Hoàn thuế nguyên phụ liệu nhập khẩu tại chỗ để sản xuất hàng xuất khẩu Cục Hải quan Bắc Ninh có kim ngạch xuất nhập khẩu cao nhất toàn Ngành Đa dạng hóa nguồn vốn cho doanh nghiệp xuất khẩu từ công nghệ tài chính TP Hồ Chí Minh bắt tay ĐBSCL phát triển toàn diện 5 lĩnh vực |
| Ngân hàng đã nỗ lực cung ứng tín dụng ưu đãi cho lĩnh vực XNK, nhưng cần cải thiện về khả năng hấp thụ vốn cho DN. Ảnh: ST |
Đa dạng giải pháp hỗ trợ Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam dù còn khó khăn nhưng vẫn tăng nhanh và tiến tới mức 200% GDP. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để nền kinh tế thực sự hưởng lợi thì cần thiết phải phát triển cộng đồng doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu và khả năng tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có đến gần 60% doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu vốn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì thế, những giải pháp về tài trợ, cấp vốn cho xuất nhập khẩu và giảm thiểu rủi ro thanh toán trong hoạt động xuất nhập khẩu đang đóng vai trò quan trọng. Cơ cấu tín dụng đã tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Trong đó, xuất nhập khẩu là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên. Do vậy, hệ thống ngân hàng và tổ chức tài chính đã có nhiều chương trình ưu đãi, chương trình tín dụng được “may đo” dành riêng cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu với lãi suất thấp hơn so với các lĩnh vực thông thường khác. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đang cung cấp bộ sản phẩm tài trợ thương mại VietinBank Trade Up với gói tín dụng 35.000 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trọng tâm có doanh số thanh toán lớn tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngắn hạn với lãi suất chỉ từ 6,2%/năm đối với VND và chỉ từ 3,5% đối với USD. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) mới đây đã triển khai chương trình tín dụng ưu đãi tài trợ khách hàng xuất nhập khẩu với quy mô lên tới 25.000 tỷ đồng. Lãi suất ưu đãi thấp hơn đến 1%/năm so với sàn lãi suất cho vay hiện hành của Agribank tương ứng đối với từng dải kỳ hạn… Các doanh nghiệp cũng cho biết, thời gian qua, nhiều tổ chức tín dụng đã phối hợp với công ty công nghệ tài chính (Fintech) để triển khai các chương trình hỗ trợ về tín dụng, tài chính cho lĩnh vực xuất nhập khẩu, nên việc tiếp cận vốn đa dạng hơn do điều kiện ở mức thấp hơn so với đi vay ngân hàng, từ đó giúp doanh nghiệp tránh phải đi vay ngoài, thậm chí là “tín dụng đen” với lãi suất “cắt cổ”. Đặc biệt, trước nhu cầu đa dạng hóa nguồn thu từ hoạt động dịch vụ, các ngân hàng đều đã bổ sung những giải pháp tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Theo đó là những giải pháp trong thanh toán quốc tế với các dịch vụ tài chính, thanh toán đa dạng (như thư tín dụng, bảo lãnh, nhờ thu…) cùng những dịch vụ hỗ trợ tránh các rủi ro về tỷ giá. Thực hiện những giải pháp này có thể kể đến Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với chương trình ưu đãi Trade Booming hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu phục hồi như giảm 50% phí dịch vụ tài trợ thương mại và chuyển tiền quốc tế trên ứng dụng ngân hàng số dành cho doanh nghiệp; Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) với gói giải pháp Easy Trade dành riêng cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu như giảm phí tài trợ thương mại đến 30%, ưu đãi ngoại tệ… Ngoài ra, nhiều ngân hàng cho biết, để vận hành thanh toán xuất nhập khẩu tiện lợi, ngân hàng còn xây dựng đội ngũ chuyên gia để tư vấn, đồng hành với doanh nghiệp trong xử lý thủ tục với hải quan, thanh toán quốc tế… Những vấn đề này ngày càng cần thiết trong bối cảnh thị trường tiền tệ thế giới liên tục có biến động cùng những rủi ro trong thanh toán khi doanh nghiệp đang nỗ lực tìm kiếm và mở rộng thị trường mới. Phải đúng, trúng và đồng bộ Từ thực tế những tháng đầu năm 2023 cho thấy, tăng trưởng tín dụng nói chung vẫn ở mức thấp dù có nhiều chỉ đạo về giảm lãi suất cho vay và các ngân hàng đã tung ra nhiều chương trình ưu đãi tín dụng. Theo các chuyên gia, tín dụng tăng thấp do năng lực hấp thụ vốn, nhu cầu vay vốn ở mức thấp do thiếu đơn hàng, hoạt động sản xuất kinh doanh bị thu hẹp… và ngân hàng cũng e ngại cho vay do lo ngại về khả năng trả nợ. Do đó, chỉ tung ra các chương trình ưu đãi lãi suất hay “hô hào” tăng trưởng tín dụng là chưa đủ. Các doanh nghiệp cho rằng, để lĩnh vực xuất nhập khẩu phục hồi cần những giải pháp đồng bộ và linh hoạt. Một doanh nghiệp chia sẻ, doanh nghiệp đủ điều kiện để vay vốn với lãi suất rẻ hơn thông thường, nhưng nếu không có đơn hàng và đầu ra thì doanh nghiệp không có dòng tiền để trả nợ, nên lãi rẻ nhưng doanh nghiệp cũng không muốn vay. Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, để tăng khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần hoàn thiện hành lang pháp lý như cho phép các tổ chức tín dụng thực hiện cả thanh toán, cho vay chiết khấu dựa trên các khoản phải thu của doanh nghiệp. Đặc biệt, Chính phủ cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho cơ chế thử nghiệm công nghệ tài chính (Fintech), cho vay ngang hàng (P2P)… đồng thời phải nâng cao hiệu quả Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đẩy mạnh giáo dục tài chính toàn diện cho doanh nghiệp và người dân. Theo các doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp xuất nhập khẩu thường có nguồn ngoại tệ thu về, nguồn doanh thu rõ ràng bằng các L/C, các hợp đồng mua bán… nên hoàn toàn có thể dùng các hợp đồng, hóa đơn này làm tài sản tín chấp để được cấp vốn. Do đó, các giải pháp để hỗ trợ cần được đánh giá đúng và trúng thực trạng tình hình doanh nghiệp. Với lĩnh vực xuất nhập khẩu, ngoài nguồn tín dụng ưu đãi, cần những hỗ trợ để khai thác tốt hơn các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, thực hiện hiệu quả hơn công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, đa dạng hóa hàng hóa và thị trường xuất khẩu. Những giải pháp này sẽ giúp các doanh nghiệp có đầu ra, mang về doanh thu và lợi nhuận mới có khả năng trả nợ. Nếu không thực hiện đồng bộ những giải pháp này thì dòng tín dụng có thể không chảy đúng hướng hoặc khiến các doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, từ đó tăng số lượng nợ xấu cho các ngân hàng, ảnh hưởng lớn đến an toàn hệ thống tài chính. Về phía các doanh nghiệp, không chỉ lĩnh vực xuất nhập khẩu mà với các lĩnh vực khác, yêu cầu đa dạng hóa nguồn vốn là rất cần thiết, tránh lệ thuộc vào dòng tín dụng; đồng thời cần tăng cường kiểm soát rủi ro, nhất là rủi ro tài chính, lãi suất, tỷ giá, lừa đảo trong xuất nhập khẩu. |