游客发表
发帖时间:2025-01-12 12:18:58
Toàn tỉnh Cà Mau có trên 3.000 doanh nghiệp với hơn 60.000 lao động. Số doanh nghiệp có lao động ổn định từ 100 trở lên khoảng 45. Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Cà Mau Châu Thành Tôn nhận định:“Phần lớn lao động đều xuất thân từ nông thôn, trình độ tay nghề phần nhiều còn thấp, trong đó khoảng 50% lao động có việc làm không thường xuyên. Toàn tỉnh chưa thật sự hình thành khu công nghiệp tập trung nào”.
Những phác thảo sơ bộ cho thấy, hệ thống doanh nghiệp Cà Mau đang ở bước khởi đầu, quy mô và năng lực chưa đáp ứng kỳ vọng và còn rất nhiều thách thức đang chờ đợi phía trước. Ông Châu Thành Tôn nhấn mạnh: “Từ bước khởi đầu này, có xây dựng văn hoá doanh nghiệp thì mới đứng vững. Nó là việc thể hiện tổng hợp các giá trị ứng xử với nhau, qua đó, hình thành các mối quan hệ tự giác, tự nguyện”.
Chưa hoàn thiện
Vai trò của doanh nghiệp không đơn thuần chỉ tạo ra các giá trị vật chất mà còn là bộ phận và có đóng góp khác vào xã hội. Một số tập đoàn, doanh nghiệp gắn việc kinh doanh với quyền lợi người lao động, đóng góp vào an sinh xã hội như Minh Phú với việc xây trường học, Minh Khôi và Mỹ Anh với các chương trình thiện nguyện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn…
Bà Nguyễn Thị Mỹ Diệp, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Giáp & Diệp trao học bổng cho học sinh nghèo tại Cái Nước. Ảnh: MÃ PHI |
Tiến sĩ Ðinh Văn Hạnh, Phó phân Viện trưởng, Phân viện Văn hoá - Nghệ thuật phía Nam, phân tích: “Mặt bằng dân trí, ý thức tôn trọng và sử dụng pháp luật, sự hài hoà giữa phong tục tập quán và lối sống, phong cách làm việc chuyên nghiệp, đổi mới để hoà nhập với xu thế quốc tế hoá là những điều doanh nghiệp hết sức lưu tâm”.
Theo Tiến sĩ Ðinh Văn Hạnh, văn hoá doanh nghiệp không hề chung chung, nó bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, cụ thể nhất. Là người luôn theo sát các hoạt động doanh nghiệp, đặc biệt là với điều kiện sống của người lao động, ông Châu Thành Tôn chia sẻ, doanh nghiệp Cà Mau còn thiếu môi trường chuyên nghiệp. Các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao hạn chế do hầu hết tập trung vào sản xuất, các hoạt động này rơi xuống thứ yếu. Chưa kể, một bộ phận doanh nghiệp lách luật, chây ì, chỉ chú trọng vào lợi nhuận, “quên” luôn quyền lợi người lao động và trách nhiệm cộng đồng.
PGS-TS Huỳnh Quốc Thắng, Trường Ðại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh, xây dựng văn hoá doanh nghiệp, văn hoá doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh là yếu tố sống còn trong điều kiện mới. Từ thực tiễn của đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh đã nêu rõ, doanh nghiệp co cụm, bất chấp để thu lợi nhuận, quên người lao động, thiếu tích cực trong đóng góp chung thì dần dần bị cô lập, đào thải. Từ những chuyện nhỏ nhất như bảo hiểm y tế, chế độ tăng lương, tăng ca, các hoạt động văn hoá - tinh thần, chăm lo điều kiện ăn ở, sinh hoạt… hàng loạt những vấn đề nhỏ này ảnh hưởng đến tâm lý, năng suất lao động và là yếu tố sống còn với một đơn vị kinh doanh.
Trong những năm gần đây, nền kinh tế của địa phương vấp phải vô vàn khó khăn do tình hình chung, sự chững lại để hoàn thiện của hệ thống doanh nghiệp, song song đó là quá trình đào thải những doanh nghiệp thiếu năng lực đã tái cơ cấu diện mạo mới cho nền kinh tế. Ông Châu Thành Tôn cho biết: “Bối cảnh chung ấy, những doanh nghiệp có môi trường văn hoá tốt hầu hết đều vượt “bão”, trụ vững và tiếp tục phát triển”. Tôn trọng pháp luật, làm ăn có uy tín, được sự ủng hộ của người lao động, sự ghi nhận của xã hội thì kinh doanh mới “bền gốc, sâu rễ”.
Thời cơ mới
Theo đánh giá của TS Ðinh Văn Hạnh và PGS-TS Huỳnh Quốc Thắng, hệ thống doanh nghiệp Cà Mau đang bắt nhịp nhanh với sự vận động xã hội. Văn hoá doanh nghiệp chính là “bí quyết” để mỗi doanh nghiệp tự nắm bắt thời cơ, tạo bước đột phá. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phụ thuộc rất nhiều yếu tố mang tính khách quan khác, cơ chế, năng lực người lao động, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Chưa tính đến quy mô, doanh nghiệp Cà Mau nên chú trọng vào những vấn đề mang tính nền tảng, cốt lõi, lợi nhuận phải phù hợp và hài hoà trong các mối quan hệ khác.
Theo ông Châu Thành Tôn, một trong những việc cần làm trước tiên là tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, phổ biến pháp luật, cập nhật những quy định mới đối với doanh nghiệp, người lao động. Doanh nghiệp tuyệt đối chấp hành pháp luật, nâng cao ý thức tự giác và tự tôn dân tộc trong điều kiện hội nhập quốc tế. Quyền lợi người lao động cần được tính đến một cách thiết thực, cụ thể như lương, thưởng, chăm sóc sức khoẻ, giờ làm việc, điều kiện sống, đào tạo tay nghề.
Với người lao động, cần phải hình thành thói quen làm việc khoa học, chuyên nghiệp, trước tiên là phải đúng giờ, đúng yêu cầu, đúng thao tác và vì lợi ích chung của doanh nghiệp. Luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm, cùng doanh nghiệp vượt khó, gắn bó với doanh nghiệp mình đang lao động. Luôn nắm vững quyền lợi và nghĩa vụ, từ đó có những đề đạt chính xác, kịp thời. Tham gia tích cực vào các tổ chức Ðảng, đoàn thể, tích cực học tập và thể hiện tinh thần sáng tạo, góp phần chung vào lợi ích của doanh nghiệp.
Cà Mau được khẳng định là có thế mạnh ở một số lĩnh vực trọng yếu, như thuỷ hải sản, nông sản, dịch vụ - du lịch, đặc biệt, quá trình đô thị hoá tạo thời cơ cho lĩnh vực xây dựng. Nguồn nhân lực của địa phương dồi dào, hệ thống doanh nghiệp chỉ mới bước đầu hình thành, phát triển. Vấn đề còn lại là mỗi doanh nghiệp cần nắm bắt thời cơ, nâng cao nội lực, phát triển gắn với tiềm lực, lợi thế thực tế của tỉnh nhà.
Và một trong những điều quan tâm nhất của doanh nghiệp chính là cơ chế, hoạch định phát triển và những điều chỉnh mang tầm vĩ mô, định hướng lâu dài của các cấp chính quyền. Sự gắn kết giữa doanh nghiệp và cộng đồng, giữa doanh nghiệp và địa phương, doanh nghiệp với người lao động là các mối quan hệ cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc - đó là văn hoá doanh nghiệp, một bộ phận của vùng đất Cà Mau trong tiến trình phát triển./.
Quốc Rin
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接