游客发表
发帖时间:2025-01-09 10:53:15
Việc triển khai đồng thời nhiều dự án giao thông lớn sẽ xảy ra tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu trong quá trình thi công. Ảnh: TL |
Còn 15 bộ, cơ quan trung ương giải ngân dưới 15%
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, lũy kế thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/10/2023 trên 389.676 tỷ đồng, đạt trên 50% kế hoạch (trên 776.228 tỷ đồng). Trong đó, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội là 51.881 tỷ đồng, đạt trên 42% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Ước thanh toán từ đầu năm đến hết tháng 11/2023 là 460.980 tỷ đồng, đạt trên 59% kế hoạch và đạt trên 65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội giải ngân 62.920 tỷ đồng, đạt 51% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Nhận xét về tình hình giải ngân vốn đầu tư công của cả nước, báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, cùng kỳ này năm trước, tỷ lệ giải ngân đạt trên 52% kế hoạch và trên 58% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Như vậy, so với cùng kỳ năm trước, hiện tỷ lệ giải ngân của cả nước có tăng (hơn 7% so với kế hoạch và 6,77% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) nhưng so với tổng kế hoạch vốn cần phải giải ngân thì tỷ lệ này vẫn đang đạt thấp. Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân của các dự án thuộc kế hoạch các năm trước được kéo dài thực hiện trong năm 2023 cũng chỉ đạt 60,64% (kế hoạch trên 54.864 tỷ đồng).
Bộ Tài chính cũng cho biết, hiện một số đơn vị đạt kết quả tích cực, có khả năng hoàn thành kế hoạch giải ngân như: Ngân hàng Nhà nước (94,74%), Bộ Giao thông vận tải (73,42%), Bộ Quốc phòng (70%), Bộ Công an (71,61%), Vĩnh Phúc (98,97%), Đồng Tháp (95,19%), Tiền Giang (94,55%), Thừa Thiên Huế (93,32%).
Ngoài ra, đến hết tháng 10/2023, tỷ lệ giải ngân của 9 dự án quan trọng quốc gia ngành Giao thông vận tải trên 59.799 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 66,7% trên tổng kế hoạch năm 2023 được giao (trên 89.608 tỷ đồng). Trong đó, vốn ngân sách trung ương trên 52.760 tỷ đồng, đạt trên 67% và vốn ngân sách địa phương trên 7.413 tỷ đồng, đạt trên 63%. Hiện kết quả giải ngân các dự án quan trọng quốc gia đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân chung 10 tháng của cả nước.
Tuy nhiên, vẫn còn 15 bộ, cơ quan trung ương chỉ giải ngân được dưới 15%, 2 địa phương dưới 35%. Vì thế, theo Bộ Tài chính, với tình hình thực hiện giải ngân của các bộ, địa phương thì mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% rất khó có thể thực hiện được.
Khẩn trương phân bổ hết số vốn đầu tư công
Bộ Tài chính cho biết, trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải về tình hình triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, cơ bản các nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân đã được nhận diện.
Cụ thể, về các nguyên nhân khách quan, một số cơ chế thực hiện hiện nay chưa phù hợp với đặc thù của các Chương trình mục tiêu quốc gia như: Quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất; cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển sản xuất cộng đồng...
Về nguyên nhân chủ quan, công tác tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng, vướng quy hoạch sử dụng đất, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư,... dẫn đến chậm thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng, thi công.
Đối với các dự án giao thông trọng điểm được phân cấp cho các địa phương làm cơ quan chủ quản đầu tư hoặc có sự tham gia góp vốn của ngân sách địa phương, việc triển khai các thủ tục đầu tư, phân bổ vốn còn lúng túng, khó khăn trong phối hợp giữa các địa phương, đặc biệt đối với các dự án sử dụng nhiều loại nguồn vốn (ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu ngân sách trung ương năm 2021, ngân sách địa phương).
Một số các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn (khoảng 16.000 tỷ đồng chiếm 2,28% kế hoạch) nên đến thời điểm báo cáo chưa thể giải ngân. Một số dự án đã phân bổ nhưng chưa giải ngân (một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề nghị cắt giảm do không có khả năng giải ngân) nên ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong những tháng còn lại của năm, Bộ Tài chính đang tiếp tục đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo quy định.
Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị 21 bộ, cơ quan trung ương và 30 địa phương khẩn trương hoàn thành việc phân bổ kế hoạch năm 2023 đối với số vốn chưa bổ (khoảng 16.000 tỷ đồng); đánh giá khả năng thực hiện đến hết 31/1/2024, chủ động đề xuất số vốn tiếp tục kéo dài theo quy định và theo khả thực hiện. Tránh trường hợp đề xuất kéo dài nhưng hết thời gian quy định không giải ngân được (hiện nay số vốn kéo dài của kế hoạch năm 2022 sang năm 2023 chỉ giải ngân được khoảng 60,64% kế hoạch) gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn. Đồng thời chủ động có phương án phân bổ kế hoạch năm 2024 ngay khi được Thủ tướng Chính phủ giao, tránh trường hợp giao vốn thành nhiều lần trong năm.
Phân bổ vốn thiếu trọng tâm, trọng điểm Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân của cả nước còn đạt thấp cũng xuất phát từ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được thể hiện rõ. Việc phân bổ vốn còn bình quân, thiếu trọng tâm, trọng điểm; chưa sâu sát, thiếu đôn đốc, kiểm tra..., còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. |
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接