Một số nội dung được quan tâm thảo luận xoay quanh trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đảm bảo an sinh xã hội, điều kiện an toàn lao động, hỗ trợ địa phương đào tạo nghề và giải quyết việc làm, hỗ trợ đối tượng thuộc nhóm người dễ bị tổn thương, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng kết cấu hạ tầng và công trình công cộng nơi doanh nghiệp đóng trụ sở.
Thực hiện an sinh xã hội là một nội dung cơ bản và tất yếu trong trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, xuất phát từ chính nhu cầu tồn tại và phát triển của doanh nghiệp và được quy định bằng pháp luật của Nhà nước chứ không phải chỉ là sự trợ giúp, lòng hảo tâm, làm từ thiện của doanh nghiệp đối với các thành viên kém may mắn trong xã hội. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc đảm bảo an sinh xã hội với người lao động và cộng đồng đóng vai trò quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia một cách bền vững.
Nhà nước đã có nhiều quy định đối với doanh nghiệp trong thực hiện an sinh xã hội. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp đang có nhiều vi phạm như khai báo sai số lao động sử dụng, ký hợp đồng lao động thời vụ hoặc theo công việc có thời hạn dưới 3 tháng, trốn hoặc chậm đóng bảo hiểm cho người lao động, đóng bảo hiểm trên mức lương thấp nhất có thể…
PGS.TS Lê Thị Hoài Thu, Khoa Luật, trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Về hoàn thiện pháp lý, Nhà nước nên xóa bỏ “những cái cớ” để doanh nghiệp trốn tránh trách nhiệm đóng bảo hiểm cho người lao động, bằng cách quy định doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm cho tất cả người lao động có giao kết hợp đồng lao động, không phân biệt quy mô sử dụng và thời hạn của hợp đồng lao động.
Một số quy định cần bãi bỏ như quy định doanh nghiệp giữ lại 2% đến 3% quỹ ốm đau, thai sản để tự chi trả bảo hiểm xã hội; doanh nghiệp cùng chi trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhất là đối với chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để vừa giảm nhẹ gánh nặng cho doanh nghiệp, vừa bảo vệ tối đa quyền lợi của người lao động. Mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm phải được quy định lại theo hướng tiếp cận với mức lương làm căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân của người lao động…
Các hoạt động khác cũng cần được đẩy mạnh như thắt chặt quản lý Nhà nước đối với hoạt động sử dụng lao động của doanh nghiệp, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm nói chung, trách nhiệm của doanh nghiệp nói riêng./.
Minh Nguyệt