Tăng cầu từ đa dạng kênh phân phối | |
Tăng trưởng bán lẻ là điểm sáng nền kinh tế khi Covid-19 bủa vây | |
Ngành bán lẻ lo bị “nuốt chửng” khi EVFTA có hiệu lực |
Diễn đàn “Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam: Tương lai thanh toán trực tuyến và tiêu dùng online”. Ảnh: H.Dịu |
Sáng 20/8, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn “Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam: Tương lai thanh toán trực tuyến và tiêu dùng online”.
Tại Việt Nam, trong vòng 5 năm trở lại đây, hình thức mua sắm trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến và nhận được sự quan tâm lớn của người dân, nhất là sau khi dịch bệnh bùng phát, người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm truyền thống sang tiêu dùng online nhiều hơn.
Theo nghiên cứu của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, năm 2020, 30% doanh số bán lẻ sẽ được thực hiện thông qua ứng dụng, 33% người tiêu dùng Việt Nam sẽ thực hiện chuyển tiền trực tiếp trên mạng khi mua sắm trực tuyến.
Vì thế, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt các doanh nghiệp bán lẻ vào một “cuộc đua sinh tử”. Nếu chậm chân và không kịp thời chuyển đổi, họ sẽ đặt dấu chấm hết cho sự phát triển của mình trong tương lai. Thêm vào đó, đại dịch Covid-19 cũng đang tác động nặng nề lên ngành bán lẻ, gây tổn thất về mặt doanh thu. Vì thế, tốc độ chuyển đổi số đóng vai trò quyết định đối với sự tồn tại của doanh nghiệp bán lẻ trong tương lai bất kể quy mô lớn nhỏ.
Các chuyên gia cho rằng, một trong những vấn đề quan trọng giúp các doanh nghiệp bán lẻ chuyển đổi số là phải ứng dụng thanh toán trực tuyến, để thúc đẩy thương mại điện tử, làm minh bạch trong quản lý, thuận tiện cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, chia sẻ về vấn đề này, ông Hoàng Quốc Quyền, Giám đốc Đối ngoại cấp cao, đại diện Tiki miền Bắc cho hay, Tiki có khoảng 4,5 đến 5 triệu đơn hàng một tháng thì số thanh toán online chỉ khoảng 40%, còn lại 60% là tiền mặt. Đây là sự lệch pha rất lớn, vì tại Indonesia và Malaysia, số thanh toán online cho thương mại điện tử đã chiếm khoảng 85%.
Do đó, vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để người mua hàng sẵn sàng thanh toán online, từ đó giúp thúc đẩy thương mại điện tử.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, đây là 2 câu chuyện lớn, một là sự tin cậy, hai là lợi ích của cả đôi bên. Do đó, chúng ta phải làm thế nào để cân bằng, giúp người tiêu dùng cảm thấy tin tưởng, sẵn sàng trả tiền trước cho các đơn hàng mua sắm online.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Quốc Quyền kiến nghị, Chính phủ cần kiên quyết kiểm tra xử lý những sàn thương mại điện tử bán hàng giả, hàng nhái không rõ nguồn gốc, để tạo niềm tin cho người mua sắm và thanh toán online. Các ngân hàng, cổng thanh toán, nhà mạng cũng phải tạo điều kiện và có những chính sách hỗ trợ thiết thực cho người dân khi thanh toán online cùng các sàn thương mại điện tử.
Chính phủ đang đặt mục tiêu đến năm 2025 có 55% dân số mua sắm trực tuyến và doanh số thương mại điện tử khoảng 35 tỷ USD. Vì thế, theo các chuyên gia, Chính phủ nên có chính sách ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ tiếp cận vốn, chuỗi giá trị bán hàng, các chính sách thanh toán, bảo mật thông tin người tiêu dùng…