| Công chức Kho bạc Nhà nước Thái Nguyên đang kiểm soát các hồ sơ thanh toán vốn trên dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Hạnh Thảo |
Kiểm soát chặt chẽ các khoản chi Tính đến hết ngày 31/5/2023, toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã thực hiện thanh toán đạt 379.520 tỷ đồng, bằng 32% dự toán năm 2023 của ngân sách nhà nước (NSNN) qua KBNN (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng). Đồng thời, toàn hệ thống đã kiểm soát, thanh toán trên 148.554 tỷ đồng vốn đầu tư công thuộc kế hoạch năm 2023, bằng 22,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi (KSC) qua KBNN (665.236,9 tỷ đồng). KBNN cho biết, thời gian qua, đơn vị đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực, góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường kiểm soát chặt chẽ các khoản chi thường xuyên NSNN, nhất là các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo. Đặc biệt, toàn hệ thống đã bám sát Chỉ thị số 589/CT-KBNN về tăng cường công tác KSC, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng trong giao dịch thanh toán của hệ thống KBNN. Theo đó, KBNN chỉ đạo công chức thực hiện công tác KSC, thường xuyên theo dõi, cập nhật các chủ trương, chính sách, các văn bản, chế độ mới liên quan đến thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2023 nói chung, các văn bản chính sách liên quan đến công tác KSC ngân sách nói riêng để triển khai thực hiện công tác KSC NSNN qua KBNN đảm bảo thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong giao dịch và đúng quy định của pháp luật hiện hành. KBNN cũng đang đẩy mạnh triển khai đề án thanh toán tự động tiền điện thoại, internet, tiền điện..., nâng cấp dịch vụ công trực tuyến, liên kết với các ngân hàng thương mại... để giảm thủ tục, hồ sơ cũng như kiểm soát nhanh chóng các quy trình nghiệp vụ, từ đó kịp thời có phương án KSC hiệu quả. Bên cạnh đó, KBNN đã linh hoạt áp dụng 2 phương thức kiểm soát thanh toán đó là “thanh toán trước, kiểm soát sau” để tiếp nhận và giải quyết hồ sơ chứng từ trong vòng 1 ngày làm việc đối với các khoản tạm ứng, thanh toán từng lần và “kiểm soát trước, thanh toán sau”; đẩy mạnh giao nhận hồ sơ, kiểm soát thanh toán trên dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc; rút ngắn thời gian kiểm soát từ 7 ngày xuống còn 1 - 3 ngày, giảm thời gian rút vốn nước ngoài xuống còn 1 ngày… Đồng thời, KBNN đã hoàn thành việc triển khai trên phạm vi toàn quốc Chương trình quản lý KSC đầu tư (ĐTKB - GD) để thực hiện kiểm soát, thanh toán các dự án đầu tư công theo phương thức điện tử. Chương trình ĐTKB - GD không chỉ đơn thuần là ứng dụng quản lý toàn bộ thông tin dự án đầu tư công KSC qua KBNN như tên dự án, tổng mức đầu tư, kế hoạch vốn, nguồn vốn… mà còn được kết nối, giao diện với hệ thống dịch vụ công trực tuyến, Tabmis (hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc), hệ thống tổng hợp báo cáo THBC - LAN giúp đồng bộ, cập nhật nhanh chóng dữ liệu giải ngân vốn đầu tư công phát sinh hàng ngày từ địa phương tới trung ương. Vì vậy, số liệu giải ngân vốn đầu tư công được khai thác một cách kịp thời, chủ động tại mọi thời điểm, là cơ sở quan trọng để đánh giá công khai, minh bạch tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương, phục vụ tốt cho công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính và các cấp có thẩm quyền. Nghiêm cấm công chức kiểm soát chi gây phiền hà cho khách hàng Ngoài việc thực hiện các cải cách trong kiểm soát chi (KSC), lãnh đạo Kho bạc Nhà nước (KBNN) còn yêu cầu toàn hệ thống nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ; tuyệt đối không được gây phiền hà, sách nhiễu cho khách hàng giao dịch khi làm thủ tục thanh toán tại KBNN; tiếp nhận đúng thành phần, số lượng hồ sơ được quy định gửi KBNN; chấp hành đúng quy định về phương thức gửi, thời gian xử lý hồ sơ, không được yêu cầu khách hàng giao dịch bổ sung, hoàn thiện hồ sơ quá 1 lần; không được để tồn đọng bất kỳ hồ sơ thanh toán nào tại KBNN mà không rõ lý do. Đặc biệt, nghiêm cấm công chức KSC yêu cầu khách hàng giao dịch phải gửi thêm hồ sơ, chứng từ ngoài hồ sơ quy định phải gửi KBNN… |
Tăng cường giao dịch trên dịch vụ công trực tuyến Có thể thấy, công tác KSC đã được KBNN liên tục cải cách, đổi mới mang đến sự hài lòng cho khách hàng giao dịch. Để công tác KSC được thuận lợi hơn nữa cho khách hàng và tiến tới mục tiêu kho bạc số, KBNN đang tập trung thực hiện cải cách thủ tục hành chính thông qua đẩy mạnh các giao dịch trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc, vừa tăng tính minh bạch, vừa giúp đẩy nhanh công tác thanh toán, giải ngân vốn. KBNN cho biết, hiện nay đơn vị đã cung cấp 100% thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đạt tỷ lệ 100% đơn vị sử dụng ngân sách (trừ khối an ninh - quốc phòng) tham gia dịch vụ công trực tuyến. Hầu hết khoản thu, chi NSNN qua KBNN được thực hiện trực tuyến, thanh toán qua ngân hàng; một số chức năng tra cứu đã tích hợp qua ứng dụng mobile. KBNN cũng đã ban hành quy trình chuẩn kết nối thông tin dữ liệu và tích hợp phần mềm ứng dụng của các đơn vị sử dụng ngân sách vào hệ thống dịch vụ công trực tuyến của kho bạc giúp liên thông chứng từ, hồ sơ chi NSNN, hạn chế tối đa tình trạng trùng lặp trong nhập liệu. Theo báo cáo từ KBNN, đến nay đã có hơn 20.000 đơn vị sử dụng ngân sách tham gia kết nối với hệ thống của KBNN. Đặc biệt, trong điều kiện 100% đơn vị sử dụng ngân sách đã tham gia dịch vụ công trực tuyến, KBNN đã nâng cấp tiện ích tra cứu dữ liệu dịch vụ công trực tuyến; bổ sung thêm tính năng phục vụ hoạt động thanh tra, kiểm tra giúp phát hiện những vấn đề bất thường, kịp thời cảnh báo cho các đơn vị trong hệ thống KBNN xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ, đột xuất. Ngoài ra, KBNN đang tiếp tục đẩy mạnh việc thanh toán tự động tiền điện thoại, internet, tiền điện theo văn bản ủy quyền của đơn vị sử dụng NSNN, nhằm cải cách thủ tục hành chính, giảm hồ sơ thanh toán, số lượng giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến của kho bạc giúp giảm thời gian và công sức lao động của đơn vị sử dụng ngân sách và KBNN. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp dịch vụ công trực tuyến để đáp ứng yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi hơn cho các đơn vị sử dụng ngân sách trong giao dịch với KBNN. Một số vướng mắc trong Kiểm soát chi tới đây sẽ được tháo gỡ Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã dự thảo thông tư thay thế Thông tư số 62/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước (NSNN)qua KBNN. Tại dự thảo thông tư, công tác kiểm soát chi (KSC) được đổi mới theo hướng: Phân định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan KBNN (cơ quan KSC) và đơn vị sử dụng ngân sách; tăng tính chủ động và trách nhiệm cho đơn vị sử dụng ngân sách; mở rộng đối tượng thanh toán cá nhân theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính qua tài khoản nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt… KBNN đang kỳ vọng khi thông tư ban hành sẽ tháo gỡ một số vướng mắc trong kiểm soát “dự toán chi tiết” trong KSC mua sắm tài sản công; vướng mắc do chưa phân định rõ trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập và KBNN trong việc thanh toán chi NSNN theo phương thức đặt hàng; vướng mắc khi KSC chi cấp bù tiền miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với các cơ sở giáo dục công lập; KSC mua sắm theo phương thức tập trung; KSC đối với các công trình từ nguồn kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công… |
|