Chủ động ngăn chặn Trước tình hình bùng phát DTLCP, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh DTLCP nhập cảnh vào Việt Nam. Bên cạnh việc chỉ đạo hải quan các địa phương tăng cường giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo tăng cường công tác chống buôn lậu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn, điều tra, xử lý vi phạm đối với những hành vi vận chuyển trái phép, nhập lậu lợn và các sản phẩm từ lợn. Tổng cục chỉ đạo việc thực hiện thủ tục hải quan đối với mặt hàng lợn và các sản phẩm của lợn NK như sau: Hàng hóa phải được quản lý tại cửa khẩu nhập đầu tiên; không giải quyết thủ tục chuyển cửa khẩu, đưa hàng về bảo quản. Đồng thời, yêu cầu hải quan địa phương chỉ thông quan khi có Giấy chứng nhận kiểm dịch đạt yêu cầu của cơ quan kiểm dịch. Trường hợp phát hiện các lô hàng lợn và sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới thì dừng làm thủ tục thông quan, đồng thời thông báo cho cơ quan liên quan để xử lý. Tổng cục Hải quan cũng lưu ý các đơn vị hải quan địa phương báo cáo tình hình và kết quả xử lý đối với những lô hàng lợn và các sản phẩm của lợn NK bị nhiễm dịch bệnh nếu có về Tổng cục Hải quan. Siết chặt kiểm soát Theo thông tin từ hải quan một số tỉnh tiếp giáp với Trung Quốc (Cục Hải quan Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Giang), các đơn vị này đã tăng cường kiểm soát và hiện chưa phát hiện trường hợp thịt lợn nhiễm DTLCP nhập lậu vào Việt Nam. Theo đại diện các đơn vị này, nhận định được mức nguy hiểm của bệnh dịch này tới sức khỏe của người dân Việt Nam, các đơn vị đã và sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu chính ngạch cũng như các cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở để kịp thời ngăn chặn thịt lợn nhiễm DTLCP nhập lậu vào Việt Nam. Tại Quảng Ninh, từ đầu năm 2019 đến nay, Hải quan đã phối hợp, bắt giữ 3 con lợn sống (375 kg) không rõ nguồn gốc tại khu vực cửa khẩu Hoành Mô (huyện Bình Liêu, Quảng Ninh). Thực hiện Công điện số 04 của Chủ tịch UBND tỉnh và Công điện số 16 của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Hải quan Quảng Ninh chỉ đạo các chi cục hải quan trực thuộc; các Đội Kiểm soát Hải quan số 1 và 2; Hải quan Trạm Kiểm soát liên hợp Km15-Bến tầu Dân Tiến thực hiện đúng quy trình, thủ tục hải quan đối với hàng hóa mua bán trao đổi của cư dân biên giới, kể cả quà biếu, quà tặng là mặt hàng lợn và các sản phẩm của lợn; không để hàng hóa chưa qua kiểm dịch thú y nhập khẩu vào trong nước tiêu thụ. Đồng thời, các đơn vị cần áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, địa bàn trọng điểm; chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn như Biên phòng, Công an, Quản lý thị trường, Cảnh sát biển, cơ quan Thú y, Kiểm dịch động vật… trong việc trao đổi thông tin, nhằm kịp thời, phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng lợn và các sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc qua biên giới. Với vai trò là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Hải quan Quảng Ninh cũng thường xuyên cập nhật diễn biến của dịch bệnh, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 các địa phương biên giới triển khai công tác phòng, chống DTLCP trên địa bàn. Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể tại địa phương làm tốt công tác tuyên truyền để người dân không tham gia, tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép lợn và sản phẩm của lợn qua biên giới vào nội địa nhằm ngăn ngừa lây lan dich bệnh. Tại Hà Tĩnh, trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Đinh Văn Hoà, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Hải quan Hà Tĩnh cho biết, Hải quan Hà Tĩnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bố trí cán bộ công chức tăng cường kiểm soát giám sát chặt các hành vi vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm qua biên giới. Được biết, hiện tại UBND tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch nhằm kiểm soát chặt các phương tiện chờ hàng hoá lưu thông qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, đặc biệt là các tuyến đường quốc lộ 1A, đường mòn Hồ Chí Minh, Trạm thu phí cầu Bến Thuỷ. Còn tại tỉnh Lạng Sơn, ngay sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc tăng cường phòng chống DTLCP, Hải quan Lạng Sơn đã chỉ đạo các chi cục hải quan cửa khẩu, Đội Kiểm soát hải quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu chính ngạch cũng như các cửa khẩu phụ, những đường mòn, lối mở để kịp thời ngăn chặn thịt lợn nhiễm dịch nhập lậu vào Việt Nam. Trong đó, đơn vị phối hợp với các lực lượng chức năng kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Đồng thời, phối hợp tổ chức tuyên truyền, phát tờ rơi để người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu vào trong nước tiêu thụ; tiêu hủy đối với các loại lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu vận chuyển trái phép vào Việt Nam. Lạng Sơn có rất nhiều đường mòn, lối mở có cư dân biên giới đi lại, trao đổi hàng hóa, nên nguy cơ DTLCP thâm nhập vào nội địa rất cao. Để ngăn chặn DTLCP xâm nhiễm vào Việt Nam, ngày 31/1/2019, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có văn bản chỉ đạo các ngành, lực lượng chức năng như: Quản lý thị trường, Hải quan, Bội đội Biên phòng, Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lạng Sơn phối hợp ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới. Tại khu vực biên giới, lực lượng Hải quan, Biên phòng, Kiểm dịch đã tổ chức giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở... Theo thống kê từ tháng 10/2018 đến nay, các lực lượng chức năng tại cửa khẩu đã bắt 9 lô hàng nhập lậu thịt lợn, nầm, mỡ lợn tại các cửa khẩu: Tân Thanh, Cốc Nam, Hữu Nghị với hơn 1.800 kg. Ngay sau khi bắt giữ các đơn vị đã giao Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lạng Sơn lấy mẫu kiểm tra và mang tiêu hủy. Kết quả trên 9 mẫu thịt lợn, nầm lợn, mỡ lợn đều âm tính đối với DTLCP. |