Với sự phát triển nhanh chóng về công nghệ và xu thế quốc tế hóa thương mại, tình trạng vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ ngày càng trở nên phổ biến. Trong bối cảnh này, Hải quan châu Âu (EU) không thể hành động đơn độc nên cần có một chủ trương thống nhất về việc ngăn chặn sự xâm nhập của hàng hóa vi phạm vào EU.
Tính đến tháng 8-2013, chỉ trong vòng 1 năm, đã có hơn 90.000 trường hợp vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được cơ quan Hải quan phát hiện. Một tỷ lệ lớn hàng hóa vi phạm có số lượng nhỏ và được gửi qua đường bưu điện.
Trong số các mặt hàng bị làm giả, thuốc lá tiếp tục dẫn đầu danh sách với tỷ lệ 31%, tiếp theo là các mặt hàng gia dụng khác (như đèn, keo dán, pin, bột giặt…) và các vật liệu đóng gói. Các sản phẩm sử dụng hàng ngày (như mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, đồ chơi, đồ điện) chiếm khoảng 12,7% trong tổng số hàng hóa bị thu giữ. Lượng hàng giả lớn nhất vào EU có xuất xứ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Ma rốc lại chiếm lĩnh thị phần thực phẩm giả còn Hồng Kông (Trung Quốc) lại có ưu thế về thuốc lá, kể cả thuốc lá điện tử giả.
Cuối tháng 2 vừa qua, Nghị viện châu Âu đã thông qua một Nghị quyết về việc thống nhất chủ trương của Nghị viện và Hội đồng châu Âu (EC) đối với việc tăng cường các biện pháp chống hàng giả. Nội dung chính của Nghị quyết là hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý của các thành viên nhằm tiến tới thực thi thống nhất việc xử lý hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân EU.
Điểm nổi bật của quy định mới được khái quát trong Nghị quyết bao gồm một số biện pháp mà các tổ chức và doanh nghiệp trong các lĩnh vực hoạt động khác nhau đề nghị được áp dụng từ lâu để ngăn chặn sự di chuyển tự do của hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và nhãn hiệu thương mại qua lãnh thổ hải quan EU. Những biện pháp được kêu gọi áp dụng cũng bao gồm cả việc ngăn chặn những chuyến hàng được vận chuyển quá cảnh EU để sang nước thứ ba (nằm ngoài lãnh thổ EU).
Các biện pháp dự kiến sẽ được áp dụng bao gồm: Chủ sở hữu trí tuệ có thể ngăn chặn hàng hóa đến từ một nước thứ ba khi hàng hóa đó mang nhãn hiệu giả mạo xâm nhập vào lãnh thổ EU. Chủ sở hữu trí tuệ có thể thực hiện thủ tục pháp lý và các biện pháp hợp pháp để ngăn chặn hàng giả. Các biện pháp này bao gồm quyền yêu cầu cơ quan Hải quan quốc gia thực hiện việc ngăn cản, bắt giữ và phá hủy hàng giả theo quy định mới về quản lý hải quan EU số 608/2013. Chủ sở hữu trí tuệ cũng có thể ngăn chặn việc nhập khẩu vào EU những chuyến hàng giả nhỏ, nhất là những trường hợp mua bán trực tuyến qua Internet. Một chuyến hàng nhỏ được định nghĩa theo quy định số 608/2013 bao gồm một chuyến hàng qua bưu điện hoặc chuyển phát nhanh có chứa nhiều nhất ba sản phẩm hoặc có trọng lượng tịnh dưới 2kg.
Nghị viện châu Âu cũng khuyến nghị trong những trường hợp trên, các cá nhân hoặc tổ chức đặt hàng sẽ cần được thông tin về lý do cơ quan Hải quan áp dụng các biện pháp trên cũng như nắm được các quyền lợi hợp pháp của họ khi có tranh chấp với người gửi hàng.
Các quy định nêu trên là kết quả tổng hợp của các trường hợp vi phạm, tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ trong thời gian gần đây. Các vướng mắc về bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng và chủ sở hữu trí tuệ ngày càng phức tạp. Trong đó, cần phải kể đến việc xử lý các giao dịch mua bán trực tuyến khi máy chủ của bên bán hàng đặt bên ngoài EU. Trường hợp này, để ngăn chặn hàng vi bán hàng bất hợp pháp vào EU, cơ quan Hải quan phải xác định hàng hóa đó có được quảng cáo để bán hàng vào lãnh thổ EU hay không.
Các chuyên gia về sở hữu trí tuệ của EU cho rằng Nghị quyết này của Nghị viện châu Âu là bước tiến mới trong cuộc đấu tranh chống hàng giả trên lãnh thổ EU.
Ngọc Vân