh cho hay, do giá lúa mùa này tăng mạnh nên giá gạo gần đây cũng tăng theo. Nếu so với tháng trước, giá gạo thời điểm này nhập hàng vào và bán ra đã tăng mạnh. Theo chị Ngân, một số mối quen của chị cũng “ngán” tiền khi giá gạo tăng.
“Đa số bây giờ nông dân mình bán lúa rồi mua gạo lại ăn chứ ít ai vựa lại nhà lắm. Nói chung mặt gạo nào cũng tăng hết. Bữa hổm giá 17.500 đồng/kg nay lên 18.000 đồng/kg, gạo RVT, Đài Thơm 8, Thơm Lài. Gạo rẻ nhất là 17.000 đồng/kg, gạo IR50404 và gạo mới. Lúa khô, mới mùa này hơn 10.000 đồng/kg. Giá tăng nhưng lúc nào cũng có gạo. Một số người họ sợ gạo lên nữa nên mua 1-2 bao để dành ăn dần”, chị Ngân cho hay.
Gạo là mặt hàng thiết yếu nên cứ hễ giá cả lên xuống, dù nhiều hay ít cũng khiến nhiều bà nội trợ cân nhắc chuyện chi tiêu. Ghé sạp gạo quen trong chợ để mua về cho gia đình, sau khi xem qua giá, thấy loại giá loại gạo nào cũng nhích lên vài ngàn đồng so với tháng trước, kể cả loại mà gia đình đang sử dụng. Chị Ngô Thị Út, ở thành phố Vị Thanh, bày tỏ: “Gạo thì lên còn người lao động từ hôm dịch bệnh tới nay ai cũng vậy, làm ăn khó khăn, tiền bạc eo hẹp. Giá các mặt hàng cũng tăng theo, rồi giá điện cũng tăng, kiểu này các chi phí trong gia đình phải cắt giảm. Tôi làm công nhân giờ cũng đâu có nhiêu tiền, mà từ lúc dịch bệnh xảy ra đến giờ đâu phải ai cũng có việc làm”.
Những ngày qua, giá lúa ở khu vực ĐBSCL tăng cao. Đây là điều đáng mừng, vì sau thời gian chăm sóc, nông dân có tiền tái đầu tư vụ mới, có nhà thì dư chút đỉnh. Tuy nhiên, với giá phân bón tăng cao cũng khiến chi phí sản xuất của người dân đội lên theo.
Nguồn cung đảm bảo
Chia sẻ tại diễn đàn Mekong Connect 2023 vừa diễn ra mới đây tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, thành phố Cần Thơ, cho hay: Mấy chục năm liền, Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo đứng hàng top đầu trên thế giới. Không những chúng ta đảm bảo được an ninh lương thực trong nước mà còn dư thừa ra để xuất khẩu.
“Giá gạo thế giới tăng, những năm gần đây hay là trở về sau thì chúng ta đều biết trước, biến đổi khí hậu như thế này thì năm sau sẽ thiếu nhiều hơn năm trước. Đây rõ ràng là cơ hội cho lúa gạo ĐBSCL nói riêng và cho nông sản ĐBSCL nói chung. Cơ chế, chính sách của Nhà nước để đầu tư phát triển nông nghiệp ĐBSCL không phải để phục vụ cho trong nước mà còn phục vụ cho cả thế giới”, ông Phạm Thái Bình chia sẻ.
Ở góc nhìn của mình, GS.TS Võ Tòng Xuân, Chuyên gia nông nghiệp, cho biết: “Tôi nghĩ đây là cơ hội để cho gạo Việt Nam chúng ta vươn lên với giá trị, phẩm chất cao hơn, đặc biệt là giá bán cao hơn. Đây cũng là dịp để cho bà con nông dân trồng lúa có dịp được đền đáp xứng đáng với công sức của họ bỏ ra trong mấy chục năm nay”.
GS.TS Võ Tòng Xuân phân tích: Theo quy luật kinh tế thị trường, cung rất thấp, cầu rất cao, giá phải tăng lên. Đây là dịp mà chúng ta có thể đánh mạnh trong thị trường xuất khẩu. Kiểu trồng lúa của Việt Nam đặc biệt hơn các nước khác. Philippines, Indonesia làm không được, Thái Lan cũng thế. Thái Lan chọn giống lúa dài ngày. Chỉ có Việt Nam chúng ta là giống lúa ngắn ngày nhưng mà năng suất cao. Và bây giờ tiến lên, vừa ngắn ngày vừa năng suất cao, chất lượng tăng. Mình đạt 3 yêu cầu này thì các nước khác không được như thế.
“Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có dự kiến quy hoạch tôi rất nhất trí là mình lấy vùng tiếp giáp với Campuchia, tức là Bắc Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An. Vùng này nước sông Cửu Long vừa vào Việt Nam mình. Vùng này hơn 1,5 triệu héc-ta, không bao giờ thiếu nước ngọt, nước mặn không bao giờ tới. Đây là vùng sản xuất lương thực cho Việt Nam chúng ta. Chúng ta sản xuất 3 vụ lúa 1 năm. Trong vòng 100 ngày là có 1 vụ lúa”, GS.TS Võ Tòng Xuân cho hay.
Kế đến là vùng ven biển. Với Nghị quyết 120 của Chính phủ cho thấy rằng, chúng ta không xài nước ngọt phung phí để trồng lúa trong vụ mùa khô. Bây giờ, trong mùa mưa, lấy nước mưa trồng lúa. Hết mưa thì đưa nước mặn vào nuôi tôm. Như thế, chúng ta rất an tâm. Vùng giữa của mình hiện nay đang trồng 3 vụ lớn. Nhưng nhờ Nghị quyết 120 mà một số vùng 3 vụ lúa đã chuyển sang trồng cây ăn trái, đưa tới lợi tức cao hơn cho người nông dân. Trong khi đó hoàn toàn không ảnh hưởng gì tới an ninh lương thực.
Bài, ảnh: MỘNG TOÀN