Ngồi trong căn chòi lá được dựng lên giữa đầm Thị Tường để trông giữ bãi sò rộng đến 15 ha mặt nước, anh Trần Văn Sal, 47 tuổi (ngụ ấp Tân Lợi, xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời) nhớ lại cơ duyên đưa anh đến với nghề nuôi sò huyết cách đây 5 năm.
Ngồi trong căn chòi lá được dựng lên giữa đầm Thị Tường để trông giữ bãi sò rộng đến 15 ha mặt nước, anh Trần Văn Sal, 47 tuổi (ngụ ấp Tân Lợi, xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời) nhớ lại cơ duyên đưa anh đến với nghề nuôi sò huyết cách đây 5 năm. Với vốn đầu tư sò giống cho 15 ha mặt nước trên đầm khoảng 800 triệu đồng, một mình không đủ khả năng, anh Sal rủ thêm 2 người bà con cùng làm. Thế là 15 ha mặt nước trên đầm Thị Tường, trước mặt nhà anh Sal giờ thành bãi sò, mỗi vụ thu về bình quân 3 tỷ đồng. Anh Sal bộc bạch: “Nuôi sò huyết không khó, không tốn công chăm sóc, hông tốn công cho ăn. Khâu quan trọng là chọn con giống tốt. Vất vả nhất là khâu canh giữ. Tôi phải cất chòi ngay tại đầm canh 24/24, nếu không là bị trộm hết”.
Bãi sò của anh Trần Văn Sal trên đầm Thị Tường. |
Không chỉ nuôi sò, nhận thấy tiềm năng khai thác du lịch ở đầm Thị Tường còn khá lớn, hiện chỉ có phía bên huyện Phú Tân là có nhà hàng đón khách du lịch đến đầm, anh Sal nảy ra ý tưởng làm một nhà hàng nổi trên đầm Thị Tường, khách đến đây có thể tự tay câu cá, bắt sò huyết và yêu cầu chế biến hay tự chế biến theo ý thích của mình. Từ ý tưởng đó, năm 2014, anh Sal sử dụng 8 ao nuôi tôm công nghiệp trước đây chuyển sang nuôi cá nâu, cá ngát, cá đối, cá chẽm… Hiện tại anh đang bắt tay vào xây dựng nhà hàng ngay tại nhà mình.
Cách bãi sò của anh Sal khoảng 500 m là bãi sò của gia đình anh Dương Văn Khải. Không thể trông chờ làm giàu từ 4 ha đất nuôi tôm quảng canh, nhìn thấy một số hộ đã thành công với việc nuôi sò huyết, anh Khải không ngần ngại mua sò giống về nuôi. Sau khi nuôi được một thời gian, anh Khải nhận thấy nhu cầu mua sò giống của bà con ở đầm Thị Tường ngày càng nhiều mà lượng sò tại địa phương không đủ cung cấp, nhiều người phải mua sò giống từ Bạc Liêu, Tiền Giang… anh Khải nảy ra ý tưởng bán sò huyết giống.
Nghĩ là làm, anh Khải cùng 2 con trai đi khắp các cửa biển từ huyện Trần Văn Thời đến Ngọc Hiển và các tỉnh vùng trên mua sò giống về vèo bán. Hiện nay, anh Khải là người duy nhất ở đầm Thị Tường bán sò giống cho người dân. Qua 5 vụ bán sò giống thu về bạc tỷ đã giúp gia đình anh Khải trở thành một trong những hộ giàu có nhất vùng đầm Thị Tường này.
Từ khi nghề nuôi sò huyết phát triển ở đầm Thị Tường, đời sống bà con nơi đây khấm khá hẳn lên, do vậy chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện cho bà con phát triển nghề này. “Lúc đầu chỉ có vài hộ ở các tỉnh khác xuống nuôi, rồi người dân địa phương thấy hiệu quả bắt đầu làm theo, đến nay có khoảng 100 hộ nuôi. Nghề này giúp đời sống bà con phát triển rất nhiều so với trước đây”, ông Dương Thành Long, Phó Chủ tịch HÐND xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời, nhận xét.
Giữa đầm Thị Tường mênh mông sóng nước, xa xa là những căn chòi. Mỗi căn chòi là một bãi sò. Không có rào chắn giữa các bãi với nhau, theo dòng nước, sò có thể di chuyển từ bãi này sang bãi khác, dù vậy, người nuôi sò cũng không ai để ý đến điều đó. Bởi bà con hiểu rằng, cái chính là phải biết phát huy lợi thế mà thiên nhiên đã ưu đãi, đoàn kết, gắn bó cùng làm giàu cho gia đình và quê hương xứ sở./.
Bài và ảnh: Kiều Oanh