Sản xuất theo hướng thuận thiên đang là xu hướng sản xuất phổ biến của người dân đồng bằng sông Cửu Long hiện nay. Tùy vào điều kiện của từng vùng,ộngmanướcnổiMhnhsảnxuấtthuậdu doan.bong da từng khu vực mà bà con có mô hình sản xuất phù hợp với tự nhiên, từ đó nâng cao thu nhập.
Do con nước trên đồng còn thấp nên phần lớn nông dân còn ương cá trong các ao, mương chuẩn bị thả lên ruộng. Ảnh: D.KHÁNH
Tại tỉnh Hậu Giang, vài năm trở lại đây thay vì sản xuất lúa vụ Thu đông thường gặp tình cảnh ngập lụt, lúa đổ ngã gây thiệt hại đến năng suất thì bà con nông dân ở nhiều vùng ngập sâu đã chủ động bỏ lúa chuyển sang nuôi cá ruộng theo hướng quảng canh. Ngoài hiệu quả kinh tế còn góp phần cải tạo đất cho vụ Đông xuân tiếp theo. Thời điểm này, mặc dù dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng nông dân nhiều nơi trong tỉnh cũng đã có những bước chủ động cho vụ sản xuất quan trọng thứ 3 trong năm.
Canh tác gần 10 công ruộng ở khu vực ấp Mỹ Chánh, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, đây là nơi đất thấp, nước thường đến sớm nhưng rút chậm hơn các khu vực khác nên gần 5 năm qua ông Trần Văn Bình đã bỏ hẳn vụ lúa Thu đông để chuyển qua nuôi cá ruộng. Năm nào cũng vậy, sau khi thu hoạch lúa Hè thu xong là ông Bình đầu tư khoảng 1,5 triệu đồng thả 20kg cá giống trên ruộng. Những năm nước cao, cá lớn cũng thu nhập trên 10 triệu đồng, năm thất cũng kiếm được từ 7-8 triệu đồng. Cách đây 1 tháng, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh hạn chế đi lại nên ông Bình đã chủ động mua cá về ương trong vèo, thấy con nước những ngày qua có dấu hiệu lên nên ông đã bung lưới thả cá ra trên ruộng. Theo ông Bình, khu vực ấp Mỹ Chánh hiện nay gần như bà con đều thả cá ruộng mùa nước nổi. Đến cuối tháng 11, khi bơm nước gieo sạ vụ Đông xuân thì tiến hành thu hoạch cá.
Ông Bình cho biết thêm: “Khu vực này đất thấp nên cuối tháng 7 là có thể thả cá. Đến cuối tháng 10 âm lịch là thu hoạch. Với 1ha đất hàng năm, nếu mình thả 25kg cá giống thì nữa thu hoạch bán được 12 triệu đồng, còn thả 20kg cá giống thì bán được 10 triệu đồng. Cá ruộng cho chất lượng thịt ngon hơn vì cá ăn toàn thức ăn tự nhiên trên ruộng”.
Chi phí đầu tư thấp, hiệu quả mang lại tương đối khá, ít rủi ro, đó là ưu điểm khiến cho nghề nuôi cá ruộng ở huyện Phụng Hiệp phát triển mạnh theo từng năm. Nếu cách đây 5 năm, toàn huyện chỉ có khoảng 300ha nuôi cá ruộng thì hiện nay diện tích này đã tăng lên gấp 10 lần. Theo kế hoạch cá ruộng năm nay huyện Phụng Hiệp dự kiến xuống giống khoảng 4.000ha, tăng 1.000ha so với năm rồi. Hiện nay, qua rà soát mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và con nước trên đồng nhiều nơi còn thấp nên bà con trong huyện đã chủ động ương cá và tiến hành thả cá được hơn 50% kế hoạch.
Anh Nguyễn Việt Hưng, ở xã Hòa Mỹ, cho biết: “Gia đình cũng vừa mới thả xong gần 40kg cá giống trên diện tích 2ha. Hiện nay, con nước còn thấp nên anh chưa bao lưới, khi nước lên cao thì bao lưới xung quanh lại để cá không sang các ruộng khác”.
Các loại cá được nông dân trong tỉnh thả nuôi năm nay chủ yếu là cá chép, cá mè, rô phi, cá trê lai, trê vàng. Trung bình 1.000m2 đất ruộng thả nuôi từ 2-3kg cá giống. 1kg cá giống hiện nay dao động từ 80.000-100.000 đồng, sau 4 tháng thả nuôi, không cần tốn chi phí thức ăn, cá tận dụng nguồn rơm rạ, lúa chét trên đồng để tăng trưởng sẽ cho thu hoạch bình quân từ 50-60kg cá thương phẩm/công. Giá bán dao động từ 8.000-14.000 đồng/kg (tùy loại), trừ hết chi phí, bà con có thu nhập từ 300.000-400.000 đồng/kg cá giống thả nuôi, tương đương khoảng 1 triệu đồng/công.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh, nhờ ít tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp và lợi nhuận đạt khá mà trong vài năm gần đây nuôi cá ruộng trở thành mô hình được nhiều hộ dân lựa chọn để thay thế sản xuất lúa vụ 3 kém hiệu quả. Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh cho biết đã xây dựng nhiều mô hình nuôi cá ruộng theo hướng nâng cao giá trị tại các địa phương có điều kiện phát triển hình thức này, trong đó tập trung các đối tượng nuôi như cá rô đồng, cá lóc đồng, trê vàng…
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, ngoài hiệu quả kinh tế, việc nuôi cá trên ruộng còn góp phần làm tăng độ phì nhiêu của đất. Các loại cá còn ăn rong rêu, vệ sinh đồng ruộng, hạn chế được các loại cỏ dại trong mùa nước nổi, giảm chi phí đầu tư cho vụ lúa tiếp theo. Trung bình, người nông dân nuôi cá trên ruộng có thể tiết kiệm được trên 1 triệu đồng/ha tiền làm đất hay diệt các loại cỏ dại trong mùa nước.
Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: Mô hình nuôi cá ruộng năm nay ở huyện Phụng Hiệp dự kiến sẽ tăng mạnh. Nhưng hiện nay do con nước còn thấp nên phần lớn bà con còn ương trong ao, mương chưa cho cá lên ruộng. Khi con nước lên cao thì nông dân sẽ tiến hành thả cá ra ruộng. Nuôi cá trên ruộng ngoài hiệu quả về mặt kinh tế thì cá nuôi trên ruộng sẽ làm cho đất tơi xốp và để lại một lượng phân cá rất lớn cho vụ Đông xuân, góp phần giảm chi phí cho vụ lúa tiếp theo. Chính vì thế mà ở những khu vực phù hợp bà con phát triển rất mạnh mô hình này.
Với những hiệu quả về kinh tế, cải tạo đất cũng như giảm thiểu rủi ro từ yếu tố thiên nhiên thì mô hình nuôi cá ruộng mùa nước nổi đang chứng minh là một mô hình sản xuất lý tưởng, biết dựa vào điều kiện tự nhiên để tạo ra nguồn thu nhập ổn định, thay vì bám cây lúa dẫn đến tình cảnh mất mùa trong thời điểm nước lũ lên cao ở những nơi đất trũng, thấp, không có đê bao khép kín.
Theo Sở NN&PTNT Hậu Giang, năm 2021 đơn vị đề ra mục tiêu phát triển mô hình nuôi thủy sản trên ruộng theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả gắn với tiêu thụ và chế biến. Theo đó, toàn tỉnh sẽ thả nuôi khoảng 4.700ha cá ruộng, tăng 30ha so với năm 2020, tập trung chủ yếu ở huyện Phụng Hiệp, Vị Thủy, Long Mỹ... |
T.TRÚC - D.KHÁNH