Bộ Công Thương muốn bảo vệ người tiêu dùng Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiến hành lấy ý kiến dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg ban hành Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Lý do là Danh mục thuộc Quyết định 02 đang nảy sinh nhiều bất cập cần giải quyết. Đồng thời theo rà soát của Bộ Công Thương cho thấy, nội dung trong các hợp đồng thương mại, điều kiện giao dịch chung thuộc một số lĩnh vực khác ngoài Danh mục theo Quyết định 02 cũng phát sinh nhiều vấn đề, ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi người tiêu dùng. Vì thế, Bộ Công Thương dự kiến bổ sung một số nhóm hàng hóa, dịch vụ mới vào danh mục thuộc Quyết định 02, đặc biệt nhiều dịch vụ của ngân hàng lọt vào “tầm ngắm” của cơ quan chức năng. Cụ thể ngoài dịch vụ bảo hiểm nhân thọ; thuê bao di động trả trước, Bộ Công Thương cũng muốn bổ sung vào Danh mục các dịch vụ phát hành thẻ ghi nợ nội địa, thẻ ghi nợ quốc tế, thẻ tín dụng quốc tế, mở tài khoản thanh toán cá nhân, ngân hàng điện tử và vay vốn cá nhân. Lý do của việc sửa đổi này, theo Bộ Công Thương, pháp luật chuyên ngành chưa tính đến việc đăng ký hợp đồng thương mại, điều kiện giao dịch chung đối với các nhóm dịch vụ này. Xét trên sự điều chỉnh của pháp luật chuyên ngành ngân hàng thì các hợp đồng thương mại, điều kiện giao dịch chung đã tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước về các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên nhưng lại chưa tính đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nếu xét trong mối quan hệ với pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chính vì vậy, cần thiết phải đưa các nhóm dịch vụ trên vào danh mục phải đăng ký hợp đồng thương mại, điều kiện giao dịch chung để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo Bộ Công Thương, lĩnh vực ngân hàng là một hoạt động đặc thù và mang tính chuyên ngành, hoạt động giao dịch thường xuyên dùng những từ ngữ, thuật ngữ chuyên ngành kỹ thuật không phải lúc nào cũng đơn giản và dễ hiểu. Không phải lúc nào người tiêu dùng cũng có thể đọc và hiểu ngay, hiểu chính xác toàn bộ nội dung câu chữ, điều khoản trong hợp đồng khi tham gia giao dịch. Chính vì vậy, cần thiết phải có sự tham gia của một thiết chế đặc biệt nhằm kiểm soát những nội dung của hợp đồng nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng. Bộ Công Thương cho rằng: Trường hợp trong hợp đồng thương mại, điều kiện giao dịch chung có điều khoản bất lợi cho người tiêu dùng thì mức độ ảnh hưởng là rất lớn vì nó không chỉ gây thiệt hại cho một người giao dịch đơn lẻ mà ảnh hưởng tới toàn bộ người tiêu dùng đã tham gia giao dịch. Trên thực tế, đã có rất nhiều vụ việc tổ chức, cá nhân kinh doanh lợi dụng các quy định của hợp đồng thương mại, điều kiện giao dịch chung để gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Đáng chú ý, Bộ Công Thương chỉ ra một số tổ chức, cá nhân kinh doanh quy định những điều khoản chung chung, khó hiểu, tránh rủi ro, thậm chí là trái quy định của pháp luật gây thiệt hại đối với quyền lợi người tiêu dùng. Ví dụ, hợp đồng phát hành thẻ quy định: “Chủ thẻ chịu hoàn toàn trách nhiệm và rủi ro (nếu có phát sinh) liên quan đến các giao dịch thực hiện qua internet bằng thẻ của chủ thẻ”. Hay trong hợp đồng phát hành thẻ đưa ra quy định: “Trong trường hợp vì nguyên nhân khách quan, ngân hàng có quyền tạm dừng hoặc chấm dứt dịch vụ. Khách hàng đồng ý và không có bất kỳ khiếu nại nào rằng ngân hàng được thực hiện các hành vi thay đổi, sửa đổi, chấm dứt dịch vụ, sửa đổi nội dung điều khoản bằng việc thông báo trên các phương tiện như quy định tại điều này”. Ngân hàng phản ứng Ngay khi dự thảo Danh mục của Bộ Công Thương được đưa ra lấy ý kiến, dù bày tỏ ủng hộ về mặt chủ trương song nhiều ngân hàng phản đối việc bổ sung thêm các dịch vụ ngân hàng vào Danh mục. Techcombank đề nghị bỏ 3 loại dịch vụ phải đăng ký. Một là thẻ tín dụng quốc tế vì đây là loại hình dịch vụ mà việc áp dụng phải tuân theo quy định hợp tác đại lý phát hành với các tổ chức phát hành thẻ quốc tế, đồng thời nó cũng là một loại dịch vụ cấp tín dụng. Hai là ngân hàng điện tử bởi đây là một khái niệm chung chung và không rõ là loại dịch vụ gì nên không đưa vào danh mục dịch vụ phải đăng ký theo quy định của Dự thảo được. Ba là vay vốn cá nhân. Trong lĩnh vực ngân hàng thì việc vay vốn cá nhân được thể hiện ở rất nhiều các loại sản phẩm tín dụng khác nhau. Do đó, mỗi loại sản phẩm tín dụng này có một đặc thù riêng. Vì vậy, việc đăng ký Điều kiện giao dịch chung đối với loại địch vụ này là không phù hợp. Ngân hàng BIDV cũng đề nghị không đưa dịch vụ ngân hàng điện tử, cho vay cá nhân, phát hành thẻ quốc tế vào Danh mục hàng hóa dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Đối với dịch vụ mở tài khoản thanh toán cá nhân, thẻ ghi nợ nội địa, BIDV nhất trí áp dụng như dự thảo. Góp ý cho dự thảo, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng: Các nội dung mà Dự thảo dự kiến sẽ bổ sung gồm: Phát hành thẻ ghi nợ nội địa, thẻ ghi nợ quốc tế... đều là các dịch vụ quan trọng với người dân nhưng không hẳn là các dịch vụ thiết yếu và việc cung cấp các dịch vụ này cũng không có yếu tố độc quyền do vậy cần cân nhắc thận trọng từng loại hình dịch vụ cụ thể phải đăng ký phù hợp nhất để hài hòa quan hệ giữa các chủ thể liên quan. Trước mắt tại Việt Nam chỉ nên áp dụng việc đăng ký các điều kiện giao dịch chung chứ không nên đăng ký hợp đồng theo mẫu đối với thẻ ghi nợ nội địa, dịch vụ tài khoản thanh toán cá nhân. |