【kqbd truc tiếp】Nghị lực thép

 人参与 | 时间:2025-01-25 11:49:51

Báo Cà Mau(CMO) Thời kháng chiến, họ là những người lính Cụ Hồ làm giặc phải khiếp vía. Và khi bước ra khỏi cuộc chiến, là những thương binh với tỷ lệ thương tật hơn 40% nhưng họ vẫn thừa dũng khí chiến thắng giặc nghèo.

Gần 11 giờ trưa, nắng rát da, ông Nguyễn Văn Búp (73 tuổi) vẫn hì hục dọn cỏ, cắt lá chuối khô. Ông vui vẻ: "Ruộng vườn là nguồn sống. Mình thương nó, nó không phụ mình". 

Đúng thiệt, gần 17 công ruộng, 7 công đất vườn bị nhiễm phèn mặn được ông chăm chút, cải tạo từ năm 1976 đến nay đã trở nên phì nhiêu, nhờ đó gia đình áp dụng nhiều mô hình đa canh hiệu quả, thu nhập bình quân trên 300 triệu đồng/năm. Bảy người con lớn khôn, yên bề gia thất, trong đó có 4 người công tác tại các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Muốn giàu nuôi cá

Năm 2002, ông Búp được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen nông dân sản xuất giỏi. Ông trải lòng: “Đồng vợ đồng chồng, tát biển Đông cũng cạn mà!”. 

Ông kể rằng, trong trận đánh công đồn ác liệt tháng 8/1971 tại Kiên Giang, ông bị thương nặng, tưởng chết, ngờ đâu “được duyên vợ chồng” với cô quân y tận tình chăm sóc. Sau khi vết thương lành, ông tiếp tục chiến đấu cùng đồng đội. Đến năm 1974, vì sức khoẻ kém nên được đơn vị cho về an dưỡng tại gia đình và tham gia công tác ở địa phương ấp Đường Ranh, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời. 

Luôn dám nghĩ, dám làm, vợ chồng ông Búp tiên phong đa canh. Có thời điểm người ta bảo họ “làm chuyện không đâu”. Vậy rồi cũng có ngày lúa, cá, cây trái đều “bể bồ”. 

Từ khi có chủ trương làm lúa 2 vụ, cả ấp có 2-3 hộ dám làm, trong đó có ông Búp. “Thời đó cứ hễ bơm nước vô ruộng là vỡ bờ, vì đắp thủ công. Rồi thêm chuyện không dự báo thời tiết, ngỡ tháng 9 ít mưa, dè đâu mưa từ tối tới sáng, cũng bể bờ luôn. Ra ruộng, cá chạy nổi lúa, tức phát khóc. Tính trận đó thất bại nhưng "bả" biểu ráng. Tôi cũng ráng”, ông Búp tư lự. 

Bớt mưa, vợ chồng ông bơm nước sạ lại. Tưởng ổn, ông chong đèn đánh mực ngoài biển mấy hôm liền. Hôm về, bà nói mấy công ruộng phía trong vàng hết. Hoá ra bị đạo ôn, ông tức tốc chèo xuồng lên tận Phụng Hiệp hỏi cách trị, lúa mới chịu yên. Vụ năm đó tới tháng 2 âm lịch mới gặt. Gần 17 công đất cho gần 700 giạ. Ai cũng nể. Ông vỗ đùi: “Hên nữa, lúa mộng, cá khoái, vậy là trúng luôn vụ cá”. Ông lấy uy tín cả xóm, được bầu làm chi hội trưởng chi hội nông dân ấp.

Bằng nghị lực, trí tuệ, ông Nguyễn Văn Búp tiếp tục là chiến sĩ đi đầu trên các lĩnh vực, xứng danh người công dân kiểu mẫu.  

Còn 7 công vườn, sau 3 năm trồng mía, tới phát triển ồ ạt, ông chuyển sang trồng dừa, chuối, lên liếp trồng đu đủ, bên dưới rau cần nước. Năm 2007, ở Hậu Giang có giống mận đá đường, rất có giá, ông mua 20 gốc. Rồi ông phá đu đủ, học thêm kỹ thuật chiết cây, trồng mận hết 7 công. Mấy năm liền sau đó, ông Búp trúng lớn giống mận này. Có lúc giá mận 10-15 ngàn đồng/kg, một ngày bán ra hơn 1 tấn rưỡi, có khi 3-4 tấn. Ngoài mận, ông còn trồng ổi, thu hoạch cũng khá. 

Năm 2009, ông phá mận hầm than. Ổi thì trái ngon bán, trái chín nuôi cá vồ. Ông nuôi 10 ngàn con, chỉ cho ăn ổi, cộng thêm vợ đặt rượu có hèm, thế là trúng mùa cá. Nhắc hèm, ông kể thêm chuyện vợ nuôi heo “có tiếng”, xuất chuồng một lần 8-9 con heo thịt. Nuôi con heo nái 11 vú đẻ 15 con, vậy mà bà nuôi lớn nhanh như thổi.

Từ kinh nghiệm bản thân, ông dạy con cháu làm kinh tế phải biết nắm bắt thời cơ, cái gì mới cứ mạnh dạn làm. Phải theo kịp thị trường nhưng nên làm vài năm thôi, rồi chuyển đổi cho phù hợp xu thế.

Như vụ nuôi cá bổi hồi mới triển khai mô hình (năm 2012) cho toàn xã 10 ha. Ấp ông được 3 ha. Động viên mấy đứa con nuôi, ai cũng lắc đầu. Theo hợp đồng, ông nhận nuôi 1 ha với 40 kg cá giống. Ai cũng từ chối, ông mua nợ thêm 40 kg, nuôi 2 ao.

Thức ăn lúc đó rẻ, tính hết mùa vụ khoảng 1 triệu đồng. Thế mà trúng lớn, loại gần 5 con 1 kg ông thu hoạch được 280 kg, bán 107 ngàn đồng/kg. “Nhờ ao rộng, trước đó nuôi cá vồ còn nguồn thức ăn dồi dào dưới đáy nên đỡ nhọc công. Vụ đó trúng, người ta đổ xô nuôi. Tôi nuôi thêm vài năm rồi nghỉ vì cá rớt giá”, ông cười hề hề.

Thương tật 46%, vậy mà ông làm nên nhiều “kỳ tích”. Đâu chỉ làm kinh tế giỏi, ông Búp còn được tín nhiệm giao phó nhiều công tác ở địa phương: Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp, Trưởng ấp, đại biểu HĐND xã 3 khoá VII, VIII, IX; Trưởng Ban Công tác Mặt trận, Trưởng Ban Hoà giải... Mãi tới năm 2016, do vợ bệnh, ông xin thôi công tác. 

Năm 2018, ông Nguyễn Văn Búp được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là “Người công dân kiểu mẫu” 5 năm liền.

Ông Võ Tấn Nhất luôn là tấm gương sáng giáo dục thế hệ trẻ phải tích cực lao động, học tập trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.  

Góp sức phát triển địa phương

Từ kháng chiến chống Mỹ và chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, giúp nước bạn Campuchia giải phóng đất nước khỏi nạn diệt chủng, ngày hoà bình, ông Võ Tấn Nhất trở về với thương tật hạng 3/4. Vết thương nặng nhất làm mù một mắt, nhưng ông vẫn quyết góp sức vì quê hương: Làm Chủ nhiệm Hợp tác xã Hiệp Tùng (1981-1985); Xã đội trưởng xã Hiệp Tùng (1986-6/1987); Trưởng Ban Nhân dân ấp Nàng Kèo (7/1987-1999); Từ năm 2000 đến nay, ông sinh hoạt tại Chi hội Cựu chiến binh ấp Nàng Kèo, xã Hiệp Tùng, huyện Năm Căn. 

Ông nhớ như in những ngày “hai bàn tay trắng”, làm đủ thứ nghề để nuôi vợ con: Đi bẫy chuột, se lịch, cắm cua... Ít lâu sau mới sang được miếng đất, ông quyết “trở mình”. Ban đầu, ông chăn nuôi ít heo, gà, đặt rượu để thoát khổ. Sau cùng vợ mở rộng quy mô, tìm hiểu và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào nuôi tôm quảng canh kết hợp nuôi cua. Hàng năm, trừ chi phí, ông thu nhập trên 200 triệu đồng.

Ngoài ra, ông Nhất còn áp dụng hiệu quả mô hình vườn - ao - chuồng, từ đó nới rộng diện tích, số lượng chăn nuôi heo kết hợp trồng nhiều loại cây ăn trái và nuôi cá đạt hiệu quả cao. 

Hiện ông đã sở hữu 6 ha đất. Mỗi con nước xổ vuông không lúc nào dưới 10 triệu đồng. Ông tấm tắc: “Có khi trái gió trở trời mấy vết thương hành bệnh nhưng tôi ráng lướt qua luôn. Thấm nhuần lời Bác dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”, hơn 15 năm qua, vợ chồng tôi quần quật thoát nghèo, con cái yên bề hết”.

Nhờ ý chí, nghị lực vươn lên, đầu năm 2016, gia đình ông “sắm” được ngôi nhà kiên cố 145 m2, trị giá hơn 800 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn “tậu” thêm các phương tiện, tiện nghi phục vụ sinh hoạt và đi lại.
Tuy tuổi già, sức khoẻ kém nhưng ông không ngừng học hỏi, tích cực tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về lý luận, nghiệp vụ do các cấp triệu tập. Ngoài ra, ông còn xem, nghe đài, đọc sách, báo để nâng cao kiến thức sản xuất, cuộc sống và công tác xã hội. 

Khắc ghi lời dạy của Bác “Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, ngày xã Hiệp Tùng đón bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (năm 2018), ông Võ Tấn Nhất cùng những đồng đội còn sống tự hào đến rơi nước mắt./.

Ông Nguyễn Văn Búp và ông Võ Tấn Nhất là 2 trong số 6 người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc của tỉnh Cà Mau vinh dự được biểu dương tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 19/7 vừa qua.

Băng Thanh

顶: 75388踩: 5